Nâng cao hiệu quả thi hành án hành chính

(PLO) -Thi hành án là công đoạn cuối cùng, bảo đảm cho bản án, quyết định Tòa án được chấp hành, góp phần thượng tôn pháp luật. Thời gian qua, công tác thi hành án dân sự (THADS) nói chung và thi hành án hành chính (THAHC) nói riêng đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực song vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tế. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính từ Tòa án sang cơ quan THADS để theo dõi chưa đầy đủ và kịp thời theo đúng quy định của Luật Tố tụng Hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, trong khi đây là cơ sở quan trọng, phát sinh trách nhiệm theo dõi THAHC của các cơ quan THADS. Ngoài ra, cơ quan THADS cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc phối hợp với Tòa án các cấp về cung cấp số liệu giải quyết của Tòa án. Tình trạng không chấp hành nghiêm bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính của một số cơ quan nhà nước đã và đang gây nên không ít bức xúc cho người dân, đặc biệt khi bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có nội dung tuyên không rõ ràng.

Tại một số bộ, ngành, địa phương, công tác THAHC chưa thật sự được quan tâm, phối hợp tích cực, chấp hành chưa nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo nên hiệu lực quản lý nhà nước về công tác này còn nhiều bất cập. Việc cung cấp số liệu thụ lý, xét xử các vụ án hành chính cũng như việc chuyển giao bản án hành chính của tòa án hành chính cho cơ quan THADS chưa kịp thời theo đúng quy định pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra việc THAHC chưa được chú trọng thực hiện nên chưa kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc đối với từng vụ việc để hỗ trợ về thủ tục hiệu quả cho công dân, cơ quan, tổ chức thực hiện quyền của mình cũng như chưa kịp thời hướng dẫn các cơ quan có trách nhiệm thi hành bản án, quyết định hành chính của Tòa án theo đúng quy định của pháp luật.

Để tháo gỡ phần nào những khó khăn trên, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác THAHC; quán triệt, nâng cao nhận thức của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện Luật Tố tụng Hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP. Mỗi địa phương cần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về THAHC đến đội ngũ công chức và các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao trách nhiệm và nhận thức về công tác này; siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động THAHC, kịp thời xem xét, xử lý nghiêm các trường hợp chậm thi hành án hoặc không chấp hành án.

Công tác kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo cần được tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là tại các địa phương có lượng vụ việc THAHC lớn, phức tạp, kéo dài. Từ đó, kịp thời phát hiện các sai phạm để chấn chỉnh, xử lý theo quy định, tránh tình trạng các bản án, quyết định hành chính có hiệu lực còn tồn đọng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị thiệt hại và gây bức xúc cho dư luận. Các địa phương cần thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác THAHC nhằm thống nhất việc áp dụng pháp luật về THAHC tại các cơ quan THADS địa phương trong cả nước, đồng thời nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ cho lãnh đạo, chấp hành viên các cơ quan THADS, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, góp phần đảm bảo chấp hành đúng pháp luật và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ về THAHC.

Một trong những giải pháp then chốt đó là tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với TAND trong chuyển giao bản án, quyết định đầy đủ, đúng thời hạn và trong cung cấp số liệu kết quả xét xử án hành chính của THADS các cấp trên địa bàn, đồng thời đề xuất, kiến nghị với VKSND cùng cấp trong việc kiểm sát việc chuyển giao bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính sang cơ quan THADS để theo dõi. Đối với những bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có nội dung tuyên không rõ, khó thi hành, các cơ quan THADS cần kịp thời kiến nghị Tòa án có thẩm quyền giải thích rõ ràng, cụ thể nhằm đảm bảo việc theo dõi THAHC của các cơ quan THADS kịp thời, đúng quy định. Ngoài ra, cần theo dõi, đôn đốc thực hiện nghiêm túc, kịp thời và đảm bảo chất lượng chế độ  báo cáo, thống kê về công tác THAHC.

Về lâu dài, trên cơ sở tống kết thi hành Luật Tố tụng Hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, cần nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về THAHC nhằm tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Theo đó, cần thiết xây dựng và ban hành Luật THAHC để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính cũng như nâng cao kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan nhà nước trong hoạt động THAHC.

Đọc thêm