Ngổn ngang mùa dịch

(PLVN) - Hôm anh về quê giỗ bố, về được đến nửa đường, nghe cuộc gọi của anh ba: “Thôi, nhà mình làm giỗ giản dị lắm, em đừng về nhé, mất công mất sức, cứ ở lại thành phố lo công việc, ở đây có các anh chị lo rồi”. Anh ngạc nhiên quá vì trước nay chưa từng có chuyện này, anh trả lời: “Em đang lái xe, được nửa đường về nhà rồi”. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Anh ba lúng ta lúng túng, nói một lát thì anh hiểu ra. Hóa ra, anh đang sống trong một thành phố vừa có người mắc bệnh dịch. Ở quê mọi người ngại anh về, giỗ đông đúc, lỡ có chuyện gì… “Anh chị và các cháu thì không ngại gì đâu, nhưng còn có bà con, anh em, chòm xóm. Anh chỉ sợ em về rồi họ ngại, họ không đến giỗ nữa thì cỗ bàn chuẩn bị lại phí, rồi mất vui. Thôi em đừng buồn, chịu khó, mùa dịch này nó thế, sang năm lại vui vẻ cả thôi”.

Anh lặng lẽ quay xe lại. Quả thật, sang năm lại vui vẻ cả, nhưng liệu nó như một cái dằm nhỏ nhỏ trong lòng, cứ mỗi mùa giỗ nó sẽ thoáng nhắc anh nhớ lại mình đã bị cả nhà, cả họ từ chối cho về ăn giỗ bố, vì sinh sống ở một thành phố có người dương tính với virus Corona? 

Anh lái xe đi mãi, hai bên đường là cánh đồng lúa trải ngút ngàn, xanh mát mắt. Anh đậu xe vào chỗ khuất, đi đến một bóng cây, ngồi tựa vào gốc cây đang đổ bóng mát dài, nhìn ra biển lúa ngoài kia. Những ngày này, thành phố dường như làm anh thấy ngợp thở. Không còn những đoàn xe ách tắc nối đuôi nhau dài vun vút cả giờ đồng hồ. Không còn người đông như nêm ở nhà hàng, quán xá. Nhưng đi đâu cũng thấy người ta xôn xao, thu gom, tích trữ.

Một nhân viên của anh kể, vợ anh này đi taxi mang về 2 thùng bún khô, 4 thùng mì, 50 kg gạo và 10 cây giấy vệ sinh. Câu chuyện nghe có vẻ ngớ ngẩn và gây cười, nhưng thực tế trong thành phố này, bao nhiêu bà nội trợ đang ngược xuôi chạy đi gom hàng, trữ đồ? Có lẽ, cũng xuất phát từ nỗi sợ cho gia đình, nhỡ có chuyện gì lại đói.

Hôm kia, trên đường anh đi làm về, có một người bỗng ngã xuống ven đường. Người ấy nằm yên, bất động. Chung quanh đứng xem, quây thành một vòng tròn, nhưng không một ai dám bước vào vòng tròn ấy để xem anh ta thế nào. Anh đã tấp xe vào lề đường, đeo khẩu trang y tế, găng tay lái xe bước đến. Hóa ra là một người say rượu, anh ta ngã, đập đầu vào bồn hoa, trán đang chảy máu ròng ròng. Anh gọi xe cấp cứu. 

Anh chợt nhớ, người bạn anh kể, mấy hôm trước anh ấy vừa gọi đến đường dây nóng tố người hàng xóm có con gái mới đi du lịch Nhật về nước. Có người đến kiểm tra, nhưng hóa ra, lo sợ dịch, cô gái này đã hủy chuyến đi Nhật, mấy ngày qua đã thay thế bằng chuyến đi Nha Trang thăm người thân mới về. Thế là tình hàng xóm vốn tốt đẹp, hai nhà từng ăn chung, nhậu chung, nay rạn nứt. “Tôi biết là khó coi, nhưng phải tuân thủ nguyên tắc y tế chứ, tôi phải bảo vệ gia đình mình”, anh bạn nói. 

Anh thở dài. Có lẽ, trong tất cả những chuyện này, chẳng có sai, có đúng. Làng quê của anh đang yên bình, và người ta sợ anh, một người thành phố có người nhiễm dịch, giao du rộng sẽ vô tình phá nát cái cuộc sống vốn đang vô lo của họ. Những người phụ nữ chạy đôn chạy đáo, réo gọi nhau đi mua hàng, dự trữ thức ăn, biến ngôi nhà thành nhà kho, thì cũng xuất phát từ sự lo lắng cho gia đình, muốn cả nhà được vẹn toàn, được bảo đảm “sống sót” lỡ khi dịch tràn tới. Dẫu cho rằng, nếu thật sự có những biến cố lớn thì vài thùng mì chắc gì cứu được họ? 

Cả người bạn anh nữa, anh ấy cũng không sai khi gọi “tố” con gái nhà hàng xóm mới vùng dịch trở về, bởi vì cẩn tắc vô áy náy, bởi vì “lỡ ra…” thì hậu quả là cách ly toàn khu, đình trệ mọi hoạt động, hậu quả xấu hơn nữa, là nhiễm bệnh.

Rồi sẽ qua thôi, anh thầm nghĩ. Tất cả sẽ trở lại như trước, xuống đáy rồi sẽ phải đi lên, cuộc sống là như thế. Anh đã nghĩ rất nhiều để tránh nghĩ đến chuyện của mình. Anh tự lập nghiệp đã 5 năm nay. Năm năm, anh ít ngủ, lao đầu vào làm việc quên cả sức khỏe, để có một sự nghiệp kinh doanh khá ổn định. Nhưng chỉ một cơn dịch này, anh đang mất dần những thứ đang có. Một chuỗi 3 quán cafe - nhà hàng rơi vào ế ấm. Nhân viên đã cho nghỉ việc không ít, nhưng hàng tháng, tiền mặt bằng lại khiến anh mất ăn, mất ngủ. 

Anh lại nhìn ra ruộng lúa bát ngát, thầm nghĩ, cuối tháng này anh có một chuyến xuất ngoại bắt buộc để giải quyết vấn đề công việc. Khi trở về, có lẽ sẽ phải cách ly. Nếu như thế, anh có thể có lựa chọn khác thay vì khu cách ly tập trung không? Anh còn nhớ, gần cánh đồng này có nhà một người bạn rất thân, người mà anh từng giúp tiền để mua cây giống, xây dựng một trang trại nhỏ. Liệu anh có thể xin một căn chòi lá ngoài mé sông, rồi cách ly ở đó, giữa sông, nước, cây cối, nắng và gió trời?

Có cuộc điện thoại gọi đến, là chủ mặt bằng anh đang thuê. Ông ấy đã đồng ý với đề xuất của anh, giảm nửa số tiền mặt bằng. “Vợ chồng tôi bàn rồi, số tiền hàng tháng chú có thể đóng một ít, còn lại tôi cho nợ để mà xoay sở, qua dịch rồi thì trả. Vợ chồng tôi vẫn còn tiền tiết kiệm dư để xài, mình hỗ trợ nhau cho qua khó khăn”.

Anh cúp máy, mỉm cười, lại nhìn ra cánh đồng lúa, thấy nỗi lo của mình cũng đang vơi đi phân nửa. Thôi hãy coi như đây là đợt nghỉ dài để anh nhìn lại mình, bớt tham công tiếc việc, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, cho chính mình.

Ừ thì, dù thế nào đi nữa, con người vẫn phải đi về phía trước. Miễn là còn sống, còn mạnh khỏe, còn thương yêu, dẫu có trắng tay cũng có thể làm lại từ đầu. Anh gọi cho vợ, bảo tối nay cả nhà mình ăn bữa ngon nhé. Và lái xe thẳng về nhà.

Đọc thêm