Kì bí huyệt đạo thiêng Ngàn Nưa mây trắng

(PLVN) - Thưở bé, nghe mẹ kể về phủ Na (nay là hệ thống đền Nưa - Thanh Hóa) với giếng trời linh thiêng, mà ai đến cũng cầu xin chút nước để cầu an, may mắn. Quà mẹ mang về  thường là bộ lược gương bé xinh xin từ giếng Tiên, luôn chứa đựng trong đó cả miền cổ tích. 
Quần thể di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên không chỉ được biết đến là nơi Bà Triệu dấy binh khởi nghĩa, mà còn là huyệt đạo linh thiêng bậc nhất Việt Nam.
Quần thể di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên không chỉ được biết đến là nơi Bà Triệu dấy binh khởi nghĩa, mà còn là huyệt đạo linh thiêng bậc nhất Việt Nam.

Giờ tiếng lành đồn xa, vào mùa lễ hội, hàng ngàn người dân, du khách khắp nơi tới đền Nưa - am Tiên, gắn với sự tích cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu và những câu chuyện kỳ bí đến nay chưa lý giải được như: huyệt đạo thiêng nơi trời đất giao hòa, giếng Tiên trên đỉnh núi nước không bao giờ vơi cạn và đứng trên cao có thể nhìn thấy được 4 phương 8 hướng…

Huyệt đạo linh thiêng

Theo sử sách, nước ta có 3 huyệt đạo thiêng gồm núi Đá Chông (huyện Ba Vì, TP Hà Nội), núi Bà Đen (xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) và núi Nưa (xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Huyệt đạo trên đỉnh ngàn Nưa được đánh giá là một trong những huyệt đạo linh thiêng nhất nước Nam. 

Đền Nưa-Am Tiên (dãy núi Ngàn Nưa) thuộc làng Cổ Định, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Trong sử sách ghi lại trước đây thuộc địa phận huyện Nông Cống, nhưng từ tháng 2/1965 thuộc huyện Triệu Sơn, đến năm 2009 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đền Nưa-am Tiên đã được Nhà nước đầu tư, khôi phục lại nhưng vẫn không mất đi dấu vết  lịch sử.

Một hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ không giải thích được trên đỉnh Ngàn Nưa, đó là xuất hiện giếng nước trên núi, thường được gọi là giếng Tiên. Trên độ cao hơn 500 m không suối, không khe lại có thủy tụ. Không ai xác định được giếng này có từ khi nào.

Dân gian vẫn tương truyền, sự chuyển động của vũ trụ tạo ra vết nứt trên đá, dần dần vết nứt rộng ra tạo thành giếng. Nơi đây được cho là giếng mà Bà Triệu và nghĩa quân lấy nước sử dụng hàng ngày. Cũng có truyền thuyết cứ tối tối lại thấy các tiên nữ tắm nên gọi là giếng Tiên?!

Người ta bắt đầu đi lễ đền Nưa - Am Tiên từ bao giờ, chính những người cao niên trong vùng đều không rõ. Chỉ biết rằng, từ những ngày còn thơ bé, người dân trong làng cứ chân trần vượt chín ngọn núi trập trùng lau trắng, lên đỉnh cao nhất của dãy ngàn Nưa dâng hương cúng thần, lễ vua Bà vào các ngày rằm, mùng một và mỗi độ Tết đến xuân về.

Ngay cả ông Lê Bật Sơn, thủ từ đền Am Tiên - người đã sống trên núi cùng cha từ nhỏ, am tường từng địa danh, nhớ hết từng gốc cây, ngọn cỏ trên đỉnh ngàn Nưa này, mà nhiều câu chuyện với ông vẫn là bí ẩn. Theo ông Sơn, trên đỉnh ngàn Nưa, ngoài Am Tiên, là nơi thờ Thánh Mẫu, thờ Phật… còn có nhiều địa điểm kỳ bí như bàn cờ Tiên - tương truyền là nơi các tiên ông thấy cảnh đẹp thường lui tới thượng cờ, ngồi ngắm núi sông làng mạc, cho đến bây giờ dấu tích bàn cờ tiên vẫn đang còn.

Hay chuyện giếng Tiên không bao giờ cạn dù nhiều năm quanh vùng khô cạn nhưng giếng vẫn đầy nước và trong xanh, ai tới giếng cầu xin nước về uống sẽ gặp được nhiều may mắn. Rồi chuyện về vườn đào Tiên, vườn thuốc Tiên… vì thế mà đến ngày nay, dưới đỉnh Am Tiên vẫn còn lưu truyền nhiều câu chuyện thần tiên, như các tiên ông xuống chợ, chuyện về những cây cổ thụ ngàn năm tuổi dùng để cột voi… Chưa kể, khu vực đó cũng khá nhiều “ông rắn” độc, nhưng cực hiền, nhiều khi xuất hiện nhưng  chỉ nằm yên trong ổ, không cắn ai bao giờ…

Nhiều du khách đến đây đã ngồi thiền trên vị trí huyệt khí thiêng, khi đó họ nhắm mắt, thả lỏng người, tâm trí không suy nghĩ và đã  cảm nhận có những ánh sáng loáng qua, thể lực phục hồi nhanh sau những giây phút leo núi. Đứng trên huyệt đạo hướng đông thấy biển Sầm Sơn, phía nam thấy toàn huyện Như Thanh, sông Mực, Bến En; hướng bắc thấy toàn huyện Triệu Sơn, phủ Na; hướng tây thấy huyện Như Thanh kéo dài. Còn đứng ở giữa cảm nhận có năng lượng trường sinh học, có thể nhìn thấy 4 phương 8 hướng trời.

Chẳng thế, thời xưa người ta thường lấy núi Nưa làm la bàn, kim chỉ nam vì núi Nưa có độ cao nhất ở đồng bằng Thanh Hóa. Nhiều người đi biển vẫn thường nhìn thấy dãy núi Ngàn Nưa, cho nên núi Nưa có câu: “Na sơn thất phiến long nhất biến - Hổ nhất biến nhất hô vạn biến”, nghĩa là núi Nưa được xếp liền kề nhau bởi 7 phiến núi, tạo nên thế con rồng, đầu vươn cao như đầu hổ (nơi đỉnh Am Tiên), còn huyệt đạo là nơi cao nhất…

Và dấu xưa còn lại

Từ trên cao nhìn xuống, một vùng đồng bằng trải rộng từ huyện Nông Cống - Triệu Sơn trù mật mờ ảo ngút tầm mắt. Xa xa là dòng Lãn Giang như sợi chỉ bạc buông hờ về phía biển đông. Kia là núi Tía, núi Lễ Động, nơi gắn liền với truyền thuyết ẩn sĩ Tu Nưa nhiều pháp thuật, không chịu ra giúp triều Hồ mà ở lại gánh núi, dọn đồng giúp dân.

Giếng Tiên trên đình ngàn Nưa.
Giếng Tiên trên đình ngàn Nưa.

Theo lời kể của dân địa phương, vùng đất “địa linh nhân kiệt” này còn được lưu giữ nhiều qua sử sách. Sách “Đại nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn chép một cách chi tiết về núi Nưa. “Na San (núi đuổi ma) ở sở Tinh Mễ, xã Quần Ngọc phía Tây của huyện Nông Cống. Mạch núi vốn được bắt nguồn từ huyện Lôi Dương (nay thuộc huyện Thọ Xuân) đổ lại, từng dãy liên tiếp, dài suốt mười mấy dặm.

Tương truyền núi có nhiều ma quỷ nhưng rồi một vị sơn lăng đến đây đọc chú, dần dần quỷ biến mất đi nên có tên gọi như thế. Trên ngọn cao chót vót của dãy núi có một ngôi chùa cổ, tục gọi là Am Tiên. Phía tả có cái động, tối mà sâu, dài mà hiểm. Có hôm Hồ Hán Thương đi săn thì bắt gặp người tiều phu vừa đi vừa hát bài ca cổ. Ông cho rằng: Đây là người hiền tài mà phải ở ẩn, liền sai thị thần theo hút vào trong động. Thị thần đem lời ngọt mời ra nhưng người tiều phu không chịu. 

Lần kế tiếp, Hán Thương toan dùng an xa để ép người đó về với mình. Song khi tới nơi thì cửa động đã rêu phong, gai góc đầy núi, đường về khi trước lấp mất không còn. Hán Thương tức giận vô cùng, lập tức sai đốt ngay núi thì thấy có con hạc đen bay vù lên khoảng lưng chừng trời, xênh xang lượn múa. Sử sách xưa dù ghi chép dài ngắn khác nhau nhưng tất cả đều chứa hàm nghĩa về việc có một ẩn sĩ thời Trần - Hồ đã từng giấu mình nơi rừng sâu, núi thẳm để tu tiên đắc đạo. 

Phiến đá hình voi tại Am Tiên.
 Phiến đá hình voi tại Am Tiên.

Đồng thời, câu chuyện “Người tiều phu núi Na” (núi Nưa) đã được Nguyễn Dữ - một tác giả ở thế kỷ XVI ghi chép một cách chi tiết: “Đất Thanh Hoá phần nhiều là núi đất, bát ngát bao la đến mấy ngàn dặm. Trong đó có một ngọn núi cao chót vót, tên gọi là núi Na. Núi có động, dài mà hẹp, hiểm trở mà quạnh hưu, bụi trần không bén tới. 

Hàng ngày trong động có người tiều phu gánh củi đi ra, đem đổi lấy cá và rượu cốt được no say chứ không lấy một đồng tiền nào. Hễ gặp ông già trẻ con dưới làng lại nói chuyện trồng dâu, trồng gai một cách vui vẻ. Ai hỏi họ tên, nhà cửa, tiều phu chỉ cười mà không trả lời. Mặt trời ngậm núi lại thủng thẳng về động. Người đương thời cho là người thuộc hạng Thần Môn, Tiếp Dư chứ Thái Hoà trở xuống đều không đủ kể...”. 

Và trên hết, Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên còn gắn liền với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu chống quân Ngô vào năm 248. Hình tượng Bà Triệu “cưỡi voi, đánh cồng” đã đi vào tiềm thức của bao lớp người, trở thành biểu trưng của quê hương xứ sở với câu ca dao bất hủ:

“Ru con con ngủ cho lành

Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi

Muốn coi lên núi mà coi

Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng

Túi gấm cho lẫn túi hồng

Têm trầu cánh phượng cho chồng ra quân"

Theo sử sách, năm 248, Triệu Thị Trinh (tức Bà Triệu) cùng người anh trai Triệu Quốc Đạt, một huyện lệnh có thế lực trong vùng, đã tập hợp nghĩa sĩ, chọn núi Nưa làm căn cứ để luyện tập võ nghệ, dấy binh khởi nghĩa, đánh đuổi quân Đông Ngô xâm lược.

Cuộc khởi nghĩa sau đó tuy đã thất bại, nữ tướng phải tuẫn tiết ở núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa ngày nay) nhưng câu nói của bà: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta” muôn đời sau vẫn còn lưu truyền mãi…

GS Sử học Lê Văn Lan tại Am Tiên.
 GS Sử học Lê Văn Lan tại Am Tiên.

Xưa làng Cổ Định, Tân Ninh còn được xem là vùng đất địa linh nhân kiệt, nổi tiếng là đất học và phát quan. Suốt thời phong kiến làng có tới 24 tiến sỹ, trong đó có 4 vị đi sứ sang Tàu, thời nhà Tống có Doãn Tử Tư, Doãn Anh Khải. Thời nhà Nguyễn có cụ Doãn Băng Hài. Thời nhà Minh có cụ Hoàng giáp, Lê Bật Tứ, hiện đang có bia nêu tên tại Quốc Tử Giám…

Hiện nay, ở khu vực Am Tiên, nhân dân còn thu gom được rất nhiều hiện vật bằng đá, gạch thời Lê và thời Nguyễn như khánh đá, chân tảng đá, gạch vồ cổ cỡ lớn... Đó chính là những di vật gốc có giá trị minh chứng một cách xác thực về sự tồn tại khá lâu đời của các loại hình kiến trúc, tín ngưỡng, tôn giáo Phật -Đạo -Mẫu trên đỉnh núi Nưa mây trắng la đà này…

Đọc thêm