Ngỡ ngàng với Triển lãm “Hội hoạ Truyện Kiều” của Hoạ sỹ Nguyễn Tuấn Sơn

(PLVN) - Trong suốt 21 năm, hoạ sỹ Nguyễn Tuấn Sơn đã dành đam mê để sáng tác hơn 5.000 bức tranh và phác thảo về Truyện Kiều của Nguyễn Du. 
Khán giả rất ấn tượng với các bức vẽ về Truyện Kiều tại Triển lãm.
Khán giả rất ấn tượng với các bức vẽ về Truyện Kiều tại Triển lãm.

Triển lãm trưng bày 96 tác phẩm “Hội họa Truyện Kiều” của hoạ sĩ Nguyễn Tuấn Sơn tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được khai mạc sáng nay (21/11) với sự tham dự của lãnh đạo nhiều Bộ, Ban ngành Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh và người đam mê hội hoạ.

Triển lãm tranh “Hội họa Truyện Kiều” là một trong những sự kiện nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 255 ngày sinh và 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du do Hội đồng Gia tộc họ Nguyễn Tiên Điền và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức.

Cắt băng khai mạc triển lãm.
 Cắt băng khai mạc triển lãm.

Phát biểu tại buổi lễ, đại diện cho dòng họ Nguyễn Tiên Điền, ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, chia sẻ, không chỉ Gia tộc họ Nguyễn Tiên Điền mà lãnh đạo UBND huyện Nghi Xuân đều rất trân trọng những đóng góp, sáng tạo của Hoạ sỹ Nguyễn Tuấn Sơn. Bằng tất cả sự thấu hiểu và đam mê Truyện Kiều, họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn đã truyền đi cảm hứng sáng tạo của hội họa hiện đại vào những bức vẽ, góc nhìn đậm chất Việt, góp phần mang đến cái nhìn tinh tế đầy nghệ thuật về Truyện Kiều của Nguyễn Du. Đó là điều rất trân quý.

Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, bày tỏ sự trân quý những sáng tạo và đóng góp của Hoạ sỹ Nguyễn Tuấn Sơn
Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, bày tỏ sự trân quý những sáng tạo và đóng góp của Hoạ sỹ Nguyễn Tuấn Sơn

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu về  Truyện Kiều, đã có rất nhiều danh họa Việt Nam vẽ Kiều, đó là những tài năng: Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân... nhưng bằng những nghiên cứu và tìm tòi sáng tạo, họa sĩ trẻ Nguyễn Tuấn Sơn đã “dấn thân” vào đề tài này với cái nhìn và cách vẽ rất đặc biệt.

Các tác phẩm của anh không chỉ minh họa tác phẩm Truyện Kiều mà là vẽ theo xúc cảm, cảm hứng, những nét vẽ trừu tượng khiến người xem tranh phải soi kỹ nhiều lần, khám phá từng đường nét của bức họa và không ngừng tưởng tượng.

Triển lãm thu hút sự quan tâm của đông đảo người trẻ yêu hội hoạ.
 Triển lãm thu hút sự quan tâm của đông đảo người trẻ yêu hội hoạ.

Tranh Kiều của Nguyễn Tuấn Sơn còn là sự kết hợp giữa hội họa phương Tây và những giá trị mỹ thuật dân tộc. Ẩn hiện trong những nét màu rất mạnh và rất sắc của anh là những đường nét của điêu khắc đình làng, của mỹ thuật chùa chiền và màu sắc của các lễ hội; thấp thoáng đâu đó hình dáng của các nhân vật trong các vở chèo, vở tuồng truyền thống…

Cách hiểu của Nguyễn Tuấn Sơn về Truyện Kiều qua các bức tranh của anh là một nhận thức mới, hiện đại, tránh được những áp đặt trong quá khứ. Các bức tranh của anh đem lại cho người thưởng lãm những giá trị nhân văn mới từ góc nhìn hội họa, khiến họ thay đổi ít nhiều cách nghĩ quen thuộc về các nhân vật trong Truyện Kiều, nhìn ngắm họ từ nhiều khuôn mặt của cuộc đời, thêm những nỗi cảm thông với những thân phận bị cuộc đời hắt hủi, đày đọa.

Các bức tranh Kiều của Hoạ sỹ Nguyễn Tuấn Sơn gây ấn tượng mạnh với người xem tranh.
Các bức tranh Kiều của Hoạ sỹ Nguyễn Tuấn Sơn gây ấn tượng mạnh với người xem tranh.

Hơn hai mươi năm sáng tác tranh lấy cảm hứng từ Truyện Kiều, họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn đã có nhiều hoạt động gắn với Truyện Kiều như vẽ minh họa kết hợp với thư pháp chữ Nôm của nhà nghiên cứu Châu Hải Đường viết, triển lãm tranh cảm hứng từ các nhân vật trong Truyện Kiều, đem các tác phẩm vẽ về Truyện Kiều giới thiệu tại nước ngoài… Anh cũng dành rất nhiều thời gian để sưu tầm các tư liệu liên quan về Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Nhiều người dừng lại rất lâu trước từng bức vẽ của Hoạ sỹ Nguyễn Tuấn Sơn.
Nhiều người dừng lại rất lâu trước từng bức vẽ của Hoạ sỹ Nguyễn Tuấn Sơn.

Chia sẻ cảm xúc của mình tại Triển lãm, hoạ sỹ Nguyễn Tuấn Sơn xúc động cho biết: "Tôi luôn quan niệm rằng, vẽ minh họa "Truyện Kiều" không đơn giản là sự thỏa mãn cá nhân, mà xa hơn, đây là một phương tiện hữu ích cho giáo dục đương thời, thúc đẩy sự sáng tạo trong mỹ thuật, lan tỏa những giá trị văn hóa của "Truyện Kiều" trong thời đại mới".

Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn sinh năm 1978 tại Thái Bình, tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Anh bắt đầu sáng tác tranh lấy cảm hứng từ "Truyện Kiều" từ năm 1999.

Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn sinh năm 1978 tại Thái Bình, tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Anh bắt đầu sáng tác tranh lấy cảm hứng từ "Truyện Kiều" từ năm 1999. 

Điều anh tâm đắc nhất ở “Truyện Kiều” và muốn chuyển tải vào các tác phẩm của mình đó là giá trị nhân văn. Anh cũng mong muốn với cách nhìn mới mẻ của mình sẽ góp phần thúc đẩy các tranh luận xung quanh “Truyện Kiều”.

Người hoạ sỹ đươc mệnh danh là “Sơn Kiều” này cũng chia sẻ, suốt 21 năm sáng tác tranh về Truyện Kiều, anh chưa từng bán một bức tranh Kiều nào, mà để dành hết lại, kết tinh cho sự lựa chọn triển lãm hôm nay. “Không biết tự khi nào, Truyện Kiều đến với tôi như một mối lương duyên, như là bản mệnh, song hành cùng tôi trong quãng đời của kiếp nhân sinh. Từ mối duyên ấy, sâu trong tâm khảm, từng nét hoạ như đặt những thăng hoa cảm xúc vào từng nhân vật bằng niềm thấu hiểu sâu sắc nhất trong tôi” - Hoạ sỹ bộc bạch.

Triễn lãm “Hội hoạ Truyện Kiều” sẽ diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học đến hết ngày 23/11.

Đọc thêm