Khẩn cấp xử lý tại vị trí xung yếu đê biển Tây Cà Mau

(PLVN) - Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau, việc quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây Cà Mau tại những vị trí cần hộ đê khẩn cấp là nhằm có cơ chế trong sử dụng phương án, huy động lực lượng, vật tư trong thực hiện giải pháp công trình tạm thời, trước mắt, lâu dài…

Trước khi chờ có sự hỗ trợ của Trung ương, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau đề xuất tạm ứng 10 tỷ đồng để khắc phục ngay các vị trí sạt lở, khi có chủ trương cấp bổ sung sẽ hoàn lại nguồn kinh phí theo quy định. 

Cùng với đó, sử dụng 4 tỷ đồng từ nguồn kết dư Dự án đầu tư nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau từ Nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia - Ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh nhằm xử lý mái đê theo lệnh khẩn cấp tại những vị trí đặc biệt nguy hiểm. 

Khi đai rừng mỏng dần và mất đi, đê biển Tây trở nên khá mong manh trước những cơn thịnh nộ của thiên tai, cư dân vùng ven biển luôn bất an cho cuộc sống và sản xuất (Ảnh chụp tại đoạn Hương Mai - Tiểu Dừa).
 Khi đai rừng mỏng dần và mất đi, đê biển Tây trở nên khá mong manh trước những cơn thịnh nộ của thiên tai, cư dân vùng ven biển luôn bất an cho cuộc sống và sản xuất (Ảnh chụp tại đoạn Hương Mai - Tiểu Dừa).

Song song đó, cho chủ trương sử dụng 1,4 tỷ đồng từ nguồn vốn kết dư tại Quyết định số 504/QĐ-TTg ngày 10/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng đồng bằng Sông Cửu Long để xử lý đối với công trình khẩn cấp khắc phục khe hở dọc mặt đường tuyến đê đoạn Hương Mai - Tiểu Dừa.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, 6 đoạn sạt lở với tổng chiều dài 4.995 mét (sạt lở 3.325 mét, sụt lún 1.670 mét) nếu không được xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thân đê và có thể võ đê trong mùa mưa bão, gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân trong đê, đặc biệt là hệ sinh thái vùng ngọt, về lâu dài có thể dẫn đến phá vỡ quy hoạch sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến các khu dân cư sinh sống tập trung, trụ sở các cơ quan Nhà nước.

Đặc biệt, ảnh hưởng đến các trụ sở của các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới (các Đồn, Trạm Biên phòng), các công trình hạ tầng như: hệ thống lưới điện, trường học, trạm y tế,… thuộc địa bàn các xã ven biển và các khu vực lân cận của hai huyện U Minh và Trần Văn Thời (Cà Mau).

Hậu quả của hạn hán gây rụt lún, rạn nức thân đê do đại hạn vừa qua, tỉnh Cà Mau chưa đủ nguồn lực để khắc phục, giờ lại phải tiếp tục căng mình chóng chọi với triều cường, mưa bão, gây tác động mạnh mẽ đến thân đê.

Ông Lê Văn Liễu - người dân đang sinh sống, sản xuất ngay trong chân đê biển Tây Cà Mau - nói lên tâm trạng chung của những người dân ở đây: "Trong đợt tháng 8/2019, bao nhiêu nhà cửa, tài sản của người dân vùng biển Tây này bị tàn phá do thiên tai, và đợt ảnh hưởng vừa rồi tuy không lớn, nhưng như là lời cảnh báo mùa mưa bão năm nay diễn biến khó lường, chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Chúng tôi lo lắm, chỉ mong cấp trên có giải pháp công trình ứng phó một cách chắc chắn, giảm thiểu tác động thiên tai, giúp chúng tôi yên tâm, ổn định cuộc sống, sản xuất, chứ sống mà cứ phập phồng như vậy thì khó mà phát triển".

Sau những đợt triều cường, chân đê biển Tây Cà Mau hỏng hóc nặng nề.
 Sau những đợt triều cường, chân đê biển Tây Cà Mau hỏng hóc nặng nề.

Thực tế cho thấy, tỉnh Cà Mau không chỉ gắn sức lo lắng tuyến biển Tây dài 107 km, khi mà tuyến biển Đông dài 147 km, hằng ngày bao nhiêu cây rừng ngã xuống cũng là bấy nhiêu đất rừng mất đi cũng vì biến đổi khi hậu mà chưa có được giải pháp xử lý, nguồn lực đủ mạnh để mang lại hiệu quả. Do đó, Vùng ven biển Đông - Tây duy nhất cả nước, nơi cuối cùng của dãi đất hình chữ S, cần phải nhanh chóng có giải pháp bảo vệ.

Đặc biệt là trong mùa mưa bão có những đợt nước dâng kèm sóng lớn, rất nguy hiểm cho những đoạn không còn đai rừng phòng hộ. Tuy nhiên, kể cả những cơn bão, áp thấp nhiệt đới dù không ảnh hưởng trực tiếp, cũng thường xuyên gây mưa giông, sóng to, gió lớn uy hiếp trực tiếp đến thân đê, các đoạn đê không còn đai rừng phòng hộ, dẫn đến nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 26.100 hộ dân sinh sống ven biển và khoảng 128.900 ha đất sản xuất nông nghiệp.

Đọc thêm