Khởi tố gần 500 vụ vi phạm về ATTP và bảo vệ động vật hoang dã

(PLVN) - Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm quy định về an toàn thực phẩm và bảo vệ động vật hoang dã, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý và phối hợp xử lý 48.265 vụ vi phạm trong 4 năm.
Lực lương chức năng của tỉnh Bình Dương đã bắt giữ số động vật hoang dã được giấu trên xe khách (tháng 4/2018). Ảnh: Nguyễn Văn Việt/TTXVN
Lực lương chức năng của tỉnh Bình Dương đã bắt giữ số động vật hoang dã được giấu trên xe khách (tháng 4/2018). Ảnh: Nguyễn Văn Việt/TTXVN

Báo cáo của Bộ Công an cho biết, qua hơn 04 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 về "tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm" và hơn 03 năm thực hiện  Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 17/9/2016 về "một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật",  lực lượng Công an đã chủ động, đạt được nhiều kết quả, thành tích đáng ghi nhận.

Theo đó, lực lượng Công an đã triển khai công tác nắm tình hình, triển khai các kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm quy định về an toàn thực phẩm và bảo vệ động vật hoang dã. Qua đó đã phát hiện, xử lý và phối hợp xử lý 48.265 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm và xâm hại động vật hoang dã, trong đó khởi tố xử lý hình sự 474 vụ, xử phạt vi phạm hành chính trên 240 tỷ đồng. 

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 04 năm và sơ kết 03 năm kế hoạch của Bộ Công an về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật, dự báo tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm và bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm còn diễn biến phức tạp, đặt ra yêu cầu và thách thức cao cho công tác phòng ngừa, đấu tranh, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu lực lượng, tập trung triển khai toàn diện các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, chủ động nắm chắc tình hình, tổ chức phòng ngừa, đấu tranh theo chuyên đề, mở các đợt cao điểm đấu tranh, xử lý trên các lĩnh vực, ngành hàng, tuyến, địa bàn trọng điểm thường xảy ra vi phạm (cả trên internet, mạng xã hội).

Qua đấu tranh, xử lý vi phạm cần phát hiện được nguyên nhân để tham mưu, kiến nghị giải pháp khắc phục. Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng rà soát, xác định những vướng mắc, bất cập về pháp luật liên quan đến điều tra, xử lý hình sự về môi trường, an toàn thực phẩm, bảo vệ động vật hoang dã để tham mưu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh theo chỉ đạo của Chính phủ.

Đọc thêm