Hơn 60 năm đòi công lý của nạn nhân nhiễm độc thủy ngân ở Nhật Bản

(PLO) - Bà Shinobu Sakamoto từ khi mới 15 tuổi đã phải rời nhà ở làng chài Minamata, miền nam Nhật Bản để tới Stockholm, Thụy Điển nói cho thế giới biết về nỗi kinh hoàng của căn bệnh nhiễm độc thủy ngân Minamata.
Shinobu Sakamoto (phải) mắc bệnh Minamata từ năm 15 tuổi
Shinobu Sakamoto (phải) mắc bệnh Minamata từ năm 15 tuổi

40 năm sau, bà lại tiếp tục một cuộc hành trình nữa, lần này là đến Geneva để tham dự cuộc họp với  những quốc gia đã ký kết hiệp ước toàn cầu đầu tiên về chống lại ô nhiễm thủy ngân vào ngày 24-29/9 tới. 

Cuộc chiến đòi công lý vẫn chưa có hồi kết

Có thể nói bà Shinobu Sakamoto mà một trong số những người còn sót lại sau thảm họa công nghiệp năm 1950. Thảm họa đã khiến hàng chục ngàn người bị nhiễm độc thủy ngân từ nước thải của một nhà máy hóa học rò rỉ vào Vịnh Minamata. 

Minamata là một thảm hoạ môi trường kéo dài hơn 30 năm, từ năm 1932 – 1968, nhưng hệ quả bi đát của nó vẫn tồn tại đến tận ngày nay và là một trong bốn chứng bệnh lớn nhất tại Nhật Bản do ô nhiễm chất thải hoá học gây ra. Ngay từ năm 1908, khi tập đoàn Chisso mở nhà máy ở Minamata nước thải đã xả thẳng xuống vịnh và vùng biển quanh ngôi làng 10.000 dân này. Thiệt hại cho ngành ngư nghiệp là không thể tránh khỏi và hợp tác xã ngư nghiệp Minamata đã hai lần đòi Chisso bồi thường trước khi căn bệnh nhiễm độc thuỷ ngân bùng phát. 

Năm 1956 là năm cư dân địa phương bắt đầu biết đến hội chứng bệnh lạ ở Minamata. Không còn là một ngôi làng nữa, Minamata giờ đây đã là thành phố của một công ty với 50.000 dân. Nhà máy Chisso tuyển dụng tới 60% lực lượng lao động của Minamata. Hàng loạt người dân lâu nay ăn cá bỗng phát sinh những dấu hiệu kỳ lạ. Bệnh nhẹ thì á khẩu, đi đứng khó khăn, co giật. Những trường hợp cực độ có biểu hiện phát điên, tê liệt, hôn mê và chết sau vài tuần phát bệnh. Nhiều người còn bị bệnh Minamata bẩm sinh khi mẹ của họ đã ăn cá bị ô nhiễm methyl thủy ngân khi đang mang thai họ, khiến cho họ sinh ra đã là người tàn tật.

Nguyên nhân được cho là từ chất thải có chứa hợp chất thủy ngân methyl, ảnh hưởng nghiêm trọng tới não và hệ thần kinh của con người. Giờ đây Minamata trở thành tên của căn bệnh và cái tên này cũng được đặt cho công ước ngăn chặn ô nhiễm thủy ngân của Liên Hợp Quốc có hiệu lực từ cuối tháng trước.

Các triệu chứng của bệnh tồi tệ theo tuổi tác, khiến cho nhiều nạn nhân phải vật lộn với cuộc sống và tự hỏi rằng ai sẽ là người chăm sóc họ khi anh chị em, cha mẹ, họ hàng chết đi, còn nhiều người khác phải đối mặt với tranh chấp pháp lý. 

May mắn thay, bà Sakamoto là một trong số ít những người nhiễm độc thủy ngân nhưng vẫn có thể nói chuyện và sinh hoạt bình thường, “Nếu tôi không lên tiếng có lẽ sẽ chẳng ai biết và quan tâm đến căn bệnh quái ác Minamata này. Vẫn còn nhiều vấn đề lắm, mà tôi thì muốn mọi người trên thế giới biết đến những chuyện này nhiều hơn nữa”. 

Trở thành nỗi trăn trở của người thân

Được biết, ngày 30/4/1997, số người trong hai tỉnh Kumamoto và Kagoshima chứng nhận là đã mắc bệnh Minamata lên tới 17 ngàn người. Trong đó có 2.265 (trong đó 1.484 người đã qua đời cho đến 31/1/2003) đã được chính phủ công nhận. 10.625 người sau khi được chứng nhận là bệnh nhân Minamata đã được Chính phủ bồi thường. Như vậy, theo Chính phủ Nhật thì có tổng cộng 12.890 người đã mắc bệnh cho đến nay. Tuy nhiên có một số đã chết trước khi căn bệnh này được chính thức khám phá, và nhiều người chưa kịp nộp đơn xin chứng nhận thì đã chết. Nhiều người thì không nộp đơn vì nhiều lý do, chính vì vậy mà không thể có được một số liệu chính xác về những bệnh nhân Minamata.

Ngày nay, chỉ có khoảng 528 người còn sót lại trong số 3.000 nạn nhân được chứng nhận mắc Minamata, theo dữ liệu của Bộ Môi trường Nhật Bản. Trong khi đó, hơn 2.000 người khác vẫn đang cố gắng để được chứng nhận là nạn nhân và được bồi thường hợp pháp. “Chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận vào thực tế rằng còn rất nhiều người mắc căn bệnh quái đản này cần được giúp đỡ”, theo lời của Bộ trưởng Koji Sasaki, khi nói đến những nỗ lực của các nạn nhân để giành được sự công nhận.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm trong nhà máy đóng tàu ở vịnh Minamata, thuở nhỏ, Jitsuko Tanaka thường chơi trên bãi biển với chị gái, nhặt và ăn sò mà không biết rằng loài hải sản này đã bị nhiễm độc thủy ngân. Khi bà Tanaka 3 tuổi, chị gái của bà 5 tuổi họ không thể điều khiển tay chân một cách bình thường và trở thành những nạn nhân đầu tiên được xác nhận là mắc bệnh. Chị gái của bà Tanaka mất năm 8 tuổi, còn bà may mắn vẫn sống sót, nay đã 64 tuổi, nhưng nhiễm độc thủy ngân khiến bà rất yếu ớt, không thể tự đi lại. 

Giờ đây bà vẫn đang nằm bất động trên giường và là mối trăn trở của người thân nếu một ngày nào đó cả gia đình qua đời, “Sau khi tôi chết đi, ai sẽ là người chăm sóc cho em ấy?” Ông Yoshio Shimoda, 69 tuổi, anh rể của Tanaka nói.

Hơn 60 năm kể từ khi căn bệnh Minamata được xác định vào năm 1956, cuộc chiến đòi lại quyền lợi cho các nạn nhân nhiễm độc vẫn đang tiếp diễn và chưa có hồi kết. Trước khi chính phủ xác định thủy ngân là nguyên nhân gây bệnh năm 1968, nạn nhân luôn sợ hãi khi phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, khiến nhiều người không muốn đấu tranh đòi quyền lợi.

Hirokatsu Akagi, Giám đốc Phòng Thí nghiệm Thủy ngân Quốc tế của Minamata cho biết, người ta vẫn gửi mẫu cuống rốn tới để kiểm tra nhiễm độc, hy vọng có bằng chứng chứng minh họ là nạn nhân. “Bệnh Minamata vẫn chưa chấm dứt, nó vẫn tồn tại, không phải là căn bệnh trong quá khứ”, ông Akagi nói. 

Đọc thêm