Những cánh cò xa ngái

(PLVN) - Dòng đời vẫn chạy và đâu đây liên tục những dòng thông tin lạnh lùng với các câu chữ “phụ nữ Việt”, “làm thuê xứ người”, “bị sát hại”, “lạm dụng tình dục”... xô vào nhau nhọn hoắt như những mũi dao...
Những cánh cò xa ngái

1. Tôi gặp chị trong một buổi đi làm hộ chiếu ngay sau Tết Nguyên đán. Nhìn đôi tay chai sạn, gầy guộc của chị lóng ngóng khai báo, dán ảnh trên tờ khai, bỗng dưng tôi thấy mình nặng trĩu.

Tấm lưng gầy đầy vẻ quê mùa, lầm lũi của chị giờ này đáng ra đang phải ở trên cánh đồng, hay chí ít cũng đang sau bờ giếng cơm nước, giặt giũ cho đàn con sắp tan trường về. Vậy mà sao chị lại ở đây, trong cái phòng làm hộ chiếu này, với gương mặt đầy ngơ ngác, trán rịn mồ hôi vì căng thẳng?

Hỏi chuyện mới biết, chị đã xa nhà ra nước ngoài làm thuê được một lần. Hai năm trời đằng đẵng xa con, xa chồng. Một mình nơi đất khách quê người, lạ nước lạ cái nhưng cứ nghĩ đến cái nóc nhà hễ trời mưa như ở ngoài sân, đến lũ con chưa một ngày bằng bạn bằng bè là chị lại phải tự động viên mình cố. 

Ấy nhưng mà cũng chẳng được bao nhiêu, lại thêm trả nợ cho chi phí chuyến đi cũng chẳng còn mấy. Vì vậy nên mới có lần làm hộ chiếu thứ hai này. Chị sẽ đi xa hơn, sang tận trời Âu lạnh giá. Hy vọng rằng sẽ ấm no hơn.

Câu chuyện giữa chị và tôi chỉ được đến thế vì chị đã đến lượt. Hấp tấp đứng dậy, đôi vai chị như oằn xuống vì những gánh nặng hữu hình và cả vô hình mà chỉ có chị mới biết, mới hiểu.

2. Một bé gái lớp 5 viết bức thư để tham gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU. Bức thư đạt giải hay không chưa biết, nhưng những dòng chữ nắn nót của em đã khiến biết bao bậc làm cha mẹ phải bật khóc.

Bức thư viết: “Mẹ ạ, từ ngày sinh con được hai tuổi, mẹ để con ở nhà với bố và bà nội rồi mẹ đi kiếm tiền ở xa. Mẹ gọi điện về bảo kiếm tiền xây nhà, mua áo đẹp cho con.

Nhưng hiện nay con vẫn ở nhà cũ của bà nội. Mẹ đi làm đã 6 năm rồi. Khi con học lớp 4 mẹ về nhà, con được ở với mẹ đúng một tuần rồi mẹ mang va li về nhà ông bà ngoại. Sau đó bố mẹ ly hôn. Từ hôm đó con chẳng được sống cùng mẹ… Mẹ à, có lẽ mẹ không biết rằng con ao ước được mẹ hỏi học hành như thế nào…”.

Lời bé gái trong bức thư cho thấy, bố mẹ bé gái sau một thời gian người mẹ đi xa kiếm tiền đã ly hôn. Lý do tan vỡ của một cuộc hôn nhân thì chỉ người trong cuộc mới hiểu. Nhưng với những phận người như mẹ bé gái thì hẳn chuyện xa nhà lâu ngày cũng là một lý do.

Trớ trêu thay, người ta thường nói với nhau rằng “cho vợ đi tây khác gì để xe ở Bờ Hồ không khóa”. Một câu nói đầy tàn nhẫn, đầy áp đặt về sự “hư hỏng” của những người phụ nữ nơi xứ người. Nhưng, liệu những người nói ra câu đó, tán thưởng câu nói đó có một lần nào nghĩ rằng: Vì sao những người phụ nữ, người mẹ, người vợ ấy phải ra đi? Họ vất vả, lạc lõng, bơ vơ nơi xứ người là vì ai, vì điều gì?

Để rồi sau cuối, vì là phụ nữ nên đắng cay họ lại nhận về mình. Kéo theo cả những đứa trẻ với tâm hồn mong manh khi phải chứng kiến bố mẹ ly hôn và ước nguyện nhỏ nhoi “được một lần mẹ đi họp phụ huynh”.

3. Tôi, cũng như các chị và bao người đàn bà Việt khác lớn lên là lập tức vướng ngay vào chồng con tất bật, không lam lũ nhưng cũng đủ hiểu thế nào là khổ, thế nào là gánh nặng áo cơm. Và những lúc như thế, những khái niệm “thân cò lặn lội” của xưa kia, “I’m a woman” (tên truyện ngắn của nữ nhà văn Y Ban về thân phận éo le của một người phụ nữ đi làm nghề giúp việc nhà ở xứ người) của ngày nay lại ùa. Đầy đắng cay và nước mắt!

Dòng đời vẫn chạy và đâu đây liên tục những dòng thông tin lạnh lùng với các câu chữ “phụ nữ Việt”, “làm thuê xứ người”, “bị sát hại”, “lạm dụng tình dục”... xô vào nhau nhọn hoắt như những mũi dao. Lòng người ứa máu. Tôi lại nhớ đến chị - người phụ nữ chỉ gặp một lần ở phòng làm hộ chiếu. Cầu mong cho chị yên bình nơi đất khách và cả ở chốn quê nhà.

Biết đến bao giờ thì những thân cò thôi lặn lội?

Đọc thêm