Nguy cơ 'điểm nóng' ô nhiễm ở một số lưu vực sông

(PLO) - Ngày 11/11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân - Cộng hòa Liên bang Đức đã tổ chức Diễn đàn chung Việt Nam – Cộng hòa Liên bang Đức về quản lý nước lưu vực sông tại Việt Nam. 
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Hiện nay, mâu thuẫn giữa mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững với lợi ích tăng trưởng kinh tế trước mắt của các địa phương; mâu thuẫn giữa năng lực quản lý môi trường còn nhiều bất cập với đòi hỏi ngày càng cao của thực tế xã hội; mâu thuẫn giữa cơ sở hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường còn lạc hậu với lượng chất thải ngày càng gia tăng… đang đặt ra vấn đề cấp thiết, đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường nước ở mọi cấp, mọi ngành và địa phương. 

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, trong tương lai không xa, nếu không có các giải pháp quyết liệt và phù hợp, các lưu vực sông khác như sông Mã, sông Cả - La, sông Vu Gia – Thu Bồn… đều có khả năng trở thành điểm nóng ô nhiễm.

Các con sông thường là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho người dân phía hạ lưu. Đặc biệt, người dân ở vùng nông thôn và những người có thu nhập thấp thường sử dụng trực tiếp nước sông, hồ bị ô nhiễm, là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật, tác động trực tiếp đến điều kiện sống, sức khỏe nhân dân và ảnh hưởng đến điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận về thực tiễn quản lý nước ở cấp Trung ương và địa phương như quản lý các nguồn nước thải; khái niệm về khả năng chịu tải ô nhiễm, khái niệm về hiện trạng chất lượng nước sạch; quy chuẩn môi trường nước; quản lý chất lượng nước và đàm phán kế hoạch hợp tác song phương trong thời gian tới... 

Đọc thêm