Huy động hơn 60.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

(PLO) - Điểm cốt lõi duy trì và phát triển phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) tại Quảng Ninh là giao quyền tự chủ, tự giám sát, tự tổ chức thực hiện cho người dân trên cơ sở nhất quán quan điểm: xã hội hóa tối đa các nguồn lực và sử dụng nguồn lực đó một cách công khai, minh bạch, dân chủ trong quá trình thực hiện.
Phong trào xây dựng NTM được cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai tích cực
Phong trào xây dựng NTM được cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai tích cực

Nguồn lực bắt đầu từ sự đồng thuận của nhân dân

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi”, Quảng Ninh đã tạo được phong trào sôi nổi do chính người dân làm chủ thể trong công cuộc xây dựng NTM. Từ thực tiễn đã xuất hiện nhiều phong trào như, “Thành thị giúp đỡ nông thôn”, “Công nông liên minh trong xây dựng nông thôn mới”, “Lực lượng vũ trang đồng hành với nông dân xây dựng NTM” và “Doanh nghiệp chung tay xây dựng nông thôn mới” được triển khai hiệu quả.

Sau gần 6 năm triển khai Chương trình xây dựng NTM trên toàn địa bàn, Quảng Ninh đã có 4 huyện, thị xã, thành phố cơ bản đạt tiêu chí NTM (có trên 75% số xã đạt tiêu chí NTM), trong đó thị xã Đông Triều là địa phương đầu tiên của khu vực phía Bắc được Thủ tướng Chính phủ công nhận địa phương cấp huyện đạt chuẩn NTM, và huyện đảo Cô Tô là huyện đảo đầu tiên trong cả nước được công nhận huyện đảo đạt chuẩn NTM. Được Trung ương đánh giá, ghi nhận là tỉnh đi đầu trong cả nước về xây dựng NTM, dẫn đầu trong 15 tỉnh miền núi phía Bắc về số xã đạt chuẩn NTM, tạo được tiếng vang lớn trên khắp cả nước. 

Để làm cho dân hiểu, dân tin và thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng NTM, lãnh đạo từ tỉnh đến các sở, ngành, địa phương đã trực tiếp tọa đàm, đối thoại, đồng hành với nông dân để cùng bàn cách xây dựng NTM. Từ việc thay đổi tư duy đến biện pháp chỉ đạo, Quảng Ninh thể hiện sự đồng thuận của toàn xã hội trong xây dựng NTM.

Cũng vẫn việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn, trước đây huyện, tỉnh làm chủ đầu tư, quyết định toàn bộ quy mô công trình, giám sát thi công, kiểm định chất lượng thì nay, nông dân tự bầu Ban quản lý, tự họp bàn đề xuất quy mô, tiến độ công trình, vừa tham gia đóng góp kinh phí, vừa trực tiếp tham gia thi công, vừa giám sát tiến độ, chất lượng.

Từ đó, nhận thức về xây dựng NTM được nâng lên rõ rệt, từ chỗ ban đầu người dân coi đây là một chương trình đầu tư của Nhà nước cho vùng nông thôn, nhưng đến nay, tất cả đã chủ động tham gia Chương trình, xóa bỏ tâm thế ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, vào chính quyền.

Trao đổi về việc giao quyền cho người dân làm chủ Chương trình xây dựng NTM, ông Hoàng Phi Trường, Trưởng phòng NN&PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Ban xây dựng NTM huyện Hải Hà cho biết, trước hết phải là sự đồng thuận của người dân, quan điểm chỉ đạo của huyện là tất cả các công trình NTM liên quan đến việc huy động sự đóng góp của người dân phải dựa trên sự tự nguyện, không gò ép, không huy động quá sức dân.

Các công trình xây dựng NTM trực tiếp do người dân thảo luận, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện cũng như kiểm tra, giám sát và quản lý. Đến nay, việc xây dựng các công trình hạ tầng NTM trên địa bàn đều được người dân hưởng ứng nhiệt tình, tự nguyện đóng góp tiền, ngày công cùng với Nhà nước để tổ chức triển khai thực hiện theo quy hoạch xây dựng NTM đã được phê duyệt.

Bên cạnh sự chung sức, đồng lòng của người dân, Quảng Ninh rất quan tâm, chú trọng tới đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM. Trong đó, trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng ban Chỉ đạo cấp tỉnh, đồng thời tỉnh, thành lập bộ phận tham mưu chuyên trách. Do vậy, đội ngũ cán bộ chuyên trách từ tỉnh đến cơ sở được chuẩn hóa, được đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực tổ chức, quản lý thực hiện.

Bởi đây chính là những con người đi tiên phong, tuyên truyền giáo dục cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân, làm cho người  dân nhận thức đúng đắn, đầy đủ nội dung, phương pháp, cách làm NTM, làm nòng cốt xây dựng các phong trào thi đua, các cuộc vận động ủng hộ xây dựng NTM. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ chuyên trách không chỉ vận động người dân tích cực tham gia mà còn đánh thức sức mạnh, khơi dậy tiềm năng trong dân góp sức chung tay xây dựng NTM.

Xã hội hóa tối đa nguồn lực cho xây dựng NTM

Lấy ngân sách Nhà nước dẫn dắt các nguồn lực xã hội, giao cho địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong đầu tư xây dựng NTM. Nhờ đó, Quảng Ninh đang rất thành công trong việc huy động các nguồn lực cho chương trình này. Điển hình như việc xây dựng cơ sở hạ tầng, trước đây nông dân gần như đứng ngoài cuộc nhưng nay ngân sách chỉ là “mồi nhử” để tạo động lực cho người dân tham gia đóng góp kinh phí theo tỷ lệ 40/60, 30/70, 20/80 (tuỳ thuộc đặc thù từng khu vực).

Nguồn lực cho xây dựng NTM ngay từ đầu đã có sự phân cấp, các địa phương chủ động kinh phí, lựa chọn các dự án thành phần trong việc thực hiện quy hoạch. Những dự án huy động được nguồn lực từ doanh nghiệp, người dân cùng làm sẽ được thực hiện trước. Đối với hạ tầng thôn xóm, ưu tiên vùng nào đông dân cư, thu hút sự tham gia tích cực của người dân và có nhu cầu thực sự tiến hành làm trước. Vùng thưa dân cư cần có sự hỗ trợ Nhà nước sẽ được làm sau.

Kinh nghiệm đặc biệt quý mà Quảng Ninh đã triển khai thực hiện thành công trong huy động nguồn lực cho xây dựng NTM là lôi cuốn được người nông dân vào cuộc, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách để huy động được toàn xã hội vào cuộc, nhất là đội ngũ doanh nghiệp và lực lượng vũ trang trên địa bàn.

Trong 5 năm qua, lực lượng vũ trang đã tham gia 120 ngàn công, hỗ trợ trên 73 tỷ đồng, thực hiện đầu tư trên 242km đường bê tông, cấp phối, nạo vét gần 100 km kênh mương và tổ chức khám chữa bệnh cho trên 18 ngàn lượt người dân khu vực nông thôn. Thực hiện chủ trương xây dựng NTM, các doanh nghiệp trên địa bàn không chỉ hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng mà còn mở rộng sản xuất, kinh doanh về địa bàn nông thôn, tạo việc làm, tổ chức đào tạo nghề miễn phí cho lao động địa phương và tiêu thụ nông sản.

Điển hình, như Tổng Công ty Đông Bắc đã đóng góp gần 5.000 ngày công lao động cùng 500 ca máy xúc; nạo vét gần 400km kênh, mương; tu sửa và làm mới 90,6km đường giao thông nông thôn; nâng cấp Trạm Y tế huyện Ba Chẽ với số tiền trên 600 triệu đồng.

Kết quả, tính từ khi Chương trình được triển khai, Quảng Ninh đã thu hút trên 60.000 tỷ đồng, trong đó người dân và doanh nghiệp đóng góp hơn 14.000 tỷ đồng cho Chương trình, chiếm trên 22% tổng nguồn lực. Nhờ vậy, đến nay 100% số xã của Quảng Ninh có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hoá hoặc bê tông hoá, đường liên thôn được cứng hoá.

Hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 4,56%, hộ cận nghèo giảm còn 3,15%; tỷ lệ hộ nông dân được sử dụng nước sách hợp vệ sinh chiếm 98%; có 1.543/1.571 nhà văn hoá thôn, khu, bản được xây dựng. Hệ thống kênh mương, thuỷ lợi được tu sửa, cứng hoá, đảm bảo tỷ lệ tưới đạt 89,06% diện tích gieo trồng. Bộ mặt mới của nông thôn đã phát triển theo quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ phục vụ sản xuất và sinh hoạt, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao rõ rệt. 

Tin tưởng vào những thành công trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh khẳng định, đối với chương trình xây dựng NTM trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh sẽ cần hơn 56 nghìn tỷ đồng, trong đó xác định nguồn lực huy động từ trong dân, doanh nghiệp và vốn tín dụng sẽ vẫn là chủ yếu.

Đi đôi với huy động nguồn lực, tỉnh tiếp tục có sự chỉ đạo quyết liệt hơn, triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách đã ban hành, rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, dịch vụ nông nghiệp, nhất là những vùng khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo. Hàng năm, tỉnh dành một tỷ lệ ngân sách thoả đáng tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu cấp xã, thôn, bản trực tiếp gắn với phát triển sản xuất và đời sống của người dân, tạo bước chuyển mới về “chất” trong xây dựng NTM. 

Đọc thêm