Người giữ “Giấc mơ Chapi” ở miền sơn cước Raglai…

(PLO) -Những giọt mưa chiều lãng đãng trên bản thượng, đưa chân kẻ lãng khách đến với thung Ô Kha (thuộc xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa). Dưới những buôn làng Raglai thưa thớt, tiếng Chapi trầm bổng ngân như tiếng thác đổ, như tiếng gió gọi ngàn thương, gọi bước chân lãng du đến với “cái bụng thật thà” của người dân chân chất nơi thung làng. Dưới ánh lửa hồng rực sáng, người nghệ sĩ như quên đi trời đất bên chóe rượu cần lâng lâng để cùng nhau “say” trong điệu nhạc Chapi của núi rừng, của đại ngàn từ thuở xa xưa…
Nghệ nhân Mấu Xuân Điệp
Nghệ nhân Mấu Xuân Điệp

Tìm về… Chapi

Theo chân người dẫn đường H’Lăng, chúng tôi tìm đến thung Ô Kha để được tận mắt chiêm ngưỡng người nghệ sĩ Chapi cuối cùng trên núi rừng Raglai.

Đón khách phương xa trong cơn mưa đầu mùa, anh H’Lăng chỉ xuống con nước trong vắt nói: “Con nước trong đã đi vào lịch sử ngàn đời với bao vui buồn của người dân Raglai rồi đấy, từ trước khi cây sồi già đầu làng mọc lên. Cùng ăn cùng ở với nước suối nguồn nên dù đói khổ thế nào đi chăng nữa thì “cái bụng” người dân Raglai vẫn trong như suối nguồn.

Dẫu bao nhiêu bộn bề trong cuộc sống đi chăng nữa thì đồng bào mình vẫn giữ gìn sự trong sáng như nguồn nước, lòng mình thẳng thì cái gai hay con thú dữ cũng phải sợ”.

Ngôi nhà nhỏ phía sau đồi dần hiện ra trước mặt. Ngồi bên chóe rượu Tapai ấm nồng, người đàn ông nghiêng người, phả khói thuốc vào tầng không vô định như đang chiêm nghiệm một điều gì mờ ảo trong chiều mưa. Đã bước qua cái tuổi “lục tuần” nhưng với ông Mấu Xuân Điệp (SN 1953) thì dường như điều ấy không có ý nghĩa nhiều về tuổi già.

Ngược lại, đó là cái tuổi đủ để người “nghệ sĩ” thêm nhiều trải nghiệm trong cuộc đời và những dư âm trong làng nghệ thuật miền sơn cước. Trong căn nhà đơn sơ, bên hiên là dòng nước chảy từ trong núi đá của dãy Ô Kha như khiến cảnh vật bỗng mờ ảo trong mưa chiều.

Cánh tay gầy guộc của người “nghệ sĩ” khẽ nâng lên phím đàn Chapi và bắt đầu những cung bậc riêng chỉ có ở miền sơn cước Raglai này. Lữ khách không vội cắt ngang cảm giác “phiêu” của người “nghệ sĩ” đang phiêu bồng cùng những phím trầm bỗng.

Cảm giác đầu tiên đi vào lòng khách là những âm thanh hào hùng như tiếng thác đổ, lúc lại như tiếng chim gù, đôi khi lại trầm như tiếng gió rít trên cao, và nồng nàn như đôi lứa yêu nhau đang độ xuân thì.

Tiếng đàn trên miền sơn cước

Trò chuyện với khách xa, Ama Điệp không rời tay khỏi điếu thuốc, cùng với đó là chén rượu Tapai nồng đã làm ấm. “Học đàn Chapi không khó nhưng khó nhất là kỹ thuật làm được đàn Chapi đúng với những thanh nhịp của điệu âm vang núi rừng.

Âm nhạc của đàn Chapi cũng khác hẳn với những âm điệu hiện đại của người dưới miền xuôi. Chỉ một ống nứa, hoặc một gốc tre già nhưng để có thể làm rung lên được mọi cảm xúc trong giác quan con người thì không phải hoàn toàn đơn giản.

Ở huyện miền núi Khánh Sơn này, ba tôi là người đầu tiên chế tác được cây đàn này, sau đó tôi được may mắn học từ ông ấy cách chơi nhạc và cách làm đàn Chapi”, Ama Điệp tâm sự.

Theo như lời kể của nghệ nhân Mấu Xuân Điệp, từ lúc 10 tuổi, nghe tiếng đàn ngồ ngộ của cha mình nên ngay tức khắc ông đã cảm thấy thích thú. Từ chỗ tò mò, ông mon men tìm đến cây đàn để khám phá những nốt trầm bổng và bắt cha phải dạy mình cho bằng được. N

gười cha thấy đứa con mình đam mê nhạc cụ này nên đã cất công dạy cho Ama Điệp cách “gẩy” những âm thanh đầu tiên của điệu đàn Chapi. Chỉ một thời gian ngắn tìm tòi học hỏi, cùng với sự hướng dẫn nhiệt tình của người cha nghệ nhân, Ama Điệp đã có thể chơi đàn một cách thuần thục. “Chơi đàn thì cũng không quá khó, cái khó nhất của người đam mê với điệu Chapi của núi rừng là cách chế tác được cây đàn chapi có những âm thanh trầm bổng và ngân lâu”, ama Điệp cho biết.

Đàn Chapi
Đàn Chapi

Nhưng cũng từ khi thành thục cách làm được một cây đàn Chapi đúng nghĩa thì không may gia đình ông trải qua một bất hạnh không gì có thể thay thế được, cha ông qua đời trong một cơn bạo bệnh. Trong ngày lễ đám tang của cha mình, người dân tập trung rất đông để đưa tiễn. Đối với người Raglai trọng nhất là cái tình, sau nữa là cái tài. Một người nghệ nhân chapi lão luyện như cha của Ama Điệp mất đi, cũng đồng thời một “giấc mơ chapi” cũng theo đó mà tiêu tan. 

Rồi sau đó, Ama Điệp lên đường nhập ngũ. Hai năm đào hầm chống giặc cũng là chặng đường đầy gian khổ nhưng hào hùng của người nghệ sĩ, chiến sĩ này. “Những đêm mưa gió ngồi dưới hầm chờ địch, bụng đói cồn cào vì thiếu thức ăn, anh em không biết làm gì để bước qua được những lúc thiếu thốn này, tôi bèn lấy trong balo lính mình ra một ống tre nhỏ chặt được trên núi Ô Kha.

Sau gần một đêm thắp đèn vót vót, đục đẽo cùng với sự giúp sức của mấy anh em khác, cây đàn Chapi cũng dần hiện hình. Đó là cây đàn Chapi đầu tiên trong cuộc đời mà tôi làm được. Một thanh nứa già muốn trở thành một dụng cụ chơi nhạc thật không phải dễ dàng, nếu chỉ lỡ tay sai một nhát đục là coi như công cốc tất cả”, Ama Điệp kể lại.

Rít một khói thuốc thật sâu rồi phả vào hơi mưa ngoài hiên, người nghệ sĩ già nâng phím đàn lên ngang tầm mắt và tỉ mỉ giải thích với chúng tôi về nguyên lí cơ bản của một cây đàn Chapi. Theo đó, đàn được cấu tạo từ một ống tre nứa già được hong khô, sau đó phải cẩn thận đem phơi dưới sương núi để lấy được đặc tính dẻo dai cho những sợi dây đàn.

Từ ống tre nứa này, người nghệ nhân phải khéo léo dùng một dao mũi nhọn tách lớp vỏ thành 16 dây nhỏ, điều quan trọng là khoảng cách giữa các dây phải tương ứng với các phím Đồ, Rê, Mi, Fa, Sol, La, Si, Đồ. 

Nghệ nhân Mấu Xuân Điệp cho biết, cái lí thú nhất của người chơi đàn Chapi là cách để dừng lại vài phút để chiêm nghiệm về cuộc đời mỗi con người. Tiếng chapi trầm bỗng như thăng trầm của mỗi chặng đường mà con người đã đi qua, của mỗi xóm làng trên con đường phát triển.

Người chơi đàn chapi không quá vội vã, không quá gấp gáp với bản nhạc nhanh, mà đơn giản là Chapi có những điểm nhấn tương ứng với những cung bậc rung cảm trong mỗi con người. Chính vì thế mà không phải người nào cũng chơi được đàn Chapi dù rằng cách học cũng không quá khó. 

Đàn chapi có 8 phím nhưng chứa trong đó hàng trăm hàng ngàn những rung cảm khác nhau đối với từng người sử dụng cũng như những người thưởng thức. Khi đã nồng chén rượu Tapai, bên bếp hồng ấm áp trong đêm, người nghệ sĩ nâng phím đàn bằng lòng bàn tay, các phím nhạc được gảy bằng hai ngón cái và hai ngón út.

Tùy theo cảm xúc của từng người mà có khi âm Chapi như ngọn nước róc rách đầu nguồn, có khi lại âm vang điệu hào hùng của núi rừng, có khi chỉ là tiếng thở dài sau một ngày làm rẫy vất vả. 

Này là lời ước được mùa, cho bắp lúa đầy chồ, heo gà đầy sân. Này là lời tự tình của trai gái yêu nhau, cho cái miệng biết ăn cùng nhau miếng trầu, cho cái bụng biết cùng suy tính về một mái ấm Raglai bền chắc. Này là khúc tiễn biệt hồn người đi về trên non cao, nơi thần linh đang an nghỉ, để rồi một ngày nào đó lại được trở lại làm người, như quan niệm luân hồi của người Raglai.

Chúng tôi không còn nghe ra những đâu là điệu tumuya (đánh trong lễ bỏ mả), đâu là riwư (đánh trong đám cưới), là sa pathâu (đánh vào ngày mùa) rồi alâu (tiếng hát giao duyên), rồi catnâu cacu (tiếng hát về chim cu gáy), trun pu (đánh mừng lúa mới)… Chỉ thấy có một suối nguồn âm thanh tre nứa phiêu bồng, miên man dưới chân ngọn Tà Nĩa kiêu hùng qua mỗi nhịp đàn của Ama Điệp.

Khi “giấc mơ Chapi”…khóc

Theo lời Ama Điệp, dựa trên sự mô phỏng của mã la mà người dân đã nghiên cứu chế tạo thành cây đàn Chapi. Điều quan trọng là đồng bào Raglai xưa nay vốn gắn liền với công việc nương rẫy và đời sống còn nhiều những khó khăn nên việc mua sắm một dụng cụ âm nhạc là không tưởng.

Hơn nữa, khi biểu diễn mã la thì phải cần đến một đội ngũ gồm 9 người hòa quyện với nhau mới thành một bản nhạc đầy đủ âm hưởng. Trong khí đó, đàn chapi nhỏ gọn, chỉ một người có thể sử dụng để tạo ra muôn ngàn cung bậc cảm xúc và mang đi khắp nơi đại ngàn rừng rẫy, có thể thưởng thức bất cứ lúc nào tùy thích.

Khi được hỏi về người kế thừa mình để nuôi dưỡng “giấc mơ chapi” nơi đại ngàn, Ama Điệp lấy tay dụi đôi mắt đỏ rồi tiếp tục châm một khói thuốc phả vào cơn mưa thinh lặng. “Người trong thung giờ cũng ít ai còn tha thiết với tiếng chapi như lúc trước nữa, bây giờ người ta cũng dần theo tiếng nhạc hiện đại và “quên đi cái bụng” tiếng thở hồn thiêng thượng ngàn rồi.

Giờ muốn truyền lửa cho lớp trẻ rất khó, bởi trong thung chỉ vài người đến học, nhưng dăm ba bữa thì lại nản rồi bỏ giữa chừng. Nhiều khi trong đêm nhìn cây đàn trên vách tường cô quạnh mà tôi chảy nước mắt nghĩ đến phận đời nó cũng bạc phận, nếu ngày nào còn tưng bừng trên mọi nẻo đường thì giờ chỉ chực có khách phương xa đến mới dùng đến”, 

Mà tiếng lòng Chapi cũng không còn lâng lâng hơi rượu như thời vàng son trước đó, dường như nó đang sống mòn theo từng nấc thang cuộc đời của người nghệ sĩ già. Đến một ngày kia, tuổi già níu lại bước chân của Ama Điệp thì liệu còn ai có thể viết tiếp những “giấc mơ Chapi” trên miền thượng ngàn này nữa?

Câu hỏi cứ quanh quẩn trong đầu óc tôi dường như không có câu trả lời thỏa đáng. Vì chính như ông Mấu Xuân Điệp cũng hiểu rằng, dường như thời gian càng qua nhanh, những bản Chapi sẽ chỉ còn là một thời vang bóng. Lúc ấy, tiếng Chapi như vang lên những tiếng sau cùng trong tuyệt vọng và dần chìm vào…bụi thời gian….

Đọc thêm