'Mục sở thị' Tết đậm đặc bản sắc của người Dao quần chẹt

(PLVN) - Khoảng 20 tháng Chạp trở đi, khi mùa màng thu hoạch xong, các gia đình người Dao quần chẹt ở Ba Vì, Hà Nội, tại lại tổ chức ăn Tết “năm cùng”, để báo công với ông bà tổ tiên thành quả của một năm lao động của gia đình...

Những ngày này, cả gia đình tập trung dọn dẹp cửa nhà, vườn tược, chuẩn bị lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm để dùng trong những ngày Tết. Mọi việc phải được làm tươm tất trước ngày 30 Tết, vì ngày cuối năm cả gia đình đều phải tập trung để làm lễ quét nhà và lau dọn bàn thờ tổ tiên, với quan niệm quét đi những điều không may mắn của năm cũ. Sau đó gia chủ làm cơm để cúng tất niên.

Nghi lễ thờ cúng ngày tết của dân tộc Dao Quần chẹt không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, mà còn thể hiện sự thành kính của con cháu với tổ tiên. Vì thế công tác chuẩn bị và bày trí cho nghi lễ này được đồng bào rất chú trọng.

Anh Triệu Tài Huy đang thái miếng thịt ngon nhất dâng lên tổ tiên
Anh Triệu Tài Huy đang thái miếng thịt ngon nhất dâng lên tổ tiên 

Năm nay, gia đình anh Triệu Tài Huy (trú tại xóm Minh Nga, xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) dành hẳn con lợn 60kg và 10kg gà để làm lễ báo công, báo ơn tổ tiên.

Họ hàng nội ngoại gia đình ông đã có mặt đông đủ, lợn đã thịt sẵn, chỉ chờ các cụ cao tuổi có chức sắc đến làm lễ cúng báo cáo ông bà tổ tiên.

Mâm cỗ của người Dao thường không bày hoa quả nhưng có 3 mâm cỗ mặn. Mâm cỗ đầu tiên là thủ lợn trình báo với tổ tiên quá trình làm ăn trong một năm cũ về thành quả lao động một năm và cảm ơn " thần trời, thần đất" đã ban mưa thuận gió hòa để mùa màng tươi tốt, người nhà và dân bản được mạnh khỏe, no ấm. 

Chị Bàn Thị Hương (vợ anh Huy) đang vui vẻ nấu nhiều món ngon để cúng tổ tiên
Chị Bàn Thị Hương (vợ anh Huy) đang vui vẻ nấu nhiều món ngon để cúng tổ tiên

Mâm cỗ thứ hai, thứ ba lễ vật gồm có thịt gà, thịt vịt… người Dao cúng nhà ngoại, và nhà nội tức những gia chủ có bố, mẹ vợ hoặc chồng đã mất thì để tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn người đã sinh thành ra vợ, chồng mình.

Giống người H' mông, Tết năm cùng của người Dao làm bánh dầy. Bánh dầy được làm từ gạo nếp đồ thành xôi chín rồi đổ vào cối đá giã đến khi nào những hạt cơm nếp nhuyễn ra tạo thành một khối dẻo dứt không ra mới thôi. Sau đó bột được nặn thành từng cái bánh, kích cỡ linh hoạt, ăn với muối vừng.

Mâm cỗ dâng thủ lợn dành để cúng tổ tiên
Mâm cỗ dâng thủ lợn dành để cúng tổ tiên 
Ba mâm cỗ của người dân tộc Dao quần chẹt
Ba mâm cỗ của người dân tộc Dao quần chẹt

Trên bàn thờ phải có 5 chén để rót rượu, hai bát chân hương và không thể thiếu là một bát nước tượng trưng cho cho nước thiêng tổ tiên dùng để sinh hoạt.

Đối với người Dao, nghi lễ báo công phải mời các thầy cúng có chức sắc trong làng đến tham gia, họ là những người có mặt sớm nhất để lo cho buổi lễ khỏi thiếu sót. 

Sau đó, thầy cúng rót rượu và đếm tiền giấy cho tổ tiên. Tiền âm phủ này được đóng dấu hình tròn cho, được cho là "để tổ tiên cúng biếu người âm phủ và tiêu xài". Theo quan niệm người dân, mỗi ngôi mộ là một ngôi nhà, người âm có ba hồn bẩy vía thì ba hồn sẽ ở lại âm phủ trông coi nhà, bảy vía sẽ theo hương gạo về ăn tết cùng con cháu.

Sau khi cúng mời gia tiên xong gia chủ tổ chức bữa cơm mời anh em họ hàng đến hưởng lộc.

 
 
 
Thầy cúng đóng dấu vào những tờ giấy được cho là tiền âm phủ.
Thầy cúng đóng dấu vào những tờ giấy được cho là tiền âm phủ.
Các dấu ấn đã được thể hiện trên tờ giấy
Các dấu ấn đã được thể hiện trên tờ giấy

Trong đêm 30 Tết, lễ vật thắp hương của các gia đình người Dao quần chẹt chuẩn bị một con gà luộc chin để lên bàn thờ 6 chén nước. Sáng mùng 1, ngay khi khấn xong, gia chủ xin tổ tiên hạ lễ vật, chế biến ăn sớm.

Bữa cơm này chỉ gia đình ăn, "để hưởng lộc trước". Điều đặc biệt, từ ngày mùng 1 đến ngày rằm người Dao chẹt không cúng bất kì lễ vật nào, chỉ rót 5 chén nước chè và 1 chén nước lã dâng lên bàn thờ làm như vậy hai lần mỗi ngày.

Bàn thờ của người dân tộc Dao quần chẹt thường không có mâm ngũ quả như người dân tộc kinh
Bàn thờ của người dân tộc Dao quần chẹt thường không có mâm ngũ quả như người dân tộc kinh

Từ đời này sang đời khác, người Dao Quần chẹt ở Ba Vì, Hà Nội, vẫn giữ truyền thống làm lễ tạ ơn tổ tiên, nét văn hoá này trở thành phong tục truyền thống. Trong lễ này tất cả những khó khăn, vất vả, những mâu thuẫn, xích mích được dẹp bỏ, mọi thành viên trong gia đình dù xa, gần đều đến chung vui.

Đọc thêm