Những linh địa nên đến trong đời: Kiệt tác đại thánh đường xây dựng bằng bùn ở Mali

(PLVN) - Mali là một đất nước có rất công trình kiến trúc độc đáo và trở thành biểu tượng của quốc gia. Trong đó, Đại thánh đường Djenne là một trung tâm tôn giáo và văn hóa cực kỳ quan trọng của đất nước Tây Phi này.
Những linh địa nên đến trong đời: Kiệt tác đại thánh đường xây dựng bằng bùn ở Mali

Mali nằm trong lục địa của miền tây Châu Phi, là đất nước có diện tích lớn thứ 8 châu Phi, được chia làm 8 vùng và phần lớn diện tích nước này nằm trong khu vực sa mạc Sahara. Vùng đất phía Nam có đa số dân cư sinh sống, nằm trong lưu vực của 2 con sông Niger và Sénégal. Mali được xem là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Tuy nhiên, bù lại, Mali là một trong những nước có được sự ổn định chính trị và xã hội nhất châu Phi.

Là biểu tượng quốc gia

Biểu tượng quốc gia của Mali và cũng là một trong những công trình nổi tiếng nhất châu Phi xuất hiện với vị trí trung tâm trên quốc huy Mali ngày nay: Đại thánh đường Hồi giáo Dejenne. Biểu tượng này tượng trưng cho đạo Hồi, tôn giáo chính của Mali với gần 95% dân số là người Hồi giáo. Cùng với thành phố cổ Djenne, đại thánh đường đã được UNESCO công nhận là 1 Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1988.

Công trình này có nguồn gốc vào thế kỷ 13, nhưng diện mạo hiện tại chỉ được hình thành từ đầu thế kỷ 20, xây dựng vào năm 1907. Có thể nói, để có được hình hài và dáng dấp như ngày nay, nó đã trải qua một chiều dài lịch sử đầy thăng trầm, biến cố. 

Cụ thể, vào thế kỷ thứ 13, nơi đây tồn tại một thánh đường Hồi giáo cũ, có nguồn cho rằng chính vua Mansa Musa là người đã cho xây thánh đường này. Khi nó bị bỏ hoang vào thế kỷ 19, không được chăm lo, tu dưỡng, vua Seku Amadu sau khi chinh phục được Djenne đã cho phá hủy thánh đường cũ để xây dựng một công trình thánh đường mới. Seku Amadu còn lệnh cho đóng cửa tất cả thánh đường nhỏ xung quanh và thánh đường mới này nằm về phía Đông vị trí của Đại thánh đường hiện tại.

Đại thánh đường Djenne
Đại thánh đường Djenne

Tháng 4/1893, lực lượng quân Pháp do chỉ huy Louis Archinard dẫn đầu đóng chiếm Djenne đã phá bỏ thánh đường của Seku Amadu và cho khôi phục Đại thánh đường tại đúng vị trí và hình dáng ban đầu, còn vị trí thánh đường của Seku Amadu thì người Pháp cho xây dựng một trường học mới.

Quá trình xây dựng hoàn thành vào năm 1907 với việc cưỡng bức lao động người dân thuộc địa. Chính vì vậy mà ngày nay có nhiều tranh cãi cho rằng có hay không ảnh hưởng của phong cách Pháp trong kiến trúc hiện tại của Đại thánh đường.

Mang kiến trúc kỳ lạ 

Nhà thờ Hồi giáo Djenne là một trong những thành tựu lớn nhất của kiến trúc Sudan – Sahelia, một phong cách chịu ảnh hưởng rất lớn của Hồi giáo. Diện tích bề mặt thánh đường lên tới 5,625km vuông, hơn bất kỳ một công trình bằng bùn đất nào khác trên thế giới. Nhà thờ Djenne nổi bật với 3 ngọn tháp, mỗi ngọn tháp được đặt một quả trứng đà điểu tượng trưng cho khả năng sinh sản và vô số tháp nhỏ nhô ra từ bức tường chính. 

Trong lòng Thánh đường Djenne có một dãy hành lang cong nằm giữa các bức tường. Mái vòm của hành lang này cao 15m, cho phép quan sát toàn bộ sân hành lễ. Nằm ở phía Đông thánh đường là những bức tường cầu nguyện, còn gọi là Qibla, xuyên qua khu chợ, hướng mặt về phía thánh địa Mecca.

Sâu bên trong khuôn viên ngoài là sảnh cầu nguyện chính với 6 hệ thống bậc thang dẫn lên ở các góc khác nhau. Chỉ riêng ở sảnh này, các kiến trúc sư đã phải cho xây dựng 90 cột lớn hình chữ nhật khác nhau để chống đỡ cho công trình nhưng cũng đồng thời làm hạn chế tầm nhìn bên trong thánh đường. Trong khi đó những cửa sổ nhỏ xíu chỉ cho một lượng ánh sáng rất nhỏ lọt vào bên trong.

Nền đất cao hơn 3m cũng giúp thánh đường tránh được những trận lụt do con sông Niger gần đó gây ra. Hàng năm, những trận lụt từ sông Bani dâng nước ra khắp thủ phủ Djenne biến thánh đường Djenne thành một hòn đảo nổi giữa biển nước mênh mông. Thánh đường Djenne có nền khá cao trên một khuôn viên rộng tới mức có đủ sức để ngăn chặn các trận lụt có sức tàn phá lớn.

Gạch tường được ghép với nhau bằng một loại vữa được trộn bằng bùn nhão, sau đó lại được quét bằng một lớp bùn khác ra ngoài khiến cho công trình trông trơn mịn tựa như một tác phẩm điêu khắc. 

Điều đặc biệt trong thiết kế của Đại Thánh đường Djenne nằm ở thành phần gạch bùn. Như các công trình kiến trúc ở vùng Sahel, những bức tường của nhà thờ Djenne dày 40-60cm, được xây từ các viên gạch bùn được gọi là ferey, làm từ bùn và trấu mịn, tạo thành hỗn hợp lên men, sau đó đem nung bằng chính ánh nắng mặt trời. Hỗn hợp này cũng có thể dùng làm vữa.Trong quá trình xây dựng, người ta sử dụng loại gạch trên với vữa nhão và thạch cao bùn để tạo cho bức tường một cảm giác nhẵn, mịn.

Được biết, loại hỗn hợp bùn giúp công trình có thêm độ bền vững, chống chọi tốt nhất với điều kiện khí hậu, độ ẩm thay đổi liên tục. Còn loại vữa phải trát lại hàng năm, giúp công trình trụ vững trước những tác động của thời tiết, dù là trước cái nóng khắc nghiệt ở châu Phi. Tác dụng của việc làm đó còn giúp công trình có thêm độ bền vững, chống chọi tốt nhất với điều kiện khí hậu, độ ẩm thay đổi liên tục.

Mặt khác, do bùn và đất hấp thụ cũng như bức xạ nhiệt kém nên Đại thánh đường có một khả năng kỳ diệu. Ban ngày bên trong thánh đường rất mát, song ban đêm lại vô cùng ấm áp, bức tường bằng bùn dày hút lấy ánh nắng nóng trong ngày và giải phóng chúng vào ban đêm. Phần tháp nhọn bên trên có nhiều lỗ thông gió sẽ giải phóng hơi nóng vào buổi tối, nhờ đó, không khí bên trong trở nên mát mẻ.

Thời xưa, thánh đường Djenne là một trong những trung tâm học thuật Hồi giáo quan trọng nhất ở châu Phi trong suốt thời kỳ Trung cổ. Đã có hàng ngàn sinh viên từ khắp nơi đổ về thánh đường Djenne để học tập và nghiên cứu kinh Koran. Mặc dù có nhiều công trình lâu đời hơn thánh đường Djenne thế nhưng Djenne vẫn tự hào là biểu tượng nổi tiếng nhất của thủ phủ Djenne và cho cả đất nước Mali.

Tuy nhiên vào năm 1996, Đại thánh đường đã dính phải một scandal rất hy hữu: do đồng ý cho phép tạp chí Vogue của Pháp chụp hình bên trong thánh đường mà vô tình những bức ảnh phụ nữ bán nude đã xuất hiện trong chốn linh thiêng.

Điều này đã gây sốc rất lớn cho dư luận lúc đó và kết quả là chính quyền địa phương đã phải can thiệp để giải quyết, ra một sắc lệnh không cho bất kỳ ai không theo đạo được đặt chân vào đây.

Hàng năm, việc sửa chữa nhà thờ được tiến hành như một lễ hội, lôi kéo toàn thể cộng đồng dân cư sống ở Djenne tích cực tham gia. Đối với họ, đó không đơn thuần là thể hiện sự tôn kính và niềm tin mà còn mang lại không khí như một lễ hội hấp dẫn, với nhiều trò chơi liên quan tới xây dựng.

Khi bắt đầu lễ hội, một cuộc đua sẽ được tổ chức để xem ai sẽ là người đầu tiên mang được bùn đến để trát cho nhà thờ. Trong quá trình sửa chữa, những vị cao niên sẽ ngồi túm lại với nhau bên ngoài ngoài quảng trường để theo dõi trong tiếng nhạc rộn ràng đầy khí thế và những mâm đồ ăn được bày biện thịnh soạn.

Trong những ngày này, lớp vữa mới được chuẩn bị sẵn từ lâu nhưng chúng phải được khuấy lên định kỳ, đây là phần việc của những đứa trẻ khi chúng được tự do chơi đùa trong lớp hỗn hợp vữa. Sau đó những người đàn ông sẽ trèo lên giàn giáo làm bằng thân cây cọ có sẵn trên thánh đường và bắt đầu tô trát lớp vữa mới lên bề mặt công trình.

Có thể nói, có rất nhiều thánh đường Hồi giáo khác thậm chí còn cổ xưa hơn nhưng Đại thánh đường Djenne vẫn là biểu tượng nổi bật nhất của cả thành phố Djenne và đất nước Mali.

Đọc thêm