Lời nguyền chết chóc của viên kim cương Hy vọng

(PLVN) - Có trọng lượng lên tới 45,52 carat và sắc xanh hiếm gặp, viên kim cương Hy vọng (Hope) đến nay vẫn là một trong những viên kim cương nổi tiếng nhất thế giới. Tuy nhiên, không nhiều người muốn sở hữu thứ đồ trang sức quý này bởi người ta cho rằng nó mang theo trong mình một lời nguyền đầy chết chóc...
Viên kim cương Hy vọng nổi tiếng.
Viên kim cương Hy vọng nổi tiếng.

Lời nguyền ứng nghiệm?

Viên kim cương có tên Hy vọng được cho là một trong những viên đá quý hiếm nhất, tuyệt đẹp có màu xanh thẫm của nước biển, tỏa ra ánh sáng lân quang khi được chiếu tia cực tím. Với kích thước tương đương một quả óc chó, nặng hơn 45 carat, viên đá này được ước tính có giá lên tới hơn 250 triệu USD. Các tài liệu cho rằng, viên kim cương này có hình tam giác và trước khi bị cắt để có hình dáng như hiện nay, nó nặng từ 112 tới 115 carat.

Tác giả Karl Shuker trong cuốn sách “Điều không thể lý giải” khi nói đến nguồn gốc của viên đá quý này cho hay, viên kim cương này có nguồn gốc từ Ấn Độ. Ban đầu, viên đá nằm lấp lánh trên trán của một bức tượng thần Hindu nổi tiếng. Sau đó, viên kim cương đã bị một linh mục theo đạo Hindu lấy đi. Hình phạt mà tên trộm này đã phải trải qua là cái chết từ từ và đầy đau đớn. 

Qua thời gian lưu lạc, đến thế kỷ thứ 17, viên kim cương được phát hiện ở mỏ kim cương Golconda nằm cạnh con sông Kistna của Ấn Độ. Bằng con mắt nhà nghề, nhà buôn đá quý, nhà thám hiểm người Pháp Jean-Baptiste Tavernier đã sớm nhận ra được giá trị của viên đá và bỏ ra một số tiền khá lớn để mua mang về châu Âu. 

Vào khoảng năm 1669, viên kim cương Hy vọng đã được bán cùng với khoảng 1.000 viên kim cương khác cho Vua Louis XIV của Pháp. Toàn bộ số mà Tavernier thu về là 220.000 livre, tương đương với 147 kg vàng nguyên chất lúc bấy giờ. Năm 1678, Vua Louis XIV ủy quyền cho thợ kim hoàn của hoàng gia Sieur Pitau chế tác viên kim cương.

Sau 2 năm tỉ mẩn, Pitau cho ra đời một viên đá nặng 67,125 carat, được lưu trữ trong kho của cải của hoàng gia Pháp với tên gọi Viên Kim cương xanh của Vương miện Pháp. Viên kim cương hình tam giác khi đó được đặt trên một chiếc cà vạt bằng vàng. 

Năm 1749, Vua Louis XV tiếp tục yêu cầu thợ chế tác Andre Jacquemin gọt giũa viên kim cương. Đến lúc này, viên đá quý hiếm được tạo hình trên một mặt dây chuyền trang sức tinh xảo với 112 viên kim cương màu vàng và 83 viên kim cương màu đỏ ở xung quanh, với ý nghĩa như một con rồng đang thở ra những tia lửa. Sau khi Vua Louis XV qua đời, viên kim cương trở thành tài sản của Vua Louis XVI.

Trong quá trình này, những người từng sở hữu viên kim cương đều phải trải qua số phận vô cùng bi đát, khiến người ta bắt đầu đồn đoán về một lời nguyền của viên kim cương. Trong đó, nhà thám hiểm Tavernier sau khi bán viên đá quý mang từ Ấn Độ về Pháp đã thu được một món hời lớn nhưng lại đột tử trong một chuyến đi tới Nga. Thê thảm hơn, xác ông đã bị bầy sói xé trong rừng. 

Vua Pháp Louis XIV sau đó cũng qua đời trong tình trạng bị chứng hoại thư. Đặc biệt, tất cả các con của ông, ngoại trừ một người, đều chết yểu. Một tùy tùng của nhà vua tên Nicholas Fouquet được cho là từng đeo viên kim cương trong một số dịp đặc biệt cũng bất ngờ bị thất sủng và bị kết án tù khổ sai trước khi được giảm xuống còn tù chung thân.

Nhiều tin đồn khi đó cho rằng viên kim cương đã được lấy ra từ mắt của bức tượng thần Shiva tại Ấn Độ sẽ gây tai họa cho bất cứ ai liên quan.

Danh sách nạn nhân nối dài...

Sau khi được truyền lại viên kim cương, Vua Pháp Louis XV dùng báu vật này gắn lên một chiếc khuyên lớn được gọi là “Huân chương Hiệp sĩ”. Vua Louis XV dường như thoát khỏi lời nguyền, nhưng những người khác có được viên kim cương Hy vọng sau đó thì không may mắn như vậy.

Cả Vua Louis XVI và Hoàng hậu Marie Antoinette - những người được thừa kế viên kim cương, đều chết thảm ở giai đoạn đầu của cuộc Cách mạng Pháp. Công chúa Lambelle cũng bị đám đông đánh tới chết. 

Năm 1792, kẻ trộm đã đột nhập vào Nhà kho của Hoàng gia, viên kim cương Hy vọng cũng biến mất cho đến khi bất ngờ xuất hiện trở lại đầy bí ẩn vào năm 1812. Thời gian này, có những ý kiến cho rằng viên kim cương thuộc sở hữu của Nữ hoàng Caroline của vùng Brunswick hoặc Nhà vua George IV của Anh.

Tuy nhiên, sau khi Vua George IV qua đời, viên kim cương một lần nữa biến mất, được cho là do người tình cuối cùng của Nhà vua là Quý bà Conyngham đánh cắp. Cũng có thông tin cho rằng Nhà vua đã bán viên kim cương để trang trải một số khoản nợ cá nhân khổng lồ của ông. Thomas Hope (một chủ ngân hàng ở London) sau đó đã mua lại viên kim cương.

Đến năm 1839, viên kim cương Hy vọng xuất hiện trong bộ sưu tập đá quý của nhà quý tộc Henry Philip Hope. Nó được đặt trong một chiếc huy chương, bao quanh là những viên kim cương trắng nhỏ hơn và thường được bà góa phụ của ông Thomas Hope là Louisa de la Poer Beresford đeo trên người.

Bà Evalyn Walsh McLean đeo viên kim cương.
Bà Evalyn Walsh McLean đeo viên kim cương.

Chính trong thời kỳ này, viên đá đã chính thức được gọi là viên kim cương Hy vọng (Hope). Năm 1887, gia đình Philip Hope phá sản và năm 1901 phải bán lại viên kim cương cho một người khác. Người này sau khi sở hữu viên đá quý cũng đã nướng khối gia tài khổng lồ vào bài bạc, bị vợ bỏ theo nhân tình.

Sau khi mua lại viên kim cương, Công ty trang sức Sons & Company của nhà buôn Joseph Frankel ở New York (Mỹ) cũng bất ngờ rơi vào khó khăn tài chính trong cuộc suy thoái vào năm 1907, đến mức phải bán lại viên đá. Viên kim cương Hy vọng sau đó tiếp tục qua tay nhiều người nhưng đi đến đâu cũng mang tới tai ương, bất hạnh. 

Nhà kim hoàn người Hà Lan Wilhelm Fals đã bị chính con trai của ông sát hại dã man và người con này cũng đã tự tử sau khi giết cha. Một chủ sở hữu khác của viên kim cương là ông Simon Maoncharides, người Hy Lạp thì lao xe ra khỏi vách đá khiến cả ông và vợ con chết thảm. 

Năm 1910, viên kim cương Hy vọng được nhà kim hoàn nổi tiếng người Pháp Pierre Cartier mua lại. Một năm sau, sau khi được mài giũa lại, viên kim cương được bán lại cho chủ sở hữu tờ báo The Washington Post Edward Beale McLeane và vợ của ông là bà Evalyn Walsh McLean. 

Có nguồn tin cho hay, chính việc viên kim cương được cho là mang theo một lời nguyền và nhiều chuyện bí ẩn nên bà đã quyết mua bằng được viên kim cương để chứng minh mình có quyền lực biến đổi vật báu mang điềm gở thành một viên kim cương may mắn, mang lại danh tiếng và tiền bạc. Có điều, McLean cũng sớm nếm trải những bất hạnh.

Trước khi mua viên đá này, McLean có cuộc sống rất êm đềm nhưng kể từ khi gắn với nó, những biến cố đã liên tiếp ập đến: lần lượt mẹ chồng, người con trai mới 9 tuổi của bà tử vong trong tai nạn xe hơi, con gái nghiện ma túy và chết vì sốc thuốc năm 25 tuổi.

Chồng McLean bỏ đi với nhân tình, còn bản thân bà cuối cùng phải bán tờ Washington Post và chết trong cảnh nợ nần chồng chất vào năm 1947. Hai năm sau, viên kim cương Hy vọng được bán cho nhà buôn Harry Winston. 

Chỉ là đồn đoán?

Lời nguyền liên quan đến viên kim cương này chỉ chấm dứt khi chủ sở hữu tư nhân cuối cùng của nó là ông Winston quyết định tặng lại báu vật này, chứ không phải bán, cho Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Smithsonian ở Washington vào năm 1958.

Kể từ đó đến nay, vật báu này vẫn yên vị tại đây, tạm thời khép lại những đồn đoán về những câu chuyện bất hạnh gắn liền với nó. Thế nhưng, trước đó, người vận chuyển viên kim cương từ nhà của ông Winston đến bảo tàng tên James Todd vẫn bị nghiến nát chân trong vụ tai nạn xảy ra sau khi giao viên kim cương. 

Hiện nay, hàng triệu khách tham quan vẫn tới chiêm ngưỡng viên kim cương tại bảo tàng và truyền tai nhau về những câu chuyện kì bí liên quan đến nó. Song, cũng có những ý kiến cho rằng đó chỉ là sự mê tín, những câu chuyện xung quanh viên kim cương chỉ là thông tin được thêm thắt để tạo thêm sức hút cho viên kim cương, khiến nó có giá hơn.

Đọc thêm