Lạc vào thế giới của Chinh

(PLVN) - Bước vào triển lãm “Thế giới khác” của họa sĩ Phạm Nhật Chinh, đầu tiên người xem sẽ bất ngờ vì tác phẩm sắp đặt bằng sắt, dây và nhiều chất liệu khác giăng mắc khắp không gian của Vicas Art Studio, và rồi đó giống như một thứ dẫn dụ đưa người ta đến với những bức tranh khổ lớn vẽ theo phong cách bán trừu tượng, đầy màu sắc và bí ẩn, mở ra một không gian của lãng mạn, suy tưởng, của cả những điều dường như chỉ lấp lánh trong tiềm thức.
Một tác phẩm sắp đặt trong triển lãm "Thế giới khác" của họa sĩ Phạm Nhật Chinh.
Một tác phẩm sắp đặt trong triển lãm "Thế giới khác" của họa sĩ Phạm Nhật Chinh.

Phạm Nhật Chinh sinh năm 1984 tại Thanh Hóa, tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Sau nhiều lần tham gia triển lãm nhóm, lần này, Chinh quyết định tổ chức cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên, đánh dấu một chặng đường Chinh thực hành nghệ thuật với những trở trăn, tìm tòi không mấy dễ dàng, thậm chí là khắc nghiệt. 

“Cơm áo không đùa với khách thơ”, câu nói đó không chỉ đúng với văn chương mà còn đúng cả với những ai trót đam mê nghệ thuật. Nhiều họa sĩ sau khi ra trường đã sớm thành danh, một số khác phải vẽ dòng tranh thị trường để chiều khách hàng - những bức tranh đèm đẹp dễ nhìn, dễ bán. Nhưng một số khác, không dễ thỏa hiệp, vẫn quyết tâm tìm đường đi của riêng mình. Chinh thuộc số họa sĩ này. 

Họa sĩ Phạm Nhật Chinh.
 Họa sĩ Phạm Nhật Chinh.

Và mặc dù cuộc sống còn vô vàn khó khăn khác, Chinh dám đương đầu với thử thách của nghệ thuật, bởi Chinh coi sự gian truân của nó cũng chính là thứ khiến nó trở nên đẹp đẽ và đặc biệt. Người họa sĩ vẫn chọn thử thách này, thay vì một con đường dễ dàng hơn để kiếm sống.

Bởi vì, hơn bất cứ điều gì trên đời, nghệ thuật gần gũi nhất với những giấc mơ của Chinh, những giấc mơ kì lạ cứ lặp đi lặp lại trong cuộc đời Chinh từ khi họa sĩ còn nhỏ tuổi. Tin vào những giấc mơ, tin vào cái mênh mông diệu vợi của tâm thức, những mối ràng buộc không ngẫu nhiên của thế giới vật chất và tinh thần, Chinh giữ lại những khoảnh khắc lóe sáng của tâm trí để bày chúng thành màu sắc, hình khối trong những tác phẩm nghệ thuật của mình. 

Và những bức tranh ra đời, chúng không bị gò bó vào trong bất cứ cái khuôn nào của chất liệu hay hình thức biểu hiện. Đó có thể là sơn dầu, acrylic, là gỗ, là sắt, là dây, là vải. Đó cũng có thể chứa bóng dáng một sự vật, một bàn tay, một hình người…, nhưng cũng có thể chẳng là gì ngoài màu sắc và nhịp điệu của nó, hay nói cách khác, bóng dáng của sự vật đã được khái quát hoặc triệt tiêu đến mức chỉ còn giữ lại cảm giác về chúng. Chinh không mô tả sự vật, Chinh chỉ mô tả cảm giác về chúng, hay mô tả điều cuối cùng mà chúng để lại trong tâm thức con người.

Một tác phẩm của họa sĩ Phạm Nhật Chinh.
 Một tác phẩm của họa sĩ Phạm Nhật Chinh.

“Cái thế giới trong mơ ấy, dù với tôi là một hiện thực, một hiện thực khác, khi tôi cố để chạm vào thì chúng lại tan biến. Tôi chỉ có thể giữ lại chúng trong những bức tranh”, họa sĩ Nhật Chinh chia sẻ. Vậy là, cái thế giới kì lạ mà Chinh cảm nhận được đã được tái hiện trong tranh, bằng những dẫn dắt của vô thức và bằng cả những nỗ lực của một nghệ sĩ đang thực hành nghệ thuật nghiêm túc. 

Quan niệm nghệ thuật không thể bị bó hẹp trong chất liệu và cách thức biểu hiện, những bức tranh của Chinh đã mang đến cho người xem một không gian đa chiều kích, với những màu sắc hòa trộn tinh tế, những bề mặt gồ ghề, khi phẳng nhẵn khi nổi cộm, khi vờn vẽ khi đắp chát. Tác phẩm sắp đặt trong triển lãm cũng vậy, vẻ gai góc, xù xì và quái dị của nó đã mở ra một “hiện thực khác”, đánh thức người xem, buộc họ phá bỏ tư duy thưởng lãm thông thường để thâm nhập vào thế giới khác của nội tâm, của nghệ thuật. Chỉ khi đó, nghệ thuật mới đủ tự do để cất cánh.

“Thế giới khác” của Chinh thực ra cũng chính là thế giới của mỗi chúng ta, nếu chúng ta biết nhìn, từ một chiều kích khác.

Đọc thêm