Những ngôi chùa cổ ngàn tuổi hút khách thập phương thời @

(PLVN) - Đầu xuân năm nay, rất nhiều du khách chiêm bái và du xuân tại những ngôi chùa cổ niên đại ngàn năm và những ngôi chùa được đầu tư xây dựng hoành tráng thế kỷ XXI.
Những ngôi chùa cổ ngàn tuổi hút khách thập phương thời @

Nói đến chùa cổ của xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh, không thể không nhắc tới chùa Dâu, là ngôi chùa được coi là có lịch sử hình thành sớm nhất Việt Nam. Chùa được khởi công xây dựng năm 187 và hoàn thành năm 226, là ngôi chùa lâu đời nhất và gắn liền với lịch sử văn hóa, Phật giáo Việt Nam. Chùa là một danh lam bậc nhất của xứ kinh Bắc xưa nay. Đây là trung tâm cổ xưa nhất của Phật giáo Việt Nam. Chùa được xây dựng vào buổi đầu Công Nguyên. Các nhà sư Ấn Độ đầu tiên đã từng đến đây. Vào cuối thế kỷ 6, nhà sư Tì-ni-đa-lưu-chi từ Trung Quốc đến chùa này, lập nên một phái Thiền ở Việt Nam. 

Chùa Dâu
Chùa Dâu

Ngôi chùa thiêng hơn nghìn tuổi ở đất Kinh Bắc - chùa Tiêu (Bắc Ninh). Chùa Tiêu còn được biết đến là chốn tu thiền huyền bí của người xưa và là một trung tâm Phật giáo cổ xưa của Việt Nam.  Và nói tới chùa Tiêu là nói đến Thiền sư Vạn Hạnh. Bởi lẽ chùa Tiêu là chốn tu thiền giảng đạo của nhiều bậc cao tăng trong đó sư Vạn Hạnh là trụ trì - người có công nuôi dạy Lý Công Uẩn tức Vua Lý Thái Tổ thời nhỏ. Điều thú vị hơn là chùa Tiêu hiện nay vẫn đang lưu giữ, thờ phụng và bảo quản được nhục thân thiền sư Như Trí với dáng vẻ “ngồi kiết già” trong nhà thờ Tổ. Pho tượng táng tại tháp cổ chùa Tiêu đã gần 300 năm... 

Chùa Bổ Đà (Bắc Giang) có từ thời Lý (thế kỷ XI), được đại trùng tu vào thời Lê Trung Hưng - niên hiệu Bảo Thái (1720 - 1729) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX); là một trong những trung tâm Phật giáo lớn thuộc thiền phái Lâm Tế, một trong những ngôi chùa độc đáo cổ kính và lớn nhất vùng đất Kinh Bắc. Đây cũng là nơi các vị tổ sư thuyết pháp đào tạo các tăng ni. Các bản khắc gỗ dùng để in ấn kinh sách ngày nay còn lưu lại bao gồm gần 2000 bản thuộc các bộ kinh luật Đại thừa, như: Lăng nghiêm chính mạch, Yết ma hội bản, Nam hải ký qui...để phục vụ cho việc đào tạo truyền bá kinh Phật. Bộ bản khắc này đã được công nhận là bảo vật quốc gia và là bộ bản khắc gỗ kinh Phật có niên đại lâu đời nhất ở Việt Nam. Vườn tháp trong khuôn viên chùa với hàng trăm ngôi tháp cổ chứa xá lị, tro cốt nhục thân của hàng nghìn vị tăng, ni thuộc thiền phái Lâm Tế với diện tích gần 8000 m2 cũng là vườn tháp đẹp và lớn nhất Việt Nam. 

Chùa Ba Vàng
Chùa Ba Vàng

Chùa Ba Vàng là tên gọi dân dã còn tên chính của chùa là chùa Bảo Quang. Năm 1706, Đại Thiền sư Tuệ Bích đã xây dựng chùa Ba Vàng (tên chữ là Bảo Quang Tự) như thắp sáng niềm tin, nối lại dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử sau 300 năm gián đoạn. Nằm trong dãy núi Yên Tử, ngôi cổ tự Bảo Quang đã từng là phế tích của thời gian và các cuộc chiến tranh thời phong kiến tàn phá, quanh ngôi chùa chỉ còn lại rừng cây bao phủ. Từ khi được phát hiện vào năm 1987, ngôi chùa vẫn bình lặng chứng kiến những đổi thay của thời gian, không có vị trụ trì nào.

Con đường dẫn lên núi ngày một rậm rạp, những trùng tu ngày nào của chính quyền dần dần xuống cấp. Bảo Quang Tự vẫn là  một ngôi chùa hoang vắng, lạnh lẽo. Nhìn nhận chùa Ba Vàng có giá trị lịch sử, tâm linh nên UBND tỉnh Quảng Ninh đã xếp hạng di tích lịch sử, nằm giữa khu sinh thái sơn thủy hữu tình, nên mục tiêu không để ngôi chùa thành phế tích là nỗi trăn trở của chính quyền địa phương.Theo văn bia còn lại của chùa thì núi Ba Vàng xưa kia gọi là Thành Đẳng Sơn. Chùa Ba Vàng tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng, rộng chừng trên dưới 1.000 m2. Những dấu tích kiến trúc gạch ngói vùi lấp bên dưới nền chùa hiện nay lộ ra cho thấy chùa đã được xây dựng ít nhất vào thế kỷ 17- 18, quy mô khá rộng. Năm 2007, chính quyền địa phương đã thỉnh cầu Đại đức Thích Trúc Thái Minh, là trưởng ban Tri khách Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử - về trụ trì chùa Ba Vàng.

Đứng trước ngôi chùa hoang tàn, xuống cấp, Đại đức Thích Trúc Thái Minh bất chợt thấy giếng nước trong khuôn viên chùa, trước đây khô cạn bỗng đầy ắp nước trở lại. Cho là điềm báo, Đại đức quyết tâm gây dựng lại ngôi chùa từ hai bàn tay trắng. Ông đã cùng các đệ tử kêu gọi du khách thập phương đóng góp công sức tiến hành trùng tu ngôi chùa với quy mô lớn và hiện nay đã được ghi nhận là ngôi chùa trên núi có chính điện lớn nhất Việt Nam- rộng tới 3.500 m do Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận.

Chùa Bái Đính
Chùa Bái Đính

Hơn 1000 năm về trước, tại Ninh Bình đã có ba triều đại Vua nối tiếp nhau ra đời: nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý. Ba triều đại phong kiến này đều rất quan tâm đến đạo Phật và coi đạo Phật là Quốc giáo; cho nên tại Ninh Bình có rất nhiều chùa cổ, trong đó có chùa Bái Đính, trên dãy núi Tràng An. Quần thể chùa Bái Đính gồm một khu chùa cổ và một khu chùa mới được xây dựng từ năm 2003. Chùa nằm trên sườn núi, giữa những thung lũng mênh mông hồ và núi đá, ở cửa ngõ phía tây vào cố đô Hoa Lư. Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập như chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, chùa có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á... Đây là ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam. Được biết, Đại lễ Phật đản 2014 đã được tổ chức tại đây. 

Đọc thêm