Người bị oan mòn mỏi đợi trả lại tài sản

(PLO) - Việc trả lại tài sản cho người bị thiệt hại đã được quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (TNBTCNN) năm 2009. Tuy nhiên, trên thực tế, không nói đến việc được bồi thường cho những thiệt hại về vật chất, tinh thần thì ngay cả việc trả lại tài sản cho người bị oan không hề nhanh chóng…
Ông Ngừng trong ngày được VKSND tỉnh xin lỗi công khai.
Ông Ngừng trong ngày được VKSND tỉnh xin lỗi công khai.

Không dễ lấy lại tài sản

Dồn toàn bộ khối tài sản có được trong tay đầu tư vào một nhà máy gạch, nhưng bất ngờ ông Trần Văn Sơn (SN 1961, trú tại 506/15/14, đường 3/2, phường 14, quận 10, TP HCM) bị Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố về tội “Trốn thuế” và bị tạm giam từ ngày 9/6 – 30/9/2010. Ông Sơn đã làm đơn kêu oan gửi các cơ quan chức năng. Sau một thời gian xem xét lại toàn bộ vụ việc, ngày 16/12/2011, VKSND huyện Vĩnh Cửu đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can với lý do ông Trần Văn Sơn không có hành vi gian dối để trốn thuế.

Thế nhưng phải đến gần 5 năm sau, năm 2015, ông Sơn mới chính thức nhận được quyết định giải quyết bồi thường thiệt hại của Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Nai. Theo đó, ông Sơn được bồi thường thiệt hại với số tiền 400 triệu đồng (bao gồm gần 40 triệu đồng là tiền thiệt hại do tổn thất về tinh thần, 68 triệu đồng bồi thường tiền thu nhập thực tế bị mất, hơn 77 triệu đồng thiệt hại do tài sản bị xâm phạm và hơn 215 triệu đồng tiền bồi thường khác).

Tuy nhiên, quá trình giải quyết bồi thường trên đã “lờ” đi đến việc hoàn trả cho ông Sơn 23 loại tài sản và nhà máy gạch mà trong thời gian ông Sơn đang bị tạm giam, Phòng PC46 buộc ông phải bàn giao trái pháp luật vào ngày 9/8/2010 cho Công ty TNHH Tân Thuyết (do Giám đốc Quang Vĩnh Thuận làm đại diện nhận). Qua nhiều đơn thư  khiếu nại, ngày 25/10/2016, Viện trưởng VKSND huyện Vĩnh Cửu đã ký Quyết định xử lý vật chứng số 678/QĐ-VKS-HS về việc trao trả lại cho ông Sơn 23 loại tài sản vì chúng không phải là tang vật của vụ án trốn thuế. Tuy nhiên, gần nửa năm đã trôi qua, đến nay, ông Sơn vẫn đứng ngồi không yên do chưa được giao trả nhà máy gạch mà VKSND tỉnh Đồng Nai đã xác định là bị bàn giao trái pháp luật vào ngày 9/8/2010. 

Tương tự, ở Bến Tre, một cựu chủ tịch phường sau 26 năm bị bắt giam oan 3 năm đã được VKSND tỉnh Bến Tre tổ chức xin lỗi công khai hồi tháng 11/2016. Đó là ông Châu Ngọc Ngừng, nguyên Chủ tịch phường 6, TP Bến Tre bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN” vào năm 1990.

Ngày 1/11/1993, TAND tỉnh Bến Tre tuyên ông Ngừng không phạm tội trên. Tuy nhiên, sau nhiều năm trời đeo đuổi, mãi đến giữa năm 2016, vụ việc yêu cầu giải quyết bồi thường oan sai của ông Ngừng mới chính thức khép lại bằng phán quyết của TAND tỉnh Bến Tre. Sau buổi xin lỗi, ông yêu cầu Công an tỉnh Bến Tre và VKSND tỉnh bồi thường 152 tỷ đồng. Ông Ngừng còn cho biết, trong quá trình bị bắt, các cơ quan tố tụng đã tạm giữ của ông 877m3 gỗ, 450 triệu đồng, sổ tiết kiệm, hợp đồng làm ăn, giấy tờ… đến nay chưa trả cho ông.

Quy định hiện hành còn đơn giản

Điều 50 Luật TNBTCNN năm 2009 chỉ quy định: “Tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu phải được trả lại ngay khi quyết định thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu bị hủy bỏ”. Trong khi đó, Nghị định số 16/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TNBTCNN mới đề cập tới thủ tục trả lại tài sản.

Cụ thể, Điều 11 nêu rõ thời hạn trả lại tài sản được tính là 05 ngày làm việc, tính từ thời điểm quyết định thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu bị hủy bỏ. Cơ quan đã ra các quyết định đó có trách nhiệm thông báo cho người bị thiệt hại về việc trả lại tài sản. Trong nội dung thông báo phải ghi rõ về địa điểm, thời gian trả lại tài sản. Mọi chi phí cho việc vận chuyển, lắp ráp, khôi phục hiện trạng ban đầu của tài sản do cơ quan đã ra quyết định thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu chi trả…

Tuy nhiên, với một số vụ việc nêu trên, có thể thấy quy định về trả lại tài sản của Luật hiện hành còn khá bất cập. Bởi thế, Dự thảo Luật TNBTCNN (sửa đổi) dự kiến sẽ quy định chi tiết hơn. Theo đó, tiếp tục nhấn mạnh tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu trái pháp luật phải được trả lại ngay khi quyết định thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu bị hủy bỏ. Đồng thời, bổ sung quy định việc trả lại tài sản bị tạm giữ, tịch thu trái pháp luật trong hoạt động quản lý hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Việc trả lại tài sản bị kê biên trái pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Việc trả lại tài sản bị thu giữ trái pháp luật trong hoạt động tố tụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng và pháp luật khác có liên quan. Hy vọng, quy định về trả lại tài sản của Luật TNBTCNN sửa đổi khi được ban hành sẽ đảm bảo tính khả thi, kịp thời bảo vệ quyền lợi cho người bị oan vốn đã gặp phải nhiều thiệt hại.

Đọc thêm