Người nông dân giỏi làm kinh tế ở huyện Thạch An, Cao Bằng

(PLVN) - Đến xã Đức Thông, huyện Thạch An, Cao Bằng, nhắc tới gia đình anh Nguyễn Văn Tập chắc hẳn ai cũng biết. Đó là một hội viên nông dân vượt lên những khó khăn nơi núi rừng biết khai thác và sáng tạo trong lao động để phát triển sản xuất kinh tế nông nghiệp mà điển hình là mô hình trồng cây cam, quýt vươn lên thoát nghèo, tạo nên diện mạo mới cho địa phương.
Anh Nguyễn Văn Tập – tấm gương sáng về người nông dân làm kinh tế giỏi.
 Anh Nguyễn Văn Tập – tấm gương sáng về người nông dân làm kinh tế giỏi.

Anh Nguyễn Văn Tập sinh ra và lớn lên nơi núi rừng Thạch An nhiều khó khăn, thiếu thốn. Từ khi lập gia đình, cùng với vợ của mình là chị Nông Thị Đương, vợ chồng anh chị không rời bỏ nghề nông. Mặc dù có diện tích đất rừng rộng nhưng nguồn kinh tế vẫn eo hẹp, cuộc sống gia đình vẫn khó khăn. Cái nghèo đeo bám trên khắp các hộ gia đình nơi anh sinh sống. Không cam chịu, anh Tập ngày đêm suy nghĩ tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế. Anh nhận ra muốn thoát khỏi nghèo khó không có cách nào khác là phải thay đổi mô hình kinh tế sản xuất. Từ đó, ngoài việc trồng riêng cây lúa, cây thạch đen, anh thâm canh kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt cây ăn quả.

Vườn cam, quýt bạt ngàn nhìn từ trên cao.
 Vườn cam, quýt bạt ngàn nhìn từ trên cao.

Nhận thấy đất đai, khí hậu tại địa phương tương đối phù hợp để trồng cây có múi như cam, quýt nên những năm qua, gia đình anh đã mở rộng diện tích lên đến cả 6 hecta để trồng hơn 5000 gốc cây cam, quýt. Theo anh Tập, vườn cây của anh có nhiều loại cây như lê, bưởi diễn nhưng chủ yếu vẫn là cam và quýt. Cam, quýt trồng trên đất đá rừng núi được rất nhiều du khách ưa thích. Anh trồng quýt bản địa hay gọi vui là quýt hôi - một loại quýt mang hương vị đặc trưng của Cao Bằng và nhiều loại cam như cam Vinh hay cam quái thai. Cam Vinh là một loại quả đặc sản của Nghệ An nhưng khi trồng trên đất đá rừng Cao Bằng lại cho ra vị ngọt thanh dễ chịu, hơi chút chua nhẹ man mát và hương thơm đậm vị. Cam quái thai thì ngọt hơn cam Vinh, gọi là quái thai vì cam này không có hạt, ít tinh dầu và ít thơm.

 
Những trái cam, quýt thơm ngon là thu nhập chính trong gia đình anh Tập.

Những trái cam, quýt thơm ngon là thu nhập chính trong gia đình anh Tập.

Trao đổi thêm về sản lượng và thu nhập với phóng viên, chị Nông Thị Đương - vợ của anh Tập - cho biết “Vào chính vụ, cam, quýt chín đồng loạt, do không sử dụng hóa chất nên nếu không bán nhanh sẽ dễ hỏng. Tôi không tính sản lượng thu hoạch hàng ngày nhưng trung bình tổng cuối vụ sẽ được khoảng 180 triệu đến 200 triệu đã trừ hết các chi phí”.

Chị Nông Thị Đương – vợ anh Tập - đang thu hoạch trái

Chị Nông Thị Đương – vợ anh Tập - đang thu hoạch trái

Từ khi đầu tư trồng cây cam, quýt kinh tế gia đình anh Tập đã được cải thiện hơn rất nhiều, tuy nhiên do người dân trong địa phương chưa tập trung phát triển mô hình này rộng rãi nên cam, quýt ở xã Đức Thông, huyện Thạch An vẫn chưa trở thành hàng hóa để đưa ra thị trường lớn. Vào mùa thu hoạch, vợ chồng anh chị chủ yếu vẫn tự chở xe lên thị trấn, thành phố để buôn bán lẻ.Tháng 8/2020 vừa qua, anh Nguyễn Văn Tập đã vinh dự giành giải khuyến khích ở đề tài “Trồng cây quýt, cam Vinh an toàn và hiệu quả” trong “Sự kiện vận động sáng tạo trong phát triển Nông nghiệp nông thôn tỉnh Cao Bằng”.

Anh Tập vinh dự đạt giải trong “Sự kiện vận động sáng tạo trong phát triển Nông nghiệp nông thôn tỉnh Cao Bằng”

Anh Tập vinh dự đạt giải trong “Sự kiện vận động sáng tạo trong phát triển Nông nghiệp nông thôn tỉnh Cao Bằng”

Ngoài thu nhập từ việc phát triển cây cam, quýt, gia đình anh Tập còn kết hợp chăn nuôi thêm lợn, gà. Mô hình tuy không to để đưa con giống ra thị trường tiêu thụ nhưng nhờ đó mà gia đình anh quanh năm có nguồn thực phẩm sạch.

Ngoài trồng cây cam, gia đình anh Tập kết hợp chăn nuôi gia súc
 Ngoài trồng cây cam, gia đình anh Tập kết hợp chăn nuôi gia súc

Anh Tập là một hội viên nông dân dương mẫu, cần cù, chịu khó học hỏi các mô hình phát triển kinh tế và thường xuyên giúp đỡ những hộ gia đình khác về kinh nghiệm sản xuất, trồng trọt, khai thác tốt diện tích đất trồng, đất bỏ hoang. Từ một hộ gia đình khó khăn, nay đã trở thành một hộ có kinh tế khá ở địa phương. Hi vọng những cố gắng và sự sáng tạo không ngừng về mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của anh sẽ sớm giúp đỡ được những hộ dân trong và ngoài xã học hỏi cũng như sớm thoát nghèo trên chính quê hương của mình.

Đọc thêm