Hướng lòng cõi thiện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tuyển chọn truyện ngắn “Miền thánh đợi” của Nguyễn Văn Học vừa được Nhà xuất bản Văn học cấp phép phát hành. Tuyển chọn gồm 40 truyện ngắn, được in ấn công phu, trình bày bắt mắt. 
Hướng lòng cõi thiện

Hơn cả sự trau chuốt ấy, tác giả đã quy tụ những tác phẩm mà anh cho là đặc sắc nhất của mình trong suốt 20 năm cầm bút. Có thể nói, trong 40 truyện ngắn được chia thành ba đề tài chính: Tôn giáo, môi trường - xã hội và tình yêu. Nhưng tất cả đều tập trung vào tinh thần bác ái, khám phá những vẻ đẹp thầm kín, những uẩn khúc sâu thẳm bên trong con người, lý giải những nỗi đau thầm kín và cả khát khao của con người.

Truyện ngắn “Cô gái hát thánh ca” với chất giọng trầm ấm đưa người đọc vào một thế giới cổ tích, trẻ thơ, được bè bạn đánh giá là “rất có văn”. Đây là một truyện ngắn không chỉ giàu cảm xúc mà tác giả còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc, thông qua cảm nghĩ và những việc làm của những em bé, trong đó có một em tật nguyền là nhân vật chính.

Các em, cùng với tình yêu, sự khám phá ngộ nghĩnh của trẻ thơ đã tìm ra một bí mật vô cùng quan trọng về hai mẹ con người hủi. Họ không hề mắc bệnh hủi nhưng vẫn bị hắt hủi, coi như người bệnh và bị xa lánh. Các em nhỏ đã chứng minh một điều, ở ngôi làng đó không có người bệnh hủi mà chỉ có những “người hủi tâm hồn”. Cuối cùng là các em đã “giải phóng”, lấy lại công bằng cho hai số phận - hai mẹ con bà Măng vốn bị ruồng bỏ mấy chục năm trời.

Truyện ngắn “Miền thánh đợi” là tên chung cho toàn tập, nói về niềm tin hướng thiện của con người trong xã hội hiện đại. Trong cuộc sống thực hành đức tin cũng như hằng ngày, tiền tài, danh vọng, lợi lộc… có lúc được đẩy lên quá cao, hơn cả các giá trị đạo đức. Kèm với đó là những mối bất hòa âm thầm nảy nở trong lòng những người khác biệt về đức tin tôn giáo.

Nhà văn Nguyễn Văn Học lý giải, mọi con người đều bình đẳng và thể hiện đức tin vào đấng bậc thần linh. Mỗi tôn giáo đều có giáo lý và dạy con người hướng thiện. Chúng ta chỉ không theo những kẻ trục lợi trên tôn giáo, làm biến tướng hoạt động tín ngưỡng, tâm linh. Ở ngoài thực tế, sự phân biệt, mâu thuẫn vẫn âm thầm diễn ra và có những tình yêu, số phận phải gánh chịu sự cay nghiệt của những mâu thuẫn âm thầm đó.

Về đề tài xã hội, một trong những truyện ngắn ấn tượng là “Ma-nơ-canh” - viết về sự đổ vỡ trong một gia đình tiểu thương mới phất lên giàu có. Vợ chồng lo đời sống riêng tư để không chăm con cái. Dần dần mỗi người một phách, chẳng ai chịu nghe ai. Nói chung, đó là một gia đình không có “nóc”. Người mẹ, người cha càng lún sâu cho chuyện riêng thì việc bỏ rơi những đứa con để chạy theo danh vọng càng rõ nét và cuối cùng các con hư hỏng, mắc nghiện.

Với truyện ngắn này, tác giả đã khéo léo mượn câu chuyện của những con ma-nơ-canh, qua cách chúng đối thoại, nói chuyện, diễn tả về những bức bối của cuộc sống, khi con người “nghèo quá”, đến mức chẳng còn gì ngoài tiền. Cuối cùng quá bế tắc, cậu con trai dùng xăng đốt mình và ngôi nhà. Đây là truyện mà tính cách nhân vật được đẩy đến tận cùng để nổ ra hành động quyết liệt của đứa con trai.

“Mùa nhan sắc” là hành trình yêu và sống của một cô gái trót mang nghiệp “diễn” vào người - “đời như con nhặng”. Những đau khổ từ một mối tình không trọn vẹn cộng với sự săn sóc của những “đại gia” không mảy may khiến cô hứng thú. Nhưng đời nhiều tréo ngoe, khi cô cảm động trước người thảo hợp đồng tình - tiền để trang trải viện phí cho người bố ở quê thì cũng là lúc người cô mang lòng nhung nhớ bấy lâu quay lại.

Nguyễn Văn Học đã tạo được cái hấp dẫn phía sau câu chuyện bằng câu kết lửng để những thương cảm về một kiếp người tựa như dây đàn đang rung lên, ngân vang… Không gian của truyện trải rộng từ miền quê thanh bình đến vùng núi xa xôi và cả đô thị ồn ào, tấp nập.

Truyện “Người leo ngược” dẫn dắt người đọc về một vùng quê thơm mùi hoa trái, “đơn sơ dưa cà, mái nhà lụp xụp, nhem nhuốc”, “màu hoa mướp vàng ẩn hiện lung linh” hay gợi hình ảnh những nhát cuốc bập sâu mùa đồng áng trong “Ổ khóa định mệnh”. Dường như việc làm báo đi nhiều, trải nghiệm nhiều đã ít nhiều giúp Học có những trang văn thực tế, chạm đến chiều sâu nhân sinh của phận người. 

Truyện “Những cơn mưa thảng thốt” xoáy vào bi kịch của một cô gái, ao ước nổi tiếng đến bệnh hoạn. Cô có đặc điểm là rất gầy, bút danh Buồn Cây Sậy, hoàn cảnh khó khăn: Bố bệnh tật, nhà nghèo. Để có thể bước vào đời, vào nghề, những bè bạn cô phải dấn thân, phải đổi chác nhan sắc để có công việc. Bản thân cô gái cũng bị cạm bẫy, những lọc lừa thế gian bủa vây. Cô gái lâm vào biết bao bi kịch tình - tiền, những ảo vọng của thế giới ảo, sự nổi tiếng phù phiếm.

Truyện cũng nói nhiều vấn đề thực dụng của thanh niên hiện nay, nhiều người đã chọn công việc dễ dãi, lợi lộc nhiều để sướng cái thân và phải trả giá bằng nhan sắc. Hóa ra, ở đời không ai cho không ai cái gì. Nhà văn gửi gắm thông điệp rằng, hãy sống thành thật, chân thành với chính mình và sống với cuộc đời nghệ thuật phải bằng con tim yêu thương, chứ không phải sự a dua, đánh đổi.

Truyện “Tháng ngày rời rạc” viết về đôi vợ chồng trẻ bước vào nghề. Người chồng tình nguyện nhận tội, đi tù thay cho giám đốc của mình, đổi lại để lấy tiền và công việc của vợ, cho cuộc sống đỡ cơ cực hơn. Ở trong tù, anh đã hiểu thế nào là tù tội. Và ở bên ngoài, vợ anh đã phải chống lại mọi cám dỗ, rủ rê của giám đốc để gìn vàng, giữ ngọc. Nhưng tai họa đã xảy đến và cô không cưỡng được. Người chồng - chàng trai trẻ đã đủ nhân hậu để tha thứ cho vợ và sống hạnh phúc, xây dựng lại nền móng hạnh phúc. Cốt truyện đi sâu vào khai thác tâm lý nhân vật. Trong cuộc sống trầy trật này, để đạt được khát vọng, không phải dễ và họ thường phải trả giá.

Nguyễn Văn Học tự hào là một người cầm bút thuộc thế hệ 8X, với rất nhiều thành tựu mà đất nước đã đạt được. Anh chia sẻ: “Thành tựu nhiều nhưng thách thức cũng không hề nhỏ. Sự vận động năng động, guồng quay nhanh đến chóng mặt của xã hội, cùng với cả biển người mưu sinh bắt buộc chúng tôi phải thích ứng và không ngừng quan sát, không ngừng học hỏi. Không ít cây bút đã và đang phản ánh một cách sinh động những vấn đề đó, thật ra là phản ánh thời đại mình đang sống. Do đó, trên những trang viết của họ có sự đau đáu và cảm thông; mệt nhoài và gắng gỏi; tuyệt vọng và hy vọng; ích kỷ và vị tha; yếu đuối và bản lĩnh… Tôi nghĩ rằng, đó là những yếu tố để cho những trang viết có hơi thở thật sự”. 

Ở tập truyện, người đọc thấy được sự phập phồng trong những trải nghiệm và sự chưng cất bằng quả tim nhiệt thành của tác giả, chứ không phải chỉ là “bê nguyên xi” cuộc sống vào trang viết. Nguyễn Văn Học đã triển khai đề tài môi trường khá tốt, thông qua những truyện ngắn do chính môi trường tự nhiên, cụ thể hơn là cổ thụ, cây khế, cây lúa… là nhân vật kể chuyện. Với lối dẫn chuyện này, tác giả đã để thiên nhiên làm chủ giọng nói, biểu hiện tính cách, quan điểm trong bối cảnh môi trường đang ô nhiễm nghiêm trọng, nhiều lối ứng xử thô bạo với giá trị truyền thống. Khi viết, tác giả đã song hành cùng đời sống của sinh thái, lắng nghe những nhịp đập của môi trường, của trái tim cây cối, sinh vật và tạo được những trang viết sinh động, giàu cảm xúc, triết lý.

Suy cho cùng, người viết nào cũng muốn qua trang văn của mình, góp phần làm cuộc sống tốt đẹp hơn, cái ác bị đẩy lùi, cái xấu được nhân lên. Những cây bút nhạy cảm, bao giờ cũng có những tác phẩm mang tính dự báo, việc những dòng chữ cuồn cuộn cảm xúc và đẹp đó, đôi khi không chỉ cảnh tỉnh, mà còn làm thức tỉnh những người từng tuyệt vọng. “Miền thánh đợi”, theo ý tác giả là miền của đời sống đức tin. Nguyễn Văn Học quan niệm, luôn có một miền thánh thiện, đức độ, bác ái trong tâm thức con người, trong giá trị chung của cuộc sống. Nơi ấy, luôn đợi chúng ta hướng tới bằng những việc làm cụ thể, bằng lối sống đức độ, chân thành, nhân văn.

Đọc thêm