Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam

(PLVN) - Nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, sáng 23/11, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa thế giới.
Ông Nguyễn Phước Hải Trung (Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế) giới thiệu Truyện Kiều bản chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn.
Ông Nguyễn Phước Hải Trung (Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế) giới thiệu Truyện Kiều bản chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn.

Tại lễ kỷ niệm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định, Hoàng thành Thăng Long trở thành Di sản văn hóa thế giới, trước hết bởi giá trị nổi bật toàn cầu tự thân của di sản sau đó là kết quả của cả quá trình nỗ lực kiên trì, bền bỉ của các bộ ngành, các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế.

10 năm qua, thực hiện những cam kết của Chính phủ với UNESCO, UBND TP Hà Nội đã tập trung chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu để bảo tồn, phát huy giá trị di sản, từ mở cửa khu di sản, đưa di sản tiếp cận rộng rãi tới công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ; mở rộng nghiên cứu khoa học, nghiên cứu khai quật khảo cổ học; xây dựng kế hoạch quản lý và quy hoạch bảo tồn dài hạn... đến đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị, với những bước đi vững chắc và bài bản.

Thời gian tới, Chủ tịch Hà Nội nêu rõ, TP sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa, đổi mới, sáng tạo và hội nhập, nắm bắt cơ hội hợp tác trong nước và quốc tế để bảo tồn và phát huy giá trị di sản lâu dài, trong đó, chú trọng vào các mục tiêu nhất thể hóa quản lý di tích, di vật theo cam kết với Ủy ban di sản thế giới; tập trung triển khai các dự án thành phần theo quy hoạch được phê duyệt; hoàn thiện Đề án nghiên cứu phục dựng Điện Kính Thiên; tăng cường các hoạt động phát triển du lịch bền vững, đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp… 

Hưởng ứng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế) cũng đã tổ chức buổi thuyết trình, giới thiệu về một số di sản văn chương thời Nguyễn, đặc biệt là bản Truyện Kiều chép tay của Hoàng Gia triều Nguyễn.

Cuốn cổ thư này từng được bày bán ở một hiệu sách cổ ở Paris, sau đó trở thành thư mục nằm trong bộ sưu tập cổ thư của Thư viện Anh quốc từ năm 1894. Ngoài ra, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức chương trình trải nghiệm di sản cho học sinh khối Trung học cơ sở và Trung học phổ thông của một số trường trên địa bàn.

Hôm qua (23/11), Thừa Thiên - Huế cũng đã tổ chức trình diễn Nhã nhạc và múa cung đình tại sân Đại Triều. Mục đích của những hoạt động nói trên nhằm ôn lại truyền thống, đồng thời tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò, vị thế, giá trị di sản văn hóa Huế. Nâng cao trách nhiệm của xã hội đối với công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể Di tích Cố đô Huế.

Đọc thêm