Kiến nghị nâng cấp hệ thống bảo tàng tại TP HCM

(PLVN) - Mới đây, UBND TP HCM thống nhất chủ trương cho chuyển địa điểm đầu tư Bảo tàng TP HCM từ Khu đô thị mới Thủ Thiêm về Khu Công viên Lịch sử Văn hoá Dân tộc quận 9. Đây là một trong những động thái tổ chức lại các hoạt động liên quan đến bảo tàng của TP nhằm đáp ứng các yêu cầu mới.
Bảo tàng TP.HCM - một trong 30 di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia của thành phố
Bảo tàng TP.HCM - một trong 30 di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia của thành phố

Theo Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT), TP HCM là một trong hai địa phương có nhiều bảo tàng nhất nước. Sau hơn 40 năm xây dựng và phát triển, đến nay TP có 13 bảo tàng, trong đó có 11 bảo tàng công lập và 2 bảo tàng ngoài công lập.

Theo phân loại, TP có 7 bảo tàng cấp tỉnh trực thuộc Sở VH&TT (3 bảo tàng Hạng I: Bảo tàng TP, Bảo tàng Mỹ thuật TP, Bảo tàng Lịch sử TP; và 4 bảo tàng Hạng II: Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Tôn Đức Thắng), 4 bảo tàng trực thuộc bộ, ngành trung ương quản lý (Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ, Bảo tàng chiến dịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Không quân phía Nam và Bảo tàng Địa chất TP HCM), 2 bảo tàng ngoài công lập (Bảo tàng Áo dài, Bảo tàng nghệ thuật Wada).

Các bảo tàng trực thuộc Sở quản lý hiện đang lưu giữ khoảng 540.793 hiện vật, tài liệu (trong đó có 201.509 hiện vật gốc). Đặc biệt, TP có 15 Bảo vật Quốc gia được Thủ tướng công nhận (trong đó Bảo tàng Lịch sử TP HCM có 12 bảo vật, Bảo tàng Mỹ thuật TP có 2 bảo vật và Bảo tàng TP 1 bảo vật). Với số lượng bảo vật quốc gia nêu trên, cho thấy tiềm năng thu hút du lịch của TP là rất lớn.

Trung bình mỗi năm, các bảo tàng tổ chức trên 200 cuộc trưng bày, triển lãm tại chỗ và lưu động, đón tiếp trên 3.000.000 lượt khách tham quan. Riêng năm 2018, các bảo tàng đón tiếp được gần 4 triệu lượt khách.

Tuy nhiên, theo Sở VH&TT, ngoài Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh được xây dựng mới và đưa vào hoạt động từ tháng 4/2010, thì đa số hệ thống cơ sở vật chất của các bảo tàng hầu hết là tận dụng lại các dinh thự, nhà ở để làm bảo tàng. Các công trình này không được xây dựng theo đúng công năng của bảo tàng. Vì vậy, việc bố trí không gian trưng bày, bảo quản không đáp ứng hết các yêu cầu bảo tàng. Hệ thống kho hiện vật của các bảo tàng đa phần là kho tạm. Có nơi đã bị xuống cấp nghiêm trọng làm ảnh hưởng và gây khó khăn rất lớn trong việc bảo quản hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý.

Ngoài ra, mặc dù cơ quan chức năng đã chủ động tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động trưng bày, thuyết minh bảo tàng, nhưng chưa được triển khai đồng bộ, đầy đủ. Nội dung trưng bày của các bảo tàng chưa tạo được điểm nhấn, chưa thực sự hấp dẫn và thu hút khách tham quan.

Để khắc phục, thời gian qua, TP cũng đã xây dựng, cải tạo, mở rộng và hiện đại hóa hệ thống bảo tàng như Bảo tàng Hồ Chí Minh/Chi nhánh TP HCM, Bảo tàng Lịch sử TP, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Dự án xây dựng mới Bảo tàng TP HCM tại Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc tại quận 9... Đây là bước chuyển cần thiết để tăng cường công tác bảo tàng, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá của thành phố.

Tuy nhiên, để đẩy mạnh hơn nữa công tác này, Sở kiến nghị UBND TP xem xét ưu tiên đầu tư kinh phí cho các bảo tàng trong việc cải tạo, nâng cấp công trình và hạ tầng kỹ thuật kho bảo quản, khu vực trưng bày, đặc biệt là các bảo tàng đang trực tiếp quản lý bảo vật quốc gia...

Đọc thêm