Hành trình trao đời sự sống

(PLO) - Qua 10 năm tổ chức, Lễ hội Xuân Hồng đã trở thành niềm mong đợi của hàng nghìn người bệnh. Mỗi chặng đường, mỗi dấu mốc đi qua Xuân Hồng đều để lại trong lòng người tham dự những kỷ niệm sâu đậm, những ấn tượng không thể quên về một lễ hội tình nguyện.
Nhiều bạn trẻ dù sợ đau nhưng vẫn tham gia hiến máu cứu người.
Nhiều bạn trẻ dù sợ đau nhưng vẫn tham gia hiến máu cứu người.

Lễ hội của lòng nhân ái 

Xuất phát từ tình trạng khan hiếm nguồn người hiến máu thường xảy ra tại các cơ sở y tế cũng như các bệnh viện. Năm 2017, Lễ hội Xuân Hồng tiếp tục được tổ chức với thông điệp “Hiến giọt máu đào – Trao đời sự sống”. Sự kiện do Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TP Hà Nội và Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội tổ chức. Lễ hội Xuân Hồng 2017 đã lập nên một kỷ lục mới về lượng máu tiếp nhận trong một ngày, năm 2017 dự kiến tiếp nhận 10.000 đơn vị máu. 

Nhận xét về Lễ hội Xuân Hồng năm 2017, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định: “Lễ hội Xuân Hồng là lễ hội đặc biệt khác với lễ hội khác đầu Xuân đang diễn ra trên hầu khắp cả nước. Đây là lễ hội duy nhất mà những người tham dự đến sẵn sàng san sẻ tình cảm, trách nhiệm với người bệnh thông qua hành động hiến máu của mình”.

Ngay từ sáng sớm, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã có hàng vạn người đến dự và đăng ký hiến máu với những ánh mắt, nụ cười cùng tấm lòng nhiệt huyết. Từ ngoài sảnh vào bên trong trung tâm, dòng người đổ về mỗi lúc một đông, hàng nghìn người cùng nhau chia sẻ giọt máu quý giá của mình cho người bệnh.

Anh Lê Quyết Thắng công tác tại Tiểu đoàn 63, Trung đoàn 236, Sư đoàn 361 Quân chủng Phòng không - Không quân là một trong những nhân vật tiêu biểu của Lễ hội Xuân Hồng năm nay. Anh đã tham gia hiến máu tại Lễ hội Xuân Hồng mỗi năm và nhiều lần hiến máu khác ở đơn vị. Hơn 30 lần đi hiến máu, với vẻ mặt cương trực nhưng lấp lánh ánh mắt hạnh phúc, anh chia sẻ: “Tôi phải cảm ơn bố mẹ tôi vì chính họ đã vận động anh em chúng tôi cùng đi hiến máu. Và bây giờ, cả gia đình tôi, bố mẹ và hai chị gái tôi cũng luôn có mặt trong các chương trình vận động hiến máu tình nguyện, đặc biệt là trong Lễ hội Xuân Hồng. Giờ đây, anh em cùng đơn vị và những người thân trong gia đình luôn đầy nhiệt huyết trước những ngày diễn ra Lễ hội Xuân Hồng”.

Đó là chia sẻ của những người đến Xuân Hồng hiến máu, còn với những người bệnh đang được điều trị tại các bệnh viện, Xuân Hồng là cơ hội để họ được tiếp thêm sự sống. Cô gái Nguyễn Thu Thủy ở Chương Mỹ, Hà Nội mặc dù 18 tuổi nhưng dáng người nhỏ nhắn hơn các bạn cùng trang lứa khác bởi em mắc căn bệnh tan máu bẩm sinh ngay từ khi mới 2 tháng tuổi.

Cuộc đời em gắn liền với bệnh viện, với những ngày truyền máu, thải sắt để duy trì cuộc sống. Đến giờ em cũng chẳng nhớ hết đã được truyền bao nhiêu đơn vị máu. Em kể, trước kia em đã trải qua nhiều lần thiếu máu, em phải chờ đợi hàng tuần, từ năm 2008 đến nay số lượng máu phải chờ rất ít, từ đó em được truyền máu định kỳ hơn.

Lan tỏa tình yêu thương

Sau 10 năm tổ chức, Lễ hội đã dần xóa bỏ nhận thức chưa đúng cho rằng hiến máu đầu năm sẽ mất may mắn. Đồng thời cũng là dịp để huấn luyện cán bộ y tế về việc tổ chức một buổi hiến máu lớn đề phòng các thảm họa xảy ra. Với việc duy trì tổ chức Lễ hội Xuân Hồng 10 năm, sự kiện đã khẳng định mang tính điểm nhấn trong phong trào hiến máu tình nguyện, thu hút sự quan tâm hiến máu của nhiều người trên toàn thành phố.

GS.TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Trưởng ban tổ chức Lễ hội cho biết: “Lễ hội Xuân Hồng đã góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn người hiến máu dịp Tết Nguyên đán. Kể từ khi sự kiện được khởi xướng và tổ chức từ Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, sự kiện đã được nhân rộng mô hình trên nhiều tỉnh/thành phố trên toàn quốc, đồng thời không còn tình trạng thiếu máu điều trị dịp nghỉ Tết cổ truyền”.

Xuân Hồng là ngày lễ của tuổi trẻ, của lòng nhiệt huyết, lòng nhân ái. Lễ hội hiến máu ngoài ý nghĩa mang đến cho người bệnh sự sống còn mang lại cho thế hệ trẻ về nhân cách sống, nghĩa cử cao đẹp, biết chia sẻ cho cộng đồng và người kém may mắn. Một điểm nhấn nữa làm lay động lòng người tại Xuân Hồng khi có các cặp đôi đến với lễ hội để ghi dấu lại những kỷ niệm cùng nhau hiến máu. Họ cho rằng, đi ăn hay cùng nhau đi chơi thì dễ, nhưng cùng nhau hiến máu mang lại sự sống cho người bệnh còn thiêng liêng, đáng quý hơn bao giờ hết. Cũng không ít cặp đôi vì đi hiến máu đã quen, kết duyên với nhau để rồi họ tiếp tục cùng nhau tham gia hiến máu mỗi năm. 

Hàng ngày, hàng giờ trên khắp đất nước Việt Nam vẫn luôn có hàng ngàn người bệnh đang cần truyền máu mỗi ngày. Nếu không có những trái tim nhân ái sẵn sàng chia sẻ giọt máu, tấm lòng của mình tới những người kém may mắn thì có lẽ sự sống của họ sẽ không được hồi sinh. Trong không khí ngày Xuân, sẽ có nhiều hơn những nụ cười rạng ngời của người bệnh khi được nhận máu. Xuân Hồng đã trở thành một ngày hội văn hóa, mang đậm giá trị nhân văn cao cả, nơi những trái tim nhân ái chạm vào lòng yêu thương giữa con người với con người, lan tỏa khắp các tỉnh, thành, được người dân cả nước tham gia và hưởng ứng.

Đọc thêm