Hầm rượu vang và những tầng sách ở Pháp

(PLVN) - Rượu vang, nước hoa, phô-mai và bánh mỳ. Chỉ bấy nhiêu từ đó cũng đủ để người ta chỉ mặt đặt tên: nước Pháp. Vậy mà, mọi người lại béng quên những tủ sách cao ngất bên cạnh hầm rượu của đất nước này. 
Trong tủ sách của gia đình Besnier có cuốn: Điên-Biên-Phu. Và bác đã viết lưu ký cho tôi: Sống liên đới giữa Việt Nam và Pháp trong tình bạn hữu!
Trong tủ sách của gia đình Besnier có cuốn: Điên-Biên-Phu. Và bác đã viết lưu ký cho tôi: Sống liên đới giữa Việt Nam và Pháp trong tình bạn hữu!

Sống trên đất Pháp 5 tháng, tôi được trải nghiệm nền văn hóa đậm chất truyền thống của Châu Âu quyện trong sự hiện đại của một quốc gia phát triển. Nếu nói về Pháp mà chỉ nhắc đến hầm rượu thôi thì thật thiếu sót. Bởi, những tầng sách bên cạnh hầm chính là nấc thang khiến thương hiệu Pháp được bay xa. 

Thói quen mua sách như baguette

Chúng tôi thường tếu táo trêu nhau rằng dấu hiệu nhận biết trai Pháp là ăn ốc sên và nách thì kẹp bánh mỳ baguette. Người Pháp chẳng thể thiếu bánh mì baguette giống như dân Việt không thể không có cơm. Sáng sớm hay tối muộn đi ngoài phố, một hình ảnh quen thuộc hàng ngày tại Pháp là người người, nhà nhà mua bánh mỳ. Và họ còn có thói quen mua sách đều đều như đi mua baguette vậy. 

Vào mỗi buổi chiều thứ 7, tôi thường có thói quen đi nhà sách… chơi. Lille thuộc miền Bắc nước Pháp là thành phố mà tôi đang sống và theo học. Tại Lille có khoảng hơn 30 hiệu sách lớn với nhiều đầu sách không chỉ bằng tiếng Pháp. Người Pháp và người dân tại Pháp rủ nhau đi hiệu sách đông như dân Việt đi mua vàng ngày vía Thần tài. Đó là cách nói quá vì họ đi mua sách không xô bồ cho lắm! Furet du Nord có thể được coi là hiệu sách lớn nhất tại Lille với hệ tòa nhà 7 tầng tựa một trung tâm thương mại. Có đủ loại sách, báo, đĩa phim nhạc và đồ văn phòng phẩm tại đây. Sách được xếp loại theo từng lĩnh vực như : Ngoại văn, Văn học, Chính trị, Lịch sử, Tâm lý học, Triết học,… Và trong mỗi khu vực sách lại chia theo từng miền như : Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi và Châu Á nữa.

Theo Actualitté, 52% dân số Pháp mua một cuốn sách mỗi tháng. Năm 2017, lượng sách in ấn lên đến 81.263 bản in đầu sách mới. Xuất bản là nền công nghiệp văn hóa hàng đầu tại Pháp và cũng là lĩnh vực ‘‘già dặn’’ tại đây. Tổng doanh thu của ngành lên đến 4.14 tỷ euros, và đứng thứ 5 trên thế giới (theo dữ liệu IPA). Sách là thị trường đầy năng động của Pháp với hơn 5000 nhà xuất bản. Có năm nhà xuất bản Pháp nằm trong danh sách 50 nhà xuất bản lớn nhất trên thế giới là : Hachette Livre, Les Editions Lefebvre-Sarrut, Groupe Madrigall, La Martinière Groupe, Groupe Albin Michel. Và cũng phải nói thêm rằng, sách tại Pháp không hề rẻ so với những mặt hàng dân dụng như quần áo. Đơn cử, một cuốn Le Petit Prince (Hoàng tử bé) khoảng 50 trang cũng có giá gần 9 euros (tương đương 200.000 VNĐ). 

Bác Phillip thường dành 3 tiếng mỗi ngày để đọc sách ngoài các hoạt động như đọc báo, xem tin tức và… đi bảo tàng
Bác Phillip thường dành 3 tiếng mỗi ngày để đọc sách ngoài các hoạt động như đọc báo, xem tin tức và… đi bảo tàng

“Xách tay” sách?

Trong 3 tháng đầu học tiếng Pháp, chúng tôi có một chuyến tìm hiểu văn hóa tại các gia đình bản địa. Mỗi nhóm gồm hai người trong lớp sẽ đến sống với gia đình Pháp để thực hành ngôn ngữ cũng như hiểu hơn về sinh hoạt gia đình. Tôi và Lenka (cô bạn người Cộng Hòa Séc) đến nhà bác Besnier tại thị trấn Melun cách Paris chừng 50km. Bác gái là một cô giáo dạy Tiếng Pháp và Latin đã về hưu đến đón chúng tôi. Ngôi nhà nhỏ nằm ở thị trấn dọc bên sông càng trở nên thú vị hơn với những tủ sách mà bác giới thiệu. Sau khi uống rượu vang cùng vài nắm hạt điều với bác trai, một kỹ sư đã về hưu, chúng tôi ngó nghiêng hết những hàng sách của gia đình. Hai bác xếp sách theo từng niên đại ra đời của nó. ‘‘Đây là những cuốn sách từ thời Vua Louis XIV, còn đây là những cuốn sách được viết về thời Trung Cổ’’, bác gái Isabell say sưa nói về những cuốn sách. Rồi bác tặng chúng tôi mỗi người một tập thơ của Jean de La Fontaine và say sưa kể tình yêu thiên nhiên của ông.  

Pháp chưa bao giờ là một mảnh đất héo úa cho trải nghiệm tuổi trẻ của tôi. Trước ngày đi Pháp, nhiều người bạn và anh chị em tôi không quên dặn dò to nhỏ: ‘‘Qua đó nhớ gửi nước hoa về nhé!’’. Tôi không biết có một thống kê hay báo cáo nào về thị trường bán hàng xách tay tại Việt Nam nào chưa nhưng có giả thiết rằng con số đó không nhỏ. Nhiều hội nhóm du học sinh lập nên với gần 50% thông tin là bán hàng. Đi vài ba lướt tay trên facebook là lại có một “người thân” bán hàng và đi thêm ba cái lướt nữa là sẽ có hàng xách tay từ châu Âu đến Nhật Bản, từ Nga xa xôi đến Trung Quốc hàng xóm. 

Tủ sách cho trẻ được đặt trong nhà vệ sinh của gia đình Massa tại Lille, Pháp
Tủ sách cho trẻ được đặt trong nhà vệ sinh của gia đình Massa tại Lille, Pháp

Nhu cầu về hàng hóa chất lượng cao là vấn đề cơ bản của những ai muốn có, thích có và có thể có. Nhưng giữa cái bình thường ấy, tôi lại chỉ băn khoăn rằng, nếu 30% shop bán hàng xách tay online là mỹ phẩm, quần áo ấy chuyển qua bán hàng ‘‘xách tay sách’’ thì sẽ ra sao ? Điều đó chứng tỏ nhu cầu tìm hiểu tri thức của dân Việt có nhu cầu lớn hơn và với nền tảng đó thì một ngày gần, chúng ta chỉ cần ra cửa nhà thôi cũng mua được hàng chất lượng ‘‘tự tay xách’’ rồi. Đông sắp hết và hè đến, tôi sẽ sắm sửa đồ về nhà. Tôi mong lắm những dòng tin nhắn : ‘‘Kiếm giúp chị cuốn Hoàng tử bé tiếng Pháp nhé !’’. Đến lúc đó thì là hoàng tử bé hay lớn, là 9 euros hay 19 euros thì tôi cũng sẽ mau mắn dành một phần vali mà xách về làm quà. Bởi, sách không đơn giản chỉ là ‘‘sách’’!

Đọc thêm