Nâng cao khả năng tiếp cận công lý cho phụ nữ bị bạo hành

(PLO) - Sáng qua (22/3), Bộ Tư pháp đã phối hợp với Cơ quan Phụ nữ của Liên Hợp quốc (UNWomen) tổ chức Hội thảo Góp ý dự thảo Báo cáo khảo sát nhận thức về quyền tiếp cận công lý của phụ nữ bị bạo hành. Qua đó, nhằm đề xuất các giải pháp, kiến nghị để nâng cao nhận thức của phụ nữ và tăng cường việc thực thi các quyền lợi hợp pháp cho đối tượng này. 
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu phát biểu tại hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu phát biểu tại hội thảo.

Nhiều vụ bạo lực không được trình báo và không bị truy tố

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu chỉ rõ thực tế hiện nay, sự phân biệt đối xử với phụ nữ vẫn tồn tại ở nhiều nơi dưới nhiều hình thức khác nhau. Phụ nữ phải đối mặt với tình trạng bị đối xử bất bình đẳng ở nhiều lĩnh vực mà một trong những biểu hiện rõ ràng nhất đó là tình trạng bạo lực với phụ nữ. Những nghiên cứu gần đây của Bộ Tư pháp đã chỉ ra rằng, phụ nữ bị bạo hành phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công lý, tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng. Điều này gây ra ảnh hưởng tiêu cực cho phụ nữ bị bạo hành nói riêng và sự phát triển của toàn xã hội nói chung.

Gần 1/3 phụ nữ đã từng kết hôn cho biết đã trải qua bạo lực thể xác, khoảng 10% bị bạo lực tình dục và trên 50% từng bị bạo lực tinh thần là những con số đáng lo ngại được Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC) công bố trong một nghiên cứu tại Việt Nam. Các nghiên cứu quy mô nhỏ khác cho thấy tình trạng bạo lực xảy ra ở ra ở tất cả các cấp như trong gia đình, trong cộng đồng, trong nước và ngoài nước. Nó bao gồm bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và kinh tế; bạo lực gia đình, hiếp dâm và xâm hại tình dục, quấy rối tình dục, buôn bán, cưỡng ép kết hôn, tảo hôn và các hình thức khác.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng rất nhiều vụ bạo lực đối với phụ nữ không được trình báo và không bị truy tố, cũng như số nạn nhân có nhu cầu hỗ trợ bảo vệ và khắc phục không được ghi nhận và không được đáp ứng chiếm tỷ lệ phần trăm cao. Nghiên cứu tỷ lệ bỏ cuộc cũng cho thấy trong những vụ hiếp dâm mà phụ nữ trình báo, hơn một nửa đã bỏ cuộc trong quá trình điều tra. Hầu hết bạo lực tình dục đối với phụ nữ do nam thực hiện được biết đến là bạn tình, thành viên trong gia đình, đồng nghiệp, hàng xóm hoặc người quen. Điều này tạo nên cả sự rủi ro và cả khó khăn đối với nạn nhân trong quá trình theo đuổi công lý.

Quan điểm về bạo lực còn chưa thống nhất

Khuôn mẫu giới ảnh hưởng đến việc diễn giải, suy luận và áp dụng pháp luật hình sự của cán bộ tư pháp và tạo ra những trở ngại lớn mà phụ nữ phải đối mặt khi trình báo về bạo lực và khi tìm kiếm hỗ trợ trong hệ thống tư pháp hình sự. Báo cáo cũng chỉ rõ, các cán bộ tư pháp hình sự chỉ tập trung vào liệu nạn nhân có đáng tin hay không dựa trên tính cách, ngoại hình, hành vi và công việc của nạn nhân hơn là sự đáng tin của vụ việc được trình báo. Phụ nữ làm nghề mại dâm đã từng cố gắng trình báo về việc các vụ hiếp dâm nhưng công an thường không tin họ.

Thái độ tha thứ của cán bộ thực thi pháp luật vẫn còn phổ biến, gồm quan điểm cho rằng bạo lực gia đình là vấn đề riêng tư, việc giữ cho gia đình sống cùng nhau là vấn đề ưu tiên và họ cho rằng phụ nữ không được từ chối nhu cầu tình dục của chồng. Đa số các cán bộ tiến hành tố tụng đều cho rằng không phải mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ đều là hành vi phạm tội. Một nhóm các cán bộ công an bày tỏ quan ngại rằng bạo lực tinh thần và bạo lực tình dục thường không đủ cấu thành để xử hình sự. 

Hệ thống pháp lý chưa khuyến khích được phụ nữ, nhiều nạn nhân không trình báo với công an hay cơ quan khác vì cảm giác xấu hổ, ngại ngần hoặc sợ hãi, bạo lực gia đình có tỷ lệ hòa giải cao. Ngoài ra, một số nạn nhân đã đề cập đến sự cần thiết phải có hỗ trợ pháp lý nhưng rất ít người nhận được các dịch vụ hoặc cách tiếp cận các dịch vụ này, hoặc nếu biết nhưng không tiếp cận được vì lo ngại rằng sẽ phải trả phí dịch vụ. 

Để khắc phục tình trạng phân biệt đối xử đối với phụ nữ, một trong những giải pháp hữu hiệu là thay đổi và nâng cao nhận thức của nạn nhân và các chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm quyền của phụ nữ, trong đó có cán bộ thực thi pháp luật và người dân. Đại diện TAND thành phố Hà Nội cho rằng để có thể thực sự trở thành cầu nối giúp phụ nữ tiếp cận công lý thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền không nên chỉ ngồi đợi nạn nhân đến báo cáo vụ việc mà hãy chủ động tìm cách tiếp cận, cung cấp thông tin cho họ để tâm sự, tư vấn và tìm cách giải quyết kịp thời.

Còn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Bắc Từ Liêm đề xuất biên soạn Bộ tài liệu tích hợp các quy định pháp luật liên quan đến các quyền tiếp cận công lý của phụ nữ nói chung và phụ nữ bị bạo hành nói riêng để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống bạo lực với phụ nữ.

Đọc thêm