Hương ước 'làng' đi vào lòng người Hà Nội

(PLO) - Hương ước, quy ước những năm qua đã và đang ngày càng khẳng định vị trí, tiếng nói của mình trong việc duy trì an ninh trật tự trị an và an toàn xã hội ở địa phương. Trong đó, nhiều quy ước, hương ước rất đơn giản, dễ nhớ nên được người dân tự giác thực hiện.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhắc nhở con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ

Quy ước của Tổ dân phố Hoàng 19 (Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) dễ đi vào lòng người bởi những quy định rất gần gũi, thân thiết. Bản Quy ước được đích thân Tổ trưởng dân phố phát đến từng nhà và yêu cầu các gia đình giữ gìn cẩn thận, nhắc nhở nhau cùng thực hiện. Để xây dựng gia đình văn hóa, bản Quy ước quy định: Vợ chồng sống chung thủy, bình đẳng, tôn trọng, chia sẻ và giúp đỡ nhau trong mọi công việc, có trách nhiệm nuôi dạy con cái, tạo điều kiện cho con cái phát triển cả về mặt thể lực, trí lực, chịu trách nhiệm đối với hành vi của con khi con chưa đến tuổi thành niên; Ông bà sống gương mẫu, chăm lo, dạy bảo con cháu trở thành người có ích cho xã hội; Con cháu thì phải hiếu thảo, kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ. 

Ngoài ra, Quy ước của Tổ dân phố Hoàng 19 rất lưu tâm đến phát triển văn hóa, văn nghệ, thể thao với quy định các hộ gia đình phải tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình được xem các buổi diễn văn nghệ, diễn đàn, đọc sách báo, nghe đài phát thanh, theo dõi truyền hình cũng như tham gia sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao phù hợp với lứa tuổi của mình nhằm rèn luyện sức khỏe. Tổ dân phố còn đề ra mục tiêu tổ chức các cuộc vui chơi, giải trí, thi văn hóa, văn nghệ, thể thao theo thực tế vào mỗi dịp đầu xuân hàng năm và tùy vào điều kiện từng năm, đồng thời khuyến khích mọi người trong Tổ dân phố tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ và các cuộc thi đấu thể dục thể thao các cấp.

Tương tự nhiều hương ước, quy ước khác, Quy ước của Tổ dân phố Hoàng 19 cũng đề cập tới nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Nhưng bản Quy ước nêu khá cụ thể là các đám cưới không sử dụng thiết bị âm thanh gây tiếng ồn quá lớn gây ảnh hưởng tới sinh hoạt, học tập, làm việc và giờ nghỉ ngơi của các cá nhân, tổ chức, gia đình xung quanh và trật tự công cộng. Còn trong đám tang thì hạn chế sử dụng vàng mã gây lãng phí tiền của, nhất là tuyệt đối không rải tiền Việt Nam đồng, vàng mã, ngoại tệ xuống đường khi đưa tang…

Vận động người thành đạt ủng hộ khuyến học

Một trong những địa phương trên cả nước đi đầu về việc xây dựng, triển khai thực hiện hương ước, quy ước và đạt nhiều kết quả tích cực chính là Vĩnh Phúc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh xây dựng được 1.311 hương ước, quy ước/1.384 thôn, làng, tổ dân phố; 1.270 hương ước, quy ước đã được phê duyệt; 41 hương ước, quy ước chưa được phê duyệt; 340 hương ước, quy ước được sửa đổi, bổ sung. Các hương ước, quy ước được xây dựng đều đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, được bàn bạc dân chủ, công khai, thống nhất với các thành viên trong cộng đồng dân cư.

Đặc biệt, nhiều hương ước, quy ước có những điểm tiến bộ sát với tình hình thực tiễn địa phương, từ đó xuất hiện nhiều mô hình điểm trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước. Điển hình, ở huyện Vĩnh Tường, nhiều địa phương trong huyện đã coi việc hỏa táng khi có người thân qua đời là hình thức thể hiện nếp sống mới cần được nhân rộng. Việc đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn được nhân dân ủng hộ nhiệt tình, đến nay các thôn, làng hoàn thành bê tông hóa 100% đường làng ngõ xóm. Hay huyện Tam Đảo vận động hộ gia đình, cá nhân thành đạt có thu nhập cao ủng hộ để khuyến khích, động viên các cháu học sinh giỏi, học sinh đỗ các trường đại học, cao đẳng tặng phần thưởng trị giá từ 50 – 150 nghìn đồng/cháu.

Phần lớn các thôn, tổ dân phố còn chủ động lồng ghép Quy chế dân chủ vào xây dựng hương ước, quy ước về nếp sống văn hóa, về việc sống đoàn kết, hòa thuận, tương thân tương ái giữa các dòng họ. Từ khi các thôn, làng, tổ dân phố có hương ước, quy ước được phê chuẩn đưa vào thực hiện đã có tác động trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội của cộng đồng dân cư, góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ ở cơ sở, xây dựng gia đình văn hóa, giữ gìn và phát huy những phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Các đám cưới, đám tang, mừng thọ hầu hết được tổ chức trang trọng và tiết kiệm, không phô trương, hình thức, ăn uống linh đình dài ngày…, đã loại bỏ các phong tục, tập tục, hủ tục lạc hậu như cưới tảo hôn, cưỡng ép kết hôn… Nhiều quy định của hương ước, quy ước được lồng ghép vào phong trào thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Ở làng Phú Thứ (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội), có lẽ mọi người dân đều biết bản hương ước của làng mang tên rất gần gũi “Quy ước làng văn hóa Phú Thứ”. Có thể gặp bất cứ nơi đâu trong làng, người dân đều dán bản quy ước ở những nơi trang trọng như một cách nhắc nhở mọi người cùng thực hiện. Qua thời gian, bản Quy ước văn hóa làng Phú Thứ vẫn có giá trị trong thực tiễn cuộc sống với những quy định hết sức dễ hiểu, đời thường. Chẳng hạn như quy định của Quy ước buộc mọi người phải giữ vệ sinh chung, không được xả rác ra đường, phải thực hiện kế hoạch hóa gia đình, bãi bỏ mở cỗ trong đám tang… Quy ước làng Phú Thứ được nhiều địa phương lân cận về nghiên cứu, học tập.

Đọc thêm