Măng Đen – Điểm "check in" hấp dẫn giữa đại ngàn Tây Nguyên

(PLVN) - Ít ai biết rằng, Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen thuộc tỉnh Kon Tum, điểm đến yêu thích và được tìm kiếm nhiều trong thời gian gần đây vốn chỉ là một Thị trấn trẻ, khuất nẻo ở huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum trên đại ngàn Tây Nguyên. 
 Hoàng hôn tím đẹp nao lòng bên hồ Đăk Ke.
Hoàng hôn tím đẹp nao lòng bên hồ Đăk Ke.

Tuy "tuổi đời còn non trẻ" nhưng với nhiều ưu đãi của thiên nhiên nên nơi đây đã sớm trở thành một điểm đến du lịch đầy hấp dẫn của du khách khắp mọi miền Tổ Quốc. Nhắc đến Măng Đen người ta thường ví vùng đất này như một “Nàng tiên vừa mới được đánh thức sau một giấc ngủ dài, giữa đại ngàn Tây Nguyên”.

Thiên nhiên hữu tình, hùng vĩ.

Nằm cách trung tâm TP. Kon Tum khoảng 60 km theo hướng Đông Bắc, Khu Du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) sở hữu không khí mát mẻ, trong lành quanh năm, cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hấp dẫn… đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định Phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái quốc gia đến năm 2030.

Măng Đen mới có quyết định thành lập Thị trấn từ tháng 9-2019, nhưng tiếng tăm về Khu du lịch sinh thái Măng Đen từ lâu đã trở thành thương hiệu du lịch của Tây Nguyên. Trước đây, Măng Đen chỉ là một vùng đất khuất nẻo, với 148 cây số vuông và dân số gần 7 ngàn người, chủ yếu là đồng bào Bana sinh sống và cũng chỉ vài bản làng thưa vắng nấp trong các thung lũng, sườn đồi.

Nhưng Măng Đen lại có một vị trí địa lý đặc biệt; khi nằm trên con đường huyết mạch nối cửa khẩu Bờ Y với các tỉnh duyên hải miền Trung, cũng là “con đường xanh” cho chiến lược du lịch lâu dài từ vùng rừng núi tới biển đảo, từ cửa khẩu xuống duyên hải và nối với nước bạn Campuchia. 

Đường vào Măng Đen giữa những cánh rừng thông già cổ thụ.
Đường vào Măng Đen giữa những cánh rừng thông già cổ thụ.

Muốn đi tới được Măng Đen, chỉ riêng đèo dốc uốn lượn trên sống lưng của dãy Trường Sơn đã làm du khách “hết hồn”. Đó chỉ là câu nói vui cho những người sợ độ cao mà thôi chứ đối với những du khách mê “phượt” thì đường lên Măng Đen đích thị là một cung đường lý tưởng với nhiều đèo, dốc và hàng trăm điểm “check in” cực đẹp.

Bù lại, Măng Đen mát lịm, thảm thực vật xen dày và khí hậu có nhiệt độ thấp, không gian trong vắt quanh năm. Đặc biệt, là khu rừng thông già trên đất lâm nghiệp ngay trong Thị trấn hiện xanh tươi và sẽ là vốn quý để làm du lịch của mảnh đất này. Măng Đen được xác định là điểm sáng lấp lánh của con đường xanh Tây Nguyên – chiến lược phát triển du lịch lâu dài của vùng.

Cũng giống như điều kiện tự nhiên, cư dân của Măng Đen khá đa dạng với nhiều dân tộc anh em chung sống từ xa xưa như Xê Đăng, Mơ Nâm, Ka Dong, Hre, Kinh... Tuy có những điểm tương đồng, nhưng mỗi dân tộc vẫn có những sắc màu văn hóa riêng biệt, hội tụ trong một không gian đậm chất sử thi Tây Nguyên với bến nước, nhà rông, dập dìu trong tiếng cồng, tiếng chiêng mùa lễ hội rất phù hợp để phát triển du lịch văn hóa truyền thống.

Măng Đen có 5 điểm quy hoạch dành riêng cho du lịch gồm Làng Văn hóa – Du lịch Kon Pring, hồ Đam Bri, thác Pa Sỹ, điểm du lịch sinh thái Êban Farm và điểm du lịch sinh thái Thiện Mỹ Farm. Có một huyền thoại về Măng Đen được du khách yêu thích là sắc thái cổ xưa trong huyền thoại về vùng đất “7 hồ, 3 thác”.

Thác Pa Sỹ được ví như mái tóc dài của cô "sơn nữ" vắt ngang núi rừng Măng Đen.
 Thác Pa Sỹ được ví như mái tóc dài của cô "sơn nữ" vắt ngang núi rừng Măng Đen.

Địa hình Măng Đen hiểm trở và đứt gãy gấp khúc, rừng tự nhiên bao phủ tạo nên nhiều hồ, thác và dòng chảy tự nhiên sông suối. Giữa các lòng thung lũng là hồ và địa hình gãy tạo nên các dòng thác đẹp hùng vĩ. Thác Pa Sỹ là ngọn thác đầu tiên đã trở thành điểm du lịch dã ngoại thơ mộng. Thác nước được ví như mái tóc của một sơn nữ từ rừng xanh buông xuống mặt đất. Hiện nay, cạnh thác Pa Sỹ, đơn vị thi công đầu tư du lịch đã dựng lên cả một vườn tượng gỗ phong cách điêu khắc truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Các công trình cầu treo, khu lưu trú, nghỉ chân đều mang dáng dấp của miền đất Bazan cổ xưa. Khu vực hồ Đắk Ke được sửa sang khai thác gồm một nhà Rông đặc trưng của đồng bào Bana, cảnh quan hoa phượng tím và hoa anh đào ven hồ mỗi mùa lại có một vẻ đẹp khác nhau khiến Măng Đen không khi nào nhàm chán. 

Một “Đà Lạt” thơ mộng thứ hai của Cao Nguyên

Nằm ở độ cao khoảng 1200 m so với mực nước biển, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình từ 16-20 độ C nên Măng Đen được mệnh danh là “Đà Lạt thứ hai”  của Tây Nguyên. Măng Đen có điệp trùng rừng nguyên sinh bao bọc quanh năm với hệ động thực vật phong phú, đa dạng. Măng Đen, Kon Plông tự hào là một trong những khu vực còn giữ được nét nguyên sinh và độ che phủ cao nhất trong cả nước.

Không phải tự nhiên người ta lại gọi Măng Đen là Đà Lạt thứ hai, bởi nơi đây cũng là một cao nguyên, với những thung lũng và rừng thông bạt ngàn, nét đẹp có phần trầm buồn, lãng mạn, người dân địa phương cũng có cách sống “núi rừng” rất đặc trưng – chỉ từng đó điểm thôi cũng đã khiến chúng ta thấy được Măng Đen giống với Đà Lạt đến kỳ lạ.

Hồ Đăk Ke rực rỡ mùa Hoa anh đào.
 Hồ Đăk Ke rực rỡ mùa Hoa anh đào.

Theo UBND huyện Kon Plông, ngay từ những thập niên đầu thế kỷ 20, người Pháp đã đến Măng Đen khảo sát, đưa cây thông vào trồng với ý định xây dựng một trạm nghỉ dưỡng trên vùng đất này. Vì khí hậu và cảnh quan đặc biệt, có nhiều nét tương đồng với Đà Lạt nên nơi đây được ví như là Đà Lạt của vùng Bắc Tây Nguyên, và hiện được quy hoạch để trở thành Khu du lịch sinh thái quốc gia.

Tượng Đức Mẹ - điểm du lịch "tâm linh" được nhiều du khách lựa chọn khi đến Măng Đen.
 Tượng Đức Mẹ - điểm du lịch "tâm linh" được nhiều du khách lựa chọn khi đến Măng Đen.

Không chỉ là một “Đà Lạt” thu nhỏ, đến với Măng Đen, du khách còn được ghé thăm tượng đức mẹ Maria và công trình kiến trúc nhà thờ Măng Đen với những giai thoại về sự hiển linh, hay thăm chùa Khánh Lâm với 18 vị La Hán đủ sắc thái khác nhau, trầm mặc và trang nghiêm.

Trong những năm gần đây, du lịch văn hóa tâm linh đang ngày càng phát triển, có sức hấp dẫn du khách, trở thành điểm nhấn quan trọng trong tổng thể du lịch sinh thái Măng Đen. Lợi thế đó được đặt trong cảnh sắc thiên nhiên, với những tuyệt tác của núi rừng như thác Pa Sỹ được hình thành từ 2 con suối lớn nhất Măng Đen, chụm lại thành một dòng. 

Tại đây, sau khi chinh phục gần 200 bậc thang để chiêm ngưỡng thác Pa Sỹ mềm mại như mái tóc cô sơn nữ, được thưởng thức những món ẩm thực đậm chất núi rừng, hay nhâm nhi ly cà phê trong tiết se se lạnh, dõi mắt ngắm nhìn những ngôi nhà sàn thấp thoáng trong sương khói lam chiều, du khách tiếp tục đắm chìm trong không gian vừa mơ, vừa thực với vườn tượng gỗ được chế tác từ bàn tay của các nghệ nhân bản địa.

Du khách thích thú khi được "check in" dưới hoa anh đào tại Măng Đen.
Du khách thích thú khi được "check in" dưới hoa anh đào tại Măng Đen. 

Măng Đen với bản tình ca của núi rừng, đắm chìm trong từng “nốt nhạc” hoang sơ  đã làm xao xuyến tâm hồn bao du khách. Khi cảnh sắc thiên nhiên hòa vào những nét đẹp kiến trúc hiện đại, sự tín ngưỡng tâm linh, gắn chặt văn hóa cộng đồng đồng hành cùng những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chắc chắn Măng Đen sẽ còn “bay cao” hơn nữa trên “bản đồ” du lịch Việt Nam. Và chắc chăn trong tương lai gần “Nàng tiên Măng Đen sẽ sớm thức giấc để rồi tỏa sáng giữa ngút ngàn Tây Nguyên hùng vĩ”.

Lễ khai trương khu nghỉ dưỡng sinh thái Đăk Ke - Măng Đen Resort.
Lễ khai trương khu nghỉ dưỡng sinh thái Đăk Ke - Măng Đen Resort. 
Đăk Ke - Măng Đen Resort không chỉ là thiên đường nghỉ dưỡng mà còn là điểm "check in" rất đẹp.
 Đăk Ke - Măng Đen Resort không chỉ là thiên đường nghỉ dưỡng mà còn là điểm "check in" rất đẹp.

Nói về Măng Đen, đại diện Công ty cổ phần Khánh Dương – Măng Đen chia sẻ: “Để phát triển du lịch một cách bền vững cần có sự kết tinh từ sự sáng tạo của con người và sự tôn trọng, bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn văn hóa bản địa.

Những người làm du lịch tại ĐăkKe – Măng Đen Resort tự tin mang lại cho du khách những trải nghiệm dịch vụ chu đáo, thân thiện với môi trường trong một không gian được bao bọc bởi những đồi thông xanh mát, hồ nước trong xanh và những không gian văn hóa mang âm hưởng trầm hùng của xứ sở Tây Nguyên hùng vĩ”. 

Đọc thêm