Khi Trái tim còn đập

(PLVN) - Simon Limbres, 19 tuổi, gặp tai nạn trên đường trở về nhà sau một lần đi lướt sóng vào sáng sớm. Cậu được chẩn đoán là đã chết não, mặc dù tim cậu vẫn còn đập. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cấy ghép trái tim của Simon cho một người khác đang cần nó.

Và kể từ đây, trái tim trẻ trung đầy hoài bão ấy bắt đầu một cuộc hành trình mới, rời khỏi lồng ngực Simon và hồi hộp đập trở lại trong lồng ngực Claire, một phụ nữ mà cuộc đời đang thật mong manh với căn bệnh tim.

'Khi Trái tim còn đập' viết về một ca ghép tim, nhưng còn hơn thế. Như một bản đồng ca nhiều cung bậc và sắc thái, cuốn sách dệt nên những nhân vật, những không gian, những suy tưởng, những lời nói và hành động tiếp nối nhau trong vòng hai mươi tư giờ chạy đua gấp rút, vừa căng thẳng vừa chậm rãi, hòa trộn tuyệt vời sự hồi hộp với những khoảng lặng suy tư. Ở đó, trái tim đã vượt lên sứ mạng sinh tồn của một phần thân thể, để là nơi chứa đựng cảm xúc, sự sống và tình yêu. 

 

“Có những câu hỏi cứ quẩn quanh trong đầu tôi, rằng là ngày nay, ai là người hùng thực sự? Tại sao lại là câu chuyện về hiến tạng? Điều thú vị trong cuốn sách này, đó chính là nhìn từ góc khuất của những ca ghép tạng, những câu chuyện đằng sau việc cấy ghép nội tạng, câu chuyện về những người hiến tạng. Trong cuốn sách này, tôi nói cụ thể là câu chuyện của trái tim. Trái tim mang ý nghĩa to lớn trong xã hội, nó không chỉ biểu thị là một cơ quan của cơ thể con người mà còn là tình yêu, là tình cảm”  - tác giả Maylis de Kerangal.

Với một chủ đề vô cùng khó tiếp cận, cả ở khía cạnh con người lẫn văn học, Maylis de Kerangal đã chọn cách khéo léo tránh tất cả mọi vẻ bi thương. Những mô tả y học đặc biệt cụ thể và chính xác, điều không hề đơn giản với một người xa lạ với môi trường y học.

Cuốn tiểu thuyết giống như một bài ca ngợi ca cuộc sống, bức thông điệp phải sống trọn vẹn mọi khoảnh khắc mãnh liệt thay vì chỉ biết than thở. Và bài ca ca ngợi cuộc sống ấy cũng là một sự tôn vinh dành cho việc hiến tạng, một quyết định khó khăn, nhất là đối với người thân của người hiến, nhưng lại giúp “sửa chữa người sống” để mang lại cho họ một cơ hội sống mới trong cuộc sống!

Cuốn sách đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá trên văn đàn, trong đó có thể kể đến: Giải thưởng lớn RTL-Lire, giải tiểu thuyết hay nhất do tạp chí Lire bình chọn; Giải thưởng Văn hóa Pháp – Telerama, giải Cuốn sách được các du khách yêu quý nhất, v.v... Năm 2016, cuốn sách đã được chuyển thể thành phim điện ảnh, và được đề cử cho Giải thưởng Kịch bản phim xuất sắc nhất tại César Awards.

Nữ nhà văn Pháp Maylis de Kerangal sinh ngày 16/6/1967 tại Toulon, từng học về lịch sử, triết học và nhân chủng học. Bà xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay vào năm 2000, và từ đó đến nay đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá như giải Medicis, giải Franz Hessel, v.v. Song song với viết văn, Maylis de Kerangal còn thành lập Nhà xuất bản Baron Perché, chủ yếu phát hành sách dành cho giới trẻ. 

Năm 2014, bà được trao tặng Giải thưởng lớn dành cho văn học Henri-Gal của Viện Hàn lâm Pháp.

“Sở dĩ các câu văn dường như không bao giờ kết thúc mà trải dài như những nốt nhạc ngân nga đến vô cùng, là bởi chúng được thốt ra trong một hơi thở duy nhất, nhằm chống lại cái chết, trì hoãn đến mãi mãi cái thời khắc tắt lịm cuối cùng” - Telerama.

“Một cuốn tiểu thuyết đầy ấn tượng và đẹp như một vở bi kịch cổ đại, giống như một bài hát ngợi ca cuộc sống, với những suy tưởng về mối liên hệ giữa thể xác và tinh thần, giữa cái chết và sự sống” - Le Figaro.

“Tác giả đã sử dụng ngôn ngữ như một đầu bếp nhật bản sử dụng con dao của mình: Chính xác, nhanh gọn và kết quả lúc nào cũng đẹp. Những con chữ và nhịp điệp hòa quyện với hiện thực được miêu tả. Không còn gì để nói, thật hoàn hảo. Đó là điều duy nhất chúng ta có thể chê trách dành cho cuốn sách này” – Franceinfo.

“Sự trở đi trở lại giữa sự sống và cái chết, nơi bệnh viện. Sự kéo dài của ca ghép tim, giữa đám tang và hy vọng. Tác giả cố gắng gợi ra thay vì đưa câu trả lời cho những câu hỏi của chúng ta. Con người không chỉ là một cơ thể, hay một tinh thần, trên hết, nó là tâm hồn”.  L”Express.

Đọc thêm