Ngày về của những người vỡ mộng từ 'miền đất hứa'

(PLO) - Mặc dù được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động, chỉ rõ âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động FULRO nhưng một số người dân tộc thiểu số ở tỉnh Gia Lai vẫn nhẹ dạ cả tin, nghe lời các đối tượng xấu dụ dỗ, lừa phỉnh để vượt biên sang Campuchia mang theo ước vọng đổi đời để rồi mừng tủi trở về khi vỡ mộng về “miền đất hứa”. 
Ksor Vin giờ ở nhà nuôi bò, không mơ về “miền đất hứa” nữa.
Ksor Vin giờ ở nhà nuôi bò, không mơ về “miền đất hứa” nữa.

Vỡ mộng về “miền đất hứa”

Cô gái trẻ Kpui H’Tuyết (19 tuổi, ở làng Trol Đeng, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, Gia Lai) vừa được Campuchia trao trả qua cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh cho hay, đầu tháng 7/2015,  H’Tuyết được người anh họ rủ rỉ nói về “miền đất hứa” ở tận… bên kia bán cầu (nước Mỹ) với những công việc nhẹ nhàng, kiếm được nhiều tiền. Ở đó, nông dân như H’Tuyết không phải cầm cái cuốc “mặt cắm xuống đất, lưng chổng lên trời” làm lụng vất vả quanh năm nhưng vẫn có nhà cao, cửa rộng và cuộc sống sung túc. Tuy nhiên, muốn đến được “miền đất hứa”, trước hết phải tập trung vượt biên sang Campuchia, rồi ở đó chờ thời cơ để tiếp tục cuộc hành trình. Nghe lời lôi kéo, dụ dỗ của kẻ xấu, H’Tuyết “gom” 2 triệu đồng dành dụm bấy lâu nay, rồi lén lút trốn người thân vượt biên giới.

Trái ngược với những lời kể của ông anh họ, ngay từ khi đặt chân sang đất Campuchia, hy vọng đổi đời của cô gái trẻ đã sụp đổ hoàn toàn. H’Tuyết bị đưa vào một khu vực nhiều người gọi là “trại tị nạn” để tá túc. Nơi đất khách, quê người mọi thứ đều lạ lẫm với cô gái mới lớn, H’Tuyết được sắp xếp ở chung với 6 người không quen biết nhưng cùng hoàn cảnh trong căn phòng nhỏ. Không biết tiếng Campuchia, không có việc làm, đói khát, khổ cực cộng thêm nỗi nhớ quê hương, gia đình tưởng chừng làm cô gục ngã. Song hy vọng về một ngày được trở về đất mẹ đã khiến H’Tuyết vững niềm tin để tiếp tục cố gắng vượt qua.

Giống H’Tuyết, tin vào cuộc sống sung sướng ở “bển” do bọn xấu dụ dỗ nên mặc dù vợ đã có bầu 2 tháng, anh Ksor Vin (ở làng Yam, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) cũng hăm hở vượt biên sang Campuchia. Khi sang đến đất Campuchia, do không biết tiếng bản địa và đường đi lối lại nên Ksor Vin phải làm đủ thứ việc để đổi lấy chén cơm qua ngày. Vin làm quần quật từ sáng tới tối, với hàng tá công việc từ khuân vác đồ nặng đến xúc rác, dọn nhà vệ sinh… Sau những ngày lang thang vô nghĩa, Vin được nhận vào “trại tị nạn” nhưng cuộc sống cũng chẳng khá hơn là bao. Trai tráng sức dài vai rộng nhưng mỗi tuần Ksor Vin chỉ được cấp 1kg gạo, muốn ăn sao thì ăn, sống sao thì sống. 

Quãng thời gian trong “trại tị nạn” Campuchia là những ngày tháng không thể nào quên đối với những người theo đuổi “miền đất hứa” như Kpui H’Tuyết và Ksor Vin. Bởi họ gần như bị bỏ đói, bỏ khát và giam lỏng trong khu nhà tạm bợ nhếch nhác chờ tới phiên phỏng vấn để được sang nước thứ ba. Chuỗi ngày cùng cực chỉ kết thúc khi một số người may mắn được hồi hương về Việt Nam, trở về trong vòng tay yêu thương của cộng đồng.

Ngày trở về của những người lầm lạc

Năm 2016, tỉnh Gia Lai có 160 trường hợp hồi hương, phần đông đã tích cực lao động sản xuất, ổn định cuộc sống. Trong đó, 56 gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã được chính quyền tạo điều kiện cho vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi, lương thực, thực phẩm, giúp bà con vững tin xây dựng cuộc sống mới.

Có mặt tại cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Gia Lai) trong buổi tiếp nhận 16 đối tượng bị kẻ xấu xúi giục vượt biên sang Campuchia, chúng tôi cảm nhận được niềm vui ngày sum họp. Trong số 16 người được phía Campuchia trao trả lần này, có 8 người ở tỉnh Gia Lai và 8 ở tỉnh Đắk Lắk, họ cứ thế ôm lấy người thân khóc nức nở. Niềm vui của những đứa con “lầm đường, lạc bước” khi được trở về với vòng tay cộng đồng không thể nào tả hết được. Ngay khi được tin con gái mình trở về, ông Kpui Pon (bố của H’Tuyết) đã chạy xe máy lên đứng đợi ở cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh từ sáng tinh mơ. Trò chuyện với chúng tôi, ông Kpui Pon nghẹn ngào cho biết: “Con về là mình mừng lắm rồi. Cũng tại vì gia đình thiếu quan tâm, không nhắc nhở giáo dục con nên mới bị kẻ xấu, bọn phản động xúi giục vượt biên trái phép. Nó về rồi, chắc chắn mình sẽ nói nó “bắt chồng” để ở nhà lo làm ăn thôi…”.

Ông Kpui Pơi - Trưởng thôn làng Troldeng, thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ) chia sẻ: “Ở đây, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn nên các đối tượng xấu đã lợi dụng xúi giục vượt biên trái phép. Bà con trở về cũng là “nhân chứng sống” để kể lại với những người dân trong làng hiểu về những tháng ngày đói khổ bên xứ lạ. Như thế người dân mới thấy được cái đúng, cái sai để từ bỏ ý định viển vông ấy. Trong những buổi họp thôn, họp làng sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhắc nhở, giáo dục để người dân không còn bị kẻ xấu lợi dụng lừa phỉnh tự làm khổ mình...”.

Trở về đoàn tụ với gia đình, Ksor Vin được chính quyền địa phương và bà con buôn làng tạo điều kiện giúp đỡ, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Mặc dù đang trong cảnh trắng tay nhưng vợ chồng Vin vẫn được mọi người yêu thương cho mượn tiền để mua heo, bò giống phát triển chăn nuôi, cải tạo vườn tạp. Với nguồn vốn là 2 con bò, 5 sào cây cà phê, chắc chắn rồi đây cuộc sống của gia đình nhỏ này sẽ có nhiều thay đổi tích cực. Và điều quan trọng là sau lần vỡ mộng “miền đất hứa”, những người nhẹ dạ cả tin như Ksor Vin, Kpui H’Tuyết sẽ sáng suốt hơn, cảnh giác hơn không để cho kẻ xấu xúi giục, dụ dỗ làm những việc vi phạm pháp luật.

Đọc thêm