Một ngày ở Thổ Hà

(PLVN) -  Làng Thổ Hà xưa kia thuộc vùng Kinh Bắc, nay thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Từ bao đời nay, ngôi làng cổ này vẫn tọa lạc giữa một vùng đồng bằng trù phú, nơi có những con người khéo tay hay làm, xứ sở của những câu quan họ ngọt ngào và đã có thời gian giàu có nhờ nghề làm đồ gốm truyền thống. 
Một ngày ở Thổ Hà

Tạm xa cuộc sống nơi thành thị khiến con người ta cảm thấy ngột ngạt, tôi về thăm làng Thổ Hà, ngôi làng cổ kính nằm duyên dáng bên dòng sông Cầu, để chiêm ngưỡng những vẻ đẹp nên thơ của một vùng đất giàu truyền thống văn hoá thanh bình, được hít thở cái không khí trong lành hay chỉ để tìm về với những ký ức của tuổi thơ.

Cổng làng Thổ Hà.
Cổng làng Thổ Hà.

Người làng Thổ Hà bảo, họ sinh ra đã gắn với con đò và dòng sông Cầu, có lẽ mạch nước sông Cầu đã ngấm vào từng thớ thịt của họ. Những nếp sống bao đời đã ăn sâu vào trong tâm thức. Vậy nên, đến tận bây giờ người làng Thổ Hà vẫn giữ được dáng hình của một ngôi làng cổ, ẩn chứa bao điều thú vị. Ngôi làng nhỏ bé bên bờ bắc sông Cầu này đã hình thành từ lâu trải qua biết bao thăng trầm nhưng cho đến tận bây giờ nó vẫn là một dải đất yên vui, hiền hòa và đằm thắm.

Làng Thổ Hà xưa kia thuộc vùng Kinh Bắc, nay thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Từ bao đời nay, ngôi làng cổ này vẫn tọa lạc giữa một vùng đồng bằng trù phú, nơi có những con người khéo tay hay làm, xứ sở của những câu quan họ ngọt ngào và đã có thời gian giàu có nhờ nghề làm đồ gốm truyền thống.

Ngày ấy, nghề gốm là cái nghiệp của người Thổ Hà, nó không chỉ nuôi sống con người mà còn biến nơi đây thành một vùng giàu có, nhộn nhịp trên bến dưới thuyền.

Mỗi khi nhớ về nghề gốm người dân nơi đây vẫn nói: “Người Thổ Hà từ khi chào đời, chôn rau, cắt rốn bỏ vào cái nồi đất đem chôn ngoài ngõ, rồi tắm lọt lòng trong cái chậu sành da lươn, lớn lên cầm bát cơm, cái điếu hút thuốc lào, cái nồi kho cá, cái vại muối dưa cà… tất cả đều là những vật dụng do chính tay mình làm ra cho đến khi đã về với thế giới bên kia, họ lại được nằm trong cái tiểu sành của làng gốm quê mình.

Đất với người, người với đất bao đời nay vẫn nặng nghĩa nặng tình như thế. Vậy mà trải qua những thăng trầm của thời gian, những thay đổi của thời thế nghề gốm dần mai một, chỉ còn lại trong ký ức của những người thợ già xưa”.

Người dân trong làng cho biết, nghề gốm Thổ Hà đã có từ rất lâu rồi, nhà bác học Lê Quý Đôn một lần đi qua làng đã tặng nhân dân nơi đây bài thơ sau:

Đường thông ra biển tôm cua rẻ

Đất có lò nung chĩnh vại nhiều

Khách buôn lên xuống như mắc cửi

Kiếm được mối lời thật khổ tâm.

Có thể nói, gốm Thổ Hà đã đi sâu vào từng ngóc ngách đời sống sinh hoạt của người dân đồng bằng Bắc Bộ đặc biệt là tầng lớp nông dân, mọi đồ dùng trong nhà đều làm từ gốm. Ấy thế nên có thể dễ dàng lý giải vì sao xưa kia làng Thổ Hà lại giàu có, người Thổ Hà chỉ cần đốt một lò gốm thì ăn cả năm. Gốm Thổ Hà xưa không dùng men, cái thứ đất dẻo kỳ diệu ấy được nung cho đến khi tự chảy ra men bám trên bề mặt đồ gốm một màu nâu óng mượt như nhung, mát lịm.

Gốm xưa còn sót lại trên các bức tường vẫn nguyên hình vẹn trong hồn gốm Thổ Hà. Cái đặc biệt trong lối ăn ở của người Thổ Hà là sử dụng chính những mảnh gốm bỏ đi để xây nhà, xây tường, không chát vôi vữa, trải cùng mưa gió mà thành hình, thành khối gắn kết độc đáo.

Những thứ vật dụng trong nhà đều do bàn tay tài hoa của người thợ gốm Thổ Hà làm nên từ chính đồng đất quê nhà để trở thành sản phẩm từng nổi danh làm dấu ấn một vùng văn hóa. Nhờ có nghề làm gốm mà cuộc sống của người dân khá giả hơn hẳn so với những nơi khác, sự hưng thịnh của nghề gốm đã giúp ngôi làng có được một quần thể kiến trúc bề thế uy nghi.

Làng Thổ Hà còn lưu giữ được hơn chục căn nhà cổ nằm sâu trong những ngõ nhỏ rêu phong
 Làng Thổ Hà còn lưu giữ được hơn chục căn nhà cổ nằm sâu trong những ngõ nhỏ rêu phong

Cổng làng có kiến trúc đẹp và cổ kính, đây là một tronng những cổng làng đẹp nhất ở khu vực hạ lưu và trung lưu sông Cầu. Cổng nằm ở ngay đầu làng phía trước đình bên tả là hồ nước rộng, bên hữu có cây đa hàng trăm năm tuổi. Đó là hình ảnh mang đậm nét đặc trưng của văn hóa truyền thống đồng bằng Bắc Bộ - một sự hòa quyện giữa thiên nhiên với các công trình kiến trúc độc đáo.

Trong hệ thống thiết chế văn hóa xưa, đình làng có ý nghĩa rất quan trọng với đời sống tâm linh cũng như sinh hoạt của cộng đồng. Đình Thổ Hà được xây dựng vào năm 1685 thờ vua Lê Hy Tông. Đây là một công trình kiến trúc quy mô, trên một khu đất rộng 300m2 gồm 3 nhà: Tiền tế, đại đình, hậu cung với nghệ thuật điêu khắc khá độc đáo. Đình thờ thành hoàng và tổ sư nghề gốm Đào Trí Tiến ngôi đình nổi tiếng này từng được chính quyền thực dân Pháp xếp hạng trong viện bảo tàng bác cổ Đông Dương.

Hiện nay, đình lưu giữ được 9 tấm bia cùng với các thư tịch cổ những tấm bia đá này minh chứng cho sự tồn tại lâu đời của ngôi đình. Bởi vậy không ngẫu nhiên mà các nhà khoa học lại xem đình Thổ Hà là một bông hoa về nghệ thuật kiến trúc cổ Việt nam. Năm 1962, đình được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đình Thổ Hà vừa là một kiến trúc độc đáo, vừa là một minh chứng cho sự hưng thịnh của làng Thổ Hà xưa kia, trải qua sương gió, thời gian ngôi đình vẫn bền bỉ đứng đó như một giá trị bất biến của văn hóa truyền thống. Bốn chữ: Mỹ - Tục - Khả - Phong được sơn son thiếp vàng ngay tại cửa đình là sự ghi nhận nếp sống thuần hậu tốt đẹp của người dân nơi đây.

Đại đình tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Hậu Lê, nghệ thuật trang trí tại đình có đặc điểm chung là: Đường nét khỏe với những khối nổi cao có độ tương phản giữa nổi và chìm do trình độ điêu luyện của kỹ thuật trạm lộng tài hoa khéo léo của các nghệ nhân xưa. Đình Thổ Hà cùng với chùa Thổ Hà đã hợp thành một cụm di tích vô cùng quý giá trên mảnh đất văn vật này. Sự hưng thịnh của làng gốm một thời giờ đây vẫn còn thấp thoáng trong những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi.

Nhà cổ của người Thổ Hà nói riêng và của người dân đồng bằng Bắc Bộ nói chung thường rộng rãi và đặc biệt rất thoáng mát. Trong căn nhà của người dân Thổ Hà, ban thờ được trang trí một cách cầu kỳ và trang trọng chiếm phần lớn trong không gian của ngôi nhà. Người làng Thổ Hà bao đời nay vẫn qua lại trên những con ngõ nhỏ hai bên thấp thoáng những bóng hình của một thời gốm cổ đâu đó vẫn thấy tâm hồn của người thợ gốm.

Nếu người đời trước từng làm giàu bằng nghề gốm, thì ngày nay con cháu Thổ Hà cũng thức thời với nghề Bánh đa nem. Có tới 70% dân trong làng sống bằng nghề này, thay vì các lò gốm giờ đây người ta quanh năm bận bịu bên bếp than hồng với nồi bột trắng ngần để tạo ra những chiếc bánh đa nem - một món ăn không thể thiếu trong bữa cơm ngày Tết của người Việt.

Khắp đường làng ngõ xóm đâu đâu cũng gặp những dàn bánh đa nem, dường như nó đã trở thành một thứ không thể thiếu trong không gian làng xã Thổ Hà. Những âm thanh tí tách như tiếng tằm ăn, mạnh hơn thì như những tiếng mưa rơi phát ra từ tấm phên phơi bánh nghe như tiếng reo vui của người dân.

Nghề đã nuôi sống người và người gắn bó với nghề. Bánh đa nem Thổ Hà được đưa đi khắp mọi miền đất nước, đó là sản phẩm kết tinh từ gạo và đôi bàn tay khéo léo của những người dân cần cù, món Bánh đa nem theo họ ra chợ, hòa vào không gian dân dã bên dòng sông Cầu mà không phải nơi đâu cũng có.

Phiên chợ vẫn họp đều đặn vào mỗi buổi sáng bên dòng sông Cầu thơ mộng. Bến sông như chiếc cầu nối thơ mộng nối Thổ Hà với các miền quê khác, cuộc sống nơi đây cứ thế trôi qua trong cái cổ kính đã có sự đổi thay trong cái không gian yên bình có cả sự nhộn nhịp hối hả của con người. Trước kia Thổ Hà có bốn hội lớn trong năm, gần đây làng đã nhập bốn hội này vào làm một gồm cả hội Đình, hội Chùa, hội Xuân, hội Thu Lại trong hai ngày 21 và 22 tháng giêng âm lịch.

Thổ Hà được coi là một trong năm mươi ngôi làng Quan họ gốc, lễ hội Thổ Hà còn đựơc gọi là lễ hội đến hẹn lại lên. Khi mùa xuân mang đến cho đất trời không khí rạo rực thì lòng người Thổ Hà cũng say sưa trong những câu quan họ, các cuộc hát xướng diễn ra suốt ngày đêm, trong sân đình, trên dòng sông Cầu thơ mộng. Đâu đâu cũng văng vẳng những câu quan họ tha thiết ngọt ngào đầy nỗi niềm tâm sự như tiếng lòng của người dân Kinh Bắc.

Câu hát cứ ngân nga như níu kéo người ở lại: người ơi người ở đừng về, cuộc sống cứ xoay vần bên dòng sông Cầu lơ thơ nước chảy từ ngàn năm, người dân nơi đây vẫn khéo tay hay làm như xưa. Câu quan họ vẫn vang lên tha thiết hòa cùng tiếng vọng của gốm sành thuở nào khiến ta không sao quên đựơc một vùng quê rất đỗi bình dị nhưng giàu bản sắc văn hóa với tên gọi Thổ Hà.

Đọc thêm