Ngày đầu tiên bắt buộc mang khẩu trang ở TP HCM: Nhiều người vẫn thờ ơ

(PLVN) -Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 16/3 toàn dân bắt buộc mang khẩu trang nơi công cộng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PLVN tại TP.HCM, nhiều người dân vẫn còn khá thờ ơ với quy định này.
Ngày đầu tiên bắt buộc mang khẩu trang ở TP HCM: Nhiều người vẫn thờ ơ

Các tòa nhà, trung tâm thương mại tuân thủ khá tốt

Trong ngày đầu tiên thực hiện, tại những nơi công cộng đã xuất hiện hình ảnh người dân đeo khẩu trang nhiều hơn những ngày trước đó. Cụ thể, tại Trung tâm thương mại Giga Mall (Phạm Văn Đồng,Thủ Đức), các bảo vệ, nhân viên bán hàng hầu hết đều mang khẩu trang. Những người dân ra vào, mua sắm nơi đây cũng đa phần đeo khẩu trang cả khi mua sắm. 

Du khách có người đeo, người không.
Du khách có người đeo, người không.  

Chị Nguyễn Thị Mỹ Trang, 41 tuổi, kinh doanh cửa hàng điện thoại di động, ngụ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh) cho biết, chị đã đọc thông tin trên báo về việc bắt buộc đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng từ 16/3. Trước đó, khi đi ra ngoài chị có lúc đeo, lúc không, nhưng từ khi biết có quy định bắt buộc, chị đã trang bị đầy đủ khẩu trang cho cả gia đình và nhắc nhở mọi người ra đường nhớ mang khẩu trang.

Sau khi phổ biến quy định thì khách đeo khẩu trang đầy đủ
Sau khi phổ biến quy định thì khách đeo khẩu trang đầy đủ  

Tại các siêu thị, nơi tập trung đông người, hầu hết đều có trang bị nước rửa tay và tấm biển nhắc nhở người dân đeo khẩu trang. Tại siêu thị Emart, một siêu thị Hàn Quốc quy mô hàng đầu quận Gò Vấp, tất cả các nhân viên siêu thị đều chấp hành tốt, hơn 90% người dân đi siêu thị đều đeo khẩu trang

Tại tòa nhà Bitexco, quận 1, cũng ghi nhận được sự chấp hành khá nghiêm quy định khi hầu hết bảo vệ, nhân viên tòa nhà lẫn nhân viên văn phòng, khách ra vào đều có đeo khẩu trang. Tuy nhiên, một vài trường hợp đơn lẻ người nước ngoài không đeo.

Du khách lẻ thì vô tư đi dạo không đeo khẩu trang.
Du khách lẻ thì vô tư đi dạo không đeo khẩu trang.

Việc chấp hành đeo khẩu trang nơi công cộng cũng được khách du lịch đi theo đoàn thực hiện khá tốt. Tại khu vực quận 1, hầu hết các đoàn khách du lịch nước ngoài đều có mang khẩu trang. Anh Trần Văn Hoàng, hướng dẫn viên tự do đang dẫn một đoàn khách châu Á, chia sẻ, trước đến nay anh luôn đeo khẩu trang khi dẫn khách du lịch, nhưng nhiều du khách nước ngoài không có thói quen đeo khẩu trang nên anh cũng chiều khách.

Tuy nhiên, sau khi có quy định của Chính phủ, anh Hoàng đã liên tục nhắc nhở các đoàn khách của mình và “dọa” họ sẽ bị phạt nếu không đeo, Chính phủ chỉ muốn tốt cho sức khỏe người dân… nên các du khách đã bắt đầu có ý thức đeo khẩu trang khi đi tham quan.

Muôn lý do khi... người dân không đeo khẩu trang

Ngược lại với khách du lịch theo đoàn, du khách nước ngoài nhỏ lẻ hầu như để mặt trần khi đến các nơi công cộng. Robert, một du khách đến từ Mỹ đi cùng bạn gái, cho biết, anh không biết đến quy định này, cũng chẳng ai nói cho nghe nên cả hai đều không đeo khẩu trang. Khi được hỏi biết quy định rồi có đeo trong những ngày tới không, Robert cười nói “sẽ cân nhắc”.

Các lái xe này cho rằng bỏ khẩu trang nói chuyện cho dễ thở.
Các lái xe này cho rằng bỏ khẩu trang nói chuyện cho dễ thở. 

PGS. TS Trần Văn Ngọc - Chủ tịch Hội hô hấp TP.HCM:

Người dân cần tuân thủ quy định đeo khẩu trang nơi công cộng để góp phần hạn chế dịch bệnh. Tuy nhiên, không nhất thiết phải đeo khẩu trang y tế. Hiện, các đối tượng cần đeo khẩu trang y tế là bác sĩ, nhân viên y tế, những người chăm sóc bệnh nhân và những người chăm sóc y tế. Người dân chỉ cần đeo khẩu trang vải ôm sát phần mũi, đúng quy cách y tế là được.

Cạnh đó, người dân cần chú ý thường xuyên rửa tay và rửa tay đúng cách. Cần giữ khoảng cách an toàn với những người đang ho, hắt hơi… Đồng thời, khi bản thân có dấu hiệu cảm, ho, sốt cần hạn chế đi ra nơi công cộng, có ý thức giữ gìn lây nhiễm cho mọi ngườ

Tương tự, nhiều người dân lao động đang làm việc tại các cửa hàng bán lẻ trên đường phố, người dân tụ tập tại các công viên… hầu hết không đeo khẩu trang. Khi được hỏi, hầu hết trả lời “không biết có quy định này”.

Riêng nhiều người vô gia cư, bán vé sổ hay lao động tay chân thì cho biết, từ đầu mùa dịch họ đã không đeo khẩu trang cho đến nay, lý do là khẩu trang quá mắc và khó tìm nên không mua được để đeo (!).Tương tự, tình trạng “người đeo người không” diễn ra tại rất nhiều địa điểm công cộng trên toàn thành phố. Tại bến xe miền Đông, khu vực nhà chờ, người dân ngồi đợi chỉ có khoảng hơn 50% đeo khẩu trang, số còn lại vẫn vô tư. Tình hình khả quan hơn trên các chuyến xe. Lo sợ khi tiếp xúc quá gần nên hầu hết hành khách đều có đeo khẩu trang các loại. Các địa điểm khác trạm xe bus, Bưu điện Thành phố, nhà thờ Đức Bà… cũng ghi nhận tình trạng “người đeo người không”.

Một lý do khác khiến nhiều người dân không đeo khẩu trang khi ra đường đó là… cảm thấy ngợp. Một tài xế taxi đậu xe trước khu vực Bưu điện thành phố cho biết, anh có mang khẩu trang khi lái xe chở khách. Nhưng khi đậu xe, tập trung trò chuyện với các tài xế bên đường thì tháo ra cho dễ thở (!).

Nhân viên và khách hàng ở siêu thị đều đeo khẩu trang.
Nhân viên và khách hàng ở siêu thị đều đeo khẩu trang.

Như vậy, tình hình người dân mang khẩu trang ra đường ở ngày đầu của quy định có cải thiện đôi chút, nhưng căn bản vẫn chưa thể là một thói quen, do nhiều nguyên nhân. Hy vọng những ngày sắp tới, ý thức người dân sẽ được nâng cao hơn do việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền và công tác bình ổn giá khẩu trang.

Đọc thêm