Làng trầu Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang: Nơi gìn giữ nét đẹp xưa giữa thời hiện đại

(PLVN) - Hình ảnh cây cau, lá trầu dần trở nên phai mờ trong thời đại ngày nay. Nhưng đối với hàng trăm hộ dân ở huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang) thì lá trầu đã trở nên quen thuộc không chỉ âm thầm giúp bà con vươn lên thoát nghèo mà còn góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống xưa sau hàng chục năm gìn giữ.

Một góc hồn quê

Cách trung tâm tỉnh Hậu Giang khoảng 10km, dọc theo con đường ở xã Vị Thủy (huyện Vị Thủy) đâu đâu cũng thấy những nọc trầu được xếp thành hàng, vườn trầu xanh bát ngát. Theo người dân địa phương, những vườn trầu này có truyền thống hình thành từ thời kỳ trước ngày giải phóng đất nước cho đến nay. Đây được xem là “vựa” trầu lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Những nọc trầu được xếp thành hàng, lá trầu xanh bát ngát.
Những nọc trầu được xếp thành hàng, lá trầu xanh bát ngát. 

Dây trầu có đặc tính sinh trưởng nhanh, dễ trồng. Đặc biệt trầu chỉ ưa các loại phân hữu cơ, phân rơm, chuồng… hoàn toàn không sử dụng phân, thuốc hóa học. Lá trầu được chăm sóc tốt có màu xanh óng vàng bắt mắt, óng mượt có vị cay nồng tự nhiên. Nọc trầu cao khoảng 2m, được làm bằng cây tràm, cứ thế khoảng 10 ngày thu hoạch 1 lần. Trung bình 1.000m2 đất sẽ trồng được khoảng 1.000 nọc trầu, cho thu nhập ổn định 100 triệu đồng/năm, gấp nhiều lần so với cây lúa.

Miệt mài chăm bón cho vườn trầu của mình, chị Đào Thị Quyên (ngụ xã Vị Thủy) cho biết, cây trầu giúp gia đình từ khó khăn vươn lên ổn định, thoát nghèo. Tuy cây trầu trải qua nhiều giai đoạn thăng, trầm nhưng người dân nơi này vẫn quyết tâm bám giữ. “Nhiều hộ dân có của ăn của để, tích góp mua được đất đai, nhà cửa khang trang, con cái ăn học thành tài cũng nhờ vào cây trầu”, chị Quyên phấn khởi nói.

Tương tự, bà Cao Thị Năm (79 tuổi, xã Vị Thủy) người được cho là có công khởi sướng góp phần tạo nên làng trầu ngày nay. Bà kể, năm bà 19 tuổi, cha bà thường ăn trầu trong khi tìm mua trầu rất khó, nên bà quyết tâm tìm giống trầu về trồng cho cha ăn. “Lúc đầu bà chỉ mua một dây về trồng, chủ yếu để cha ăn. Dần dần trầu sinh trưởng tốt, dây mẹ đẻ dây con, cứ thế được chiết thành hàng chục nọc sau một năm. Thấy vậy, lối xóm qua xin giống, cứ thế đến giờ thành làng nghề lúc nào không hay”, bà Năm tâm sự.

Dù tuổi đã cao nhưng bà Cao Thị Năm vẫn miệt mài chăm sóc hơn 1.000 nọc trầu chỉ 5 ngày tuổi của gia đình.
Dù tuổi đã cao nhưng bà Cao Thị Năm vẫn miệt mài chăm sóc hơn 1.000 nọc trầu chỉ 5 ngày tuổi của gia đình. 

Ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc HTX Trầu Vàng (ấp 5, xã Vị Thủy) cho biết, tuy có truyền thống lâu đời nhưng trầu phát triển mạnh từ khoảng 20 năm trở lại đây.   Năm nay được xác định là năm khó khăn đối với người trồng trầu do chịu tác động kép. Nguyên nhân đợt nắng nóng kéo dài, khiến bà con tốn chi phí, công sức để chăm sóc. Cùng với giá bán thấp, bà con còn gặp khó khăn trong tiêu thụ vì thương lái giảm sản lượng thu mua do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cần đảm bảo đầu sản phẩm

Làng trầu Vị Thủy có khoảng 230 hộ trồng trầu trên diện tích canh tác khoảng 32,5ha. Hộ trồng ít nhất từ 400m2, nhiều nhất khoảng 5.000m2. Hiện, giá trầu được thương lái mua khoảng 4.000 đồng/ốp (mỗi ốp 40 lá). Trong dịp tết, sức hút mặt hàng này tăng cao do nhu cầu thờ cúng, cưới hỏi nên giá trầu lên từ 10.000 đồng - 15.000 đồng/ốp.

Cán bộ ngành nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật trồng trầu cho người dân.
Cán bộ ngành nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật trồng trầu cho người dân. 

Ngoài việc cải thiện đời sống của người dân, cây trầu còn góp phần đáng kể tạo việc làm cho lao động địa phương. Trung bình để chăm sóc 1ha trầu, đòi hỏi 3-5 lao động làm việc liên tục để tưới nước, bón phân, cắt cành... Khi thu hoạch khoảng cần 15 người hái trầu và sắp xếp lá trầu trước khi đem đi tiêu thụ.

Còn theo ông Trương Thanh Trí, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vị Thủy cho biết, nghề trồng trầu được xác định là mô hình xóa đói giảm nghèo hiểu quả bởi cây trầu có đặc tính dễ trồng, nhẹ công chăm sóc tạo thu nhập cao. Nếu như trước đây tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm gần 7% thì nay chỉ còn khoảng 2% cũng nhờ vào cây trầu.

“Để đẩy mạnh mô hình phát triển mạnh và hiểu quả, địa phương đã tính đến phương án hỗ trợ cho bà con nâng cấp chất lượng cây trồng, hỗ trợ tối đã 50% kinh phí bằng nguồn vốn đối ứng để bà con phát triển sản xuất”, ông Trí nói.

Cây trầu chỉ ưa các loại phân hữu cơ, phân rơm, chuồng… hoàn toàn không sử dụng phân, thuốc hóa học. Lá trầu được chăm sóc tốt có màu xanh óng vàng bắt mắt, óng mượt có vị cay nồng tự nhiên.
Cây trầu chỉ ưa các loại phân hữu cơ, phân rơm, chuồng… hoàn toàn không sử dụng phân, thuốc hóa học. Lá trầu được chăm sóc tốt có màu xanh óng vàng bắt mắt, óng mượt có vị cay nồng tự nhiên. 

Cũng theo ông Trí, trên thực tế, người trồng trầu vẫn còn nhiều thiệt thòi lớn bởi khả năng tiêu thụ trầu của địa phương vẫn còn phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Khi thương lái cần, họ sẽ thông báo số lượng để chủ vườn hái rồi họ ra giá, đến thu mua. Như vậy, về đầu ra, người trồng bị động hoàn toàn do có tính độc quyền. Chính vì vậy, tình trạng thương lái ép giá thường xuyên xảy ra, còn người trồng trầu chỉ biết ngồi chờ, phụ thuộc hoàn toàn giá bán vào thương lái.

Mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang vừa công bố quyết định công nhận làng trồng trầu ở huyện Vị Thủy đạt chuẩn làng nghề truyền thống của tỉnh. Tiêu chí để công nhận làng nghề căn cứ tại Nghị định 52/2018/NĐ-CP về “Phát triển ngành, nghề nông thôn”. Theo đó, để được công nhận Nghề truyền thống thì mô hình bắt buộc đã xuất hiện tại địa phương từ trên 50 năm và hiện đang tiếp tục phát triển; Tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc. Đối với làng nghề truyền thống thì phải có tối thiểu 20% tổng số hộ trên địa bàn tham gia một trong các hoạt động hoặc các hoạt động ngành nghề.

Đọc thêm