Hồ Văn Cường: “Cậu bé hát đám cưới” mơ ước làm ca sĩ để lấy tiền cho cha mẹ

(PLO) -Một cậu bé da đen nhẻm, người nhỏ xíu, có phần nhút nhát nhưng gây ấn tượng ngay với ban giám khảo và khán giả ngay từ những vòng đầu tiên của cuộc thi Vietnam Idol Kid 2016. Với giọng hát giàu cảm xúc và khả năng xử lý ca khúc dân ca rất chuyên nghiệp, Cường được kỳ vọng là ứng viên quán quân ngay từ những số đầu tiên lên sóng. Chẳng ai ngờ được đằng sau giọng hát tuyệt vời ấy là một câu chuyện về nghị lực vượt khó của cậu bé Hồ Văn Cường...
 
“Cậu bé hát đám cưới” Hồ Văn Cường
“Cậu bé hát đám cưới” Hồ Văn Cường

Đi hát đám cưới lấy tiền đóng học

Hồ Văn Cường sinh ra trong một thuộc hộ khó khăn nhất của huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Gia đình Cường vốn không có tài sản hay đất đai để tự sản xuất như những hộ khác. Do đó, công việc chủ yếu của cha mẹ em là đi làm mướn, hay nói cách khác là: “Ai kêu gì thì làm nấy” thế nên bữa cơm cũng ít khi nào được đầy đủ.

Cha Cường còn mạnh khỏe nên khi thì đi phụ hồ hoặc vét mương cho hàng xóm, mỗi ngày kiếm được gần 100 ngàn đồng. Trong khi đó, mẹ em sức khỏe yếu nên chỉ có thể làm những công việc nhẹ nhàng như rửa củ cải, thù lao mỗi tiếng chỉ được 8 ngàn đồng hoặc có ai thương thì cho thêm “biếu” thêm 2 ngàn đồng cho tròn chục ngàn. Nhưng năm nay hạn và nhiễm mặn không trồng được nên mẹ em cũng không có việc, đành ở nhà lo chuyện bếp núc.

Mê hát nhưng nhà nghèo, không có tivi cũng chẳng có radio, nên từ bé, Cường thường nghe nhạc bằng cách “ké” hàng xóm. Em nghe dần rồi tự thuộc, chép vào một cuốn sổ được em xem như báu vật để tự tập hát.

“Mỗi khi rảnh con thường hay hát và có một quyển sổ nhỏ để ghi chép những bài hát con yêu thích nhất. Nó như là một báu vật của con mà con không thể bỏ mất. Con ước mơ lớn lên trở thành một ca sĩ, nhưng trước hết, con muốn có điều kiện để học hết cấp 3, vì con rất muốn đi học”, Cường tâm sự.

Hoàn cảnh khó khăn trăm bề, nhưng gia đình chưa một lần để con trai phải nghỉ học. Tiền dành dụm không đủ, cha mẹ em mượn nợ để đóng học phí. Hiểu cha mẹ vất vả nên Cường rất chịu khó học.

Anh Hồ Văn Mười (bố Cường) kể: “Nó mê hát lắm, từ lúc biết đọc đã hát cả ngày. Hát cháy 2 cái loa rồi, cô nó mới cho lại 2 cái loa cũ khác”.

Tính cách rụt rè và khép kín nhưng, vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, khi được các anh chị lớp lớn rủ hát đám cưới để có tiền, Cường gật đầu ngay. Đi hát được người ta cho tiền Cường gửi mẹ để dành đóng học. “Tôi cũng bất ngờ khi Cường đưa tiền và nói hát đám cưới được người ta cho, bình thường nó nhát lắm, không dám tiếp xúc với ai”, chị Thu nói.

Mỗi lần đi hát, Cường được khán giả cho có khi vài chục, khi vài trăm nghìn đồng nhưng chưa bao giờ Cường xin thêm. Nhiều người vì yêu mến, mời em ở lại ăn uống nhưng Cường đều từ chối. Hát xong, em lập tức quay về nhà rồi đưa hết tiền cho mẹ.

Cuộc sống của cậu bé nghèo sẽ ngày qua ngày tiếp diễn như thế nếu không có một ngày, cô giáo của em đã nhờ người đăng ký cho em tham gia cuộc thi. Và để đưa Cường lên Sài Gòn thi hát, mẹ em đã phải vay 500 ngàn đồng để làm lộ phí đưa con đi thi.

Với nhiều người 500 ngàn đồng là con số không lớn nhưng với gia đình Cường đó là cả một vấn đề. Người mẹ nghèo quanh năm gắn bó với ruộng vườn nay quyết tâm dẫn con trai lên thành phố thi hát ấp ủ cả một niềm hy vọng lớn lao, một ước mong của các bậc cha mẹ dành cho con cái của mình: mong cho con mình được sống hạnh phúc. Đưa Cường đi thi, mẹ em hy vọng em có thể “đổi đời”: “mong cho con có ăn, mong cho con sung sướng, đừng vất vả như đời của cha mẹ”.

Chinh phục khán giả

Lần đầu tiên đứng trên một sân khấu lớn, ánh mắt của Cường có phần rụt rè, cậu bé cứ liên tục nhìn xuống đất rồi đảo mắt nhìn sang hai bên. Giọng nói nhỏ xíu, trả lời không kịp những câu hỏi của giám khảo, cứ ngỡ rằng cậu bé này chẳng tự tin mà hát đâu.

Thế nhưng chỉ mới qua hai câu hát trong bài “Lý đất giồng”, giọng hát trong veo đầy tình cảm và lôi cuốn của cậu bé Gò Công đã hoàn toàn chinh phục cả ban giám khảo. Thậm chí, giám khảo Văn Mai Hương và nhiều khán giả còn rơi nước mắt vì xúc động.

“Cậu bé hát đám cưới” Hồ Văn Cường tại cuộc thi
“Cậu bé hát đám cưới” Hồ Văn Cường tại cuộc thi 

Trong phần ghi năng khiếu của mình, khác với những bạn nhỏ có thể nhảy, đọc rap, đàn... hoặc từng tham gia các cuộc thi nào đó, Cường ghi mình “đi hát đám cưới” từ năm học lớp 6 khiến ban giám khảo cũng như nhiều khán giả ngỡ ngàng. Bởi chẳng ai ngờ được cậu bé nhỏ xíu này lại trang trải tiền học và phụ giúp cha mẹ bằng cách “khác người” này.

Những chia sẻ thật lòng của Cường khiến ban giám khảo bối rối. Nữ giám khảo Tóc Tiên đã phải thốt lên: “Giọng con nói và hát không liên quan gì đến nhau”.

Có lẽ chính sự chân chất, hồn nhiên và có phần rụt rè của cậu bé nhỏ nhắn có nước da rám nắng này khiến em nhiều người yêu mến đến vậy. Cái tên Hồ Văn Cường trở thành một “hiện tượng” trên mạng xã hội chỉ sau một đêm.

"Điều cô thích ở chương trình là các con được thỏa lòng hát theo ý thích. Các con có thể tỏa sáng theo những gì mà các con có. Thật ra Hồ Văn Cường không chỉ hát được nhạc mang âm hưởng dân ca mà còn hát cải lương và nhiều dòng nhạc", Văn Mai Hương chia sẻ về cậu bé đến từ Tiền Giang.

Dù cho hát những ca khúc mang giai điệu, ca từ khá trầm và buồn như: Bông hồng cài áo, Còn thương rau đắng mọc sau hè, Bà Năm, Lòng mẹ, Hát từ trái tim... hay những ca khúc mang giai điệu tươi vui, rộn ràng như Về miền Tây thì sự chân thành, mộc mạc trong từng câu hát của Cường vẫn luôn khiến người nghe rạo rực cảm xúc trong tim.

Các giám khảo cho rằng mỗi lần Hồ Văn Cường cất tiếng hát, người nghe có thể gạt qua mọi thứ về kỹ thuật để chìm đắm vào cảm xúc từ chất giọng mộc mạc của cậu bé. “Gạt qua mọi thứ, những lỗi to nhỏ, mỗi lần giọng hát của con cất lên là cảm xúc cứ len lỏi vào tim mọi người”, Cường đã nhận được lời khen như thế của giám khảo Văn Mai Hương sau phần thi của mình.

Giám khảo Isaac cũng xúc động nói: “Người ta có thể học hát nhưng có những thứ không thể học được, đó chính là cảm xúc, điều sẽ chạm đến từng ngõ ngách, ký ức sâu xa nhất của mỗi người. Con từng không hạnh phúc và chính sự không hạnh phúc mang đến những xúc cảm chất chứa trong từng câu hát con gửi đến mọi người”.

Tuy được ban giám khảo khen “không ngớt lời” thế nhưng cậu bé quê Tiền Giang vẫn nhờ các giám khảo chê mình thật nhiều để có thể tiến bộ hơn. Đó là tinh thần cầu tiến đáng quý của cậu bé nghèo. Giám khảo Tóc Tiên thẳng thắn nêu nhược điểm trong giọng hát Hồ Văn Cường khi em thường bị hụt hơi dù đã được tập nhiều. "Bài Sa mưa giông là bài hát khó, là thử thách thật sự với con và có thể con hơi hồi hộp khi hát", Tóc Tiên nói.

Giọng hát của Cường cũng đang nhận được nhiều sự yêu mến của khán giả. Một độc giả viết: “Chào Cường mến yêu! Con biết không, Chú đang sinh sống ở thành phố Edmonton, tỉnh Alberta, Canada xa xôi. Nhờ Vietnam Idol Kids đưa giọng hát của con làm khơi lại niềm yêu thương và tự hào dân tộc. Chú muốn cảm ơn con đã thổi vào lòng khán giả những cung bậc cảm xúc trong từng ca từ của bài hát mà chỉ có những người sống xa quê hương và xa gia đình như chú mới cảm nhận được. Chúc con mau khỏe để thể hiện tài năng của con trên sân khấu, giữ ngọn lửa cảm xúc này để truyền tải đến cho khán giả tình yêu quê hương đất nước. Cho dù con có trở thành quán quân trong kì thi lần này hay không, điều đó không quan trọng với chú. Vì trong lòng chú đã dành cho con 1 vị trí cao nhất mà không dễ dàng đâu vì chú là người rất khó tính trong gu âm nhạc. Chú đã bị con đánh knock out rồi. Nghe con hát mà chú tìm lại được tuổi thơ của mình”.

“Trái tim hát lúc nào cũng làm rung động những khán giả nghe nhạc. Mong em luôn đem đến cho khán giả những lời hát từ trái tim mình”, một khán giả khác bình luận. “Quán quân hay ko thì ko cần biết, giọng hát của con. Cảm xúc của con đã lan truyền mà đến nhạc sĩ cũng viết riêng lời cho con thì con đã là quán quân rồi...Mong các thí sinh khác cũng hát thật hay nhé”, khán giả Huy Khang chia sẻ.

Muốn làm ca sĩ để có tiền cho ba mẹ

Được lọt vào vòng vòng liveshow của cuộc thi Vietnam Idol Kid cũng là lần đầu hai mẹ con Cường được sống dài ngày tại TP.Hồ Chí Minh. Những vòng thi trước, hai mẹ con tranh thủ lên thi rồi bắt xe về nhà trong ngày để tiết kiệm chi phí.

Chị Võ Thị Ngọc Thu tâm sự gia đình chị có 2 con, chị gái Cường lấy chồng xã khác. Khi nghe Cường muốn thi hát, chị cũng chiều con mượn tiền dẫn đi. Khi nghe tin chương trình được phát sóng, gia đình phải đến nhà cô giáo của Cường để xem vì nhà không có tivi.

“Vì con thích và đam mê ca hát nên tôi chiều theo ý bé, chứ gia đình khó khăn quá, mà lại ở quê có biết gì đâu. Cường lọt vòng trong, vợ chồng tôi cũng mừng lắm, nhưng vừa mừng vừa lo. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để lo cho con”, chị Thu nói.

Chị Võ Thị Ngọc Thu - mẹ Hồ Văn Cường
Chị Võ Thị Ngọc Thu - mẹ Hồ Văn Cường

Thời gian hai mẹ con lên thành phố đi thi, cha Cường ở quê giữ nhà, thỉnh thoảng gọi điện lên để thăm hỏi con trai. Tuy nhiên, cũng không hề dễ dàng để liên lạc được, bởi chiếc điện thoại di động duy nhất mà mẹ Cường sử dụng thường xuyên bị hỏng.

Vì cha mẹ không có công việc ổn định mà chỉ nhận làm bất cứ việc gì mà người khác thuê mướn, nên nhà Cường thường xuyên rơi vào cảnh túng thiếu. Biết rõ hoàn cảnh gia đình mình, Cường cho biết lớn lên em sẽ làm ca sĩ, không cần nổi tiếng mà chỉ cần được đi hát, được cát-sê có tiền giúp đỡ cha mẹ là đủ.

Với Hồ Văn Cường giờ đây mọi thứ đã thuận lợi hơn. Ước mơ của cậu bé nghèo đang dần trở thành hiện thực. Em được đến trường, được hát trên sân khấu lớn. Một tương lai tươi sáng đang chờ đợi em ở phía trước. Tuy nhiên, trước những lời khen ngợi, tung hô con trai nuôi, Phi Nhung cho biết, cô hy vọng khán giả “đừng làm hư Hồ Văn Cường và khiến bé ảo tưởng về khả năng của mình”.

“Bé đang sống một cuộc sống, so với người khác là êm ấm lắm rồi. Giờ có thêm mẹ Nhung lo cho việc học hành nữa, quá hạnh phúc rồi. Bên cạnh đó, tôi sẽ tập cho bé Cường hát ngày càng tốt hơn. Có chương trình đặc biệt gì, tôi sẽ đưa bé Cường vào. Tôi muốn khán giả thỉnh thoảng có thể nhìn thấy bé Cường trên sân khấu chứ còn để cho bé hát hàng đêm là thương bé nhưng sẽ vô tình hại bé”, Phi Nhung chia sẻ.

Giọng ca gốc Gia Lai cho rằng: “Đồng tiền có ma lực rất ghê gớm” nên cô nghĩ Cường trước mắt chỉ cần đi học, còn chuyện ca hát cô sẽ kèm cặp thêm. Nữ ca sĩ muốn Cường khi lên sân khấu, tiếng hát sẽ đi vào lòng người, chứ không phải hát cho có.

“Việc Cường có đăng quang Idol Kids hay không, tôi cũng không để tâm. Quán quân thì đã sao? Ở Việt Nam đã có hàng trăm Quán quân từ các cuộc thi lớn nhỏ nhưng có bao nhiêu người thật sự được khán giả nhớ đến? Kể cả cái tên của Cường có hot đến mấy, với tôi đó cũng chỉ là hiện tượng nhất thời. Khán giả chỉ chú ý đến bé trong thời gian Idol Kids diễn ra, nhưng sau khi chương trình kết thúc, người ta cũng sẽ quên bé và bắt đầu để ý đến những gameshow, hiện tượng mới”, ca sĩ Phi Nhung thẳng thắn chia sẻ.

Lý do cô nhận nuôi và hỗ trợ Cường cũng vì mong bé có điều kiện học tập, được vô tư cắp sách tới trường như bạn bè cùng lứa chứ không phải lo lắng chuyện “cơm áo gạo tiền”. Sau khi đủ 18 tuổi, nếu Cường thực sự muốn theo nghề hát và được bố mẹ đồng ý, cô mới nghĩ đến chuyện cho bé học nhạc bài bản. Còn nếu sau này nếu Cường không thành công trong nghề hát thì em vẫn có nghề khác để làm.

Trên thực tế, đã có nhiều gia đình, khi con bắt đầu được công chúng biết đến, vội vàng cho con chạy theo các show diễn để được nổi tiếng hơn, kiếm được nhiều tiền hơn, không quân tâm chăm chút, bồi đắp tài năng. Một ngày, khi ánh hào quang mất đi, tên tuổi các em đã nhạt nhòa trong công chúng, các em không tránh khỏi bị sốc khi đối diện với sự thất bại.

Cũng có nhiều tài năng nhí từng được biết đến như thần đồng trong nghệ thuật, tuy nhiên trước sự cám dỗ của showbiz, ánh đèn sân khấu, sự tung hô của khán giả, tiền cát-sê… đã sớm bỏ dở việc học văn hóa và đã gặp nhiều khó khăn khi từ bỏ nghệ thuật, quay lại cuộc sống đời thường. Rõ ràng, nếu “bố mẹ nghĩ ngắn, con cái không thể đi dài”.

Liên tục nhận được bình chọn cao nhất từ khán giả trong nhiều tuần liên tiếp, Hồ Văn Cường trở thành cái tên được chú ý cao nhất tại cuộc thi Thần tượng âm nhạc nhí 2016.

Đọc thêm