Những người chiến sĩ ở thời bình

(PLVN) - Thời chiến, họ cống hiến thanh xuân, sinh mạng, cống hiến một phần máu thịt vì Tổ quốc. Thời bình, họ vẫn là những “chiến sĩ” chiến đấu hết mình với giặc nghèo, giặc đói, giặc trì trệ, góp phần xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Các hội viên CLB Cựu chiến binh làm kinh tế quận Thủ Đức được công nhận danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố
Các hội viên CLB Cựu chiến binh làm kinh tế quận Thủ Đức được công nhận danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố

Từ chiến trường đến thương trường

Giã từ vũ khí, về với đời sống thường nhật, có không ít cựu chiến binh “máu lửa” đã bước ra một chiến trường mới: thương trường. Họ, với tố chất người lính, giỏi xoay sở, chịu thương chịu khổ, dũng mãnh kiên cường, đã kiến tạo nên sự nghiệp kinh doanh cho riêng mình, tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác.

Ở Thủ Đức, nhiều người biết đến ông Trương Đức Hiến, một cựu chiến binh và là một doanh nhân đầy năng động. Sau khi giải ngũ, rời khỏi chiến trường Việt Nam - Campuchia, ông bắt đầu sự nghiệp kinh doanh buôn bán của mình với một sạp rau nhỏ cùng với vợ. Nhưng không yên phận với sạp rau nhỏ đủ để ngày ngày kiếm cơm, ông Hiến suy nghĩ cách để mở rộng, phát triển việc buôn bán. Ông không ngại ngần xông pha trong thương trường, tìm cách liên hệ với các nguồn tiêu thụ nông sản như trường học, xí nghiệp để mở rộng kinh doanh. Sau khi các “mối” đã ổn, ông lập hẳn công ty TNHH chuyên kinh doanh thực phẩm thương hiệu Ngọc Đức, một bước chuyên nghiệp hóa cho việc buôn bán của mình. Công ty ăn nên làm ra, cung cấp cho rất nhiều trường học trên địa bàn quận. 

Thành đạt trong kinh doanh, ông không quên đồng đội cũ. Ông Hiến luôn hỗ trợ, giúp đỡ các đồng đội, cựu chiến binh gặp khó khăn. Được bầu làm Chủ nhiệm CLB cựu chiến binh làm kinh tế, trực thuộc Hội Cựu chiến binh Thủ Đức, ông luôn năng động cùng đồng đội tìm cách kết nối những cựu chiến binh làm kinh tế, cùng nhau vượt khó, làm giàu. Không chỉ thế, những năm qua, ông đã cùng các đồng đội thành lập Ban liên lạc truyền thống bộ đội biên phòng phía Nam. Hoạt động đến nay, Ban đã quyên góp cho con em cựu chiến binh biên phòng hơn 1.400 suất quà, trị giá mỗi suất 2 triệu đồng; sửa chữa, tặng nhà tình thương, tình nghĩa hơn 100 căn; vận động tặng mạnh thường quân cùng các y bác sĩ tặng thuốc men, khám chữa bệnh miễn phí hơn 6000 suất.

Không chỉ là một người kinh doanh, ông còn tham gia vào sự nghiệp báo chí cách mạng, trở thành thành viên của ban Truyền hình Pháp luật, Báo Pháp luật Việt Nam. Làm kinh doanh giỏi, làm báo nhiệt tình, năng động, ông khiến nhiều người trẻ phải ngạc nhiên, thán phục trước năng lượng sống dồi dào của mình. Ông Hiếu chia sẻ con đường lập nghiệp gian nan sau khi “gác vũ khí” một cách rất chân thành: “Tôi vốn được đào tạo là sĩ quan tham mưu, nhưng vào quân đội lại làm công tác hậu cần. Nhưng khao khát của tôi vẫn là một người lính, cầm súng chiến đấu, phù hợp với máu “phiêu lưu mạo hiểm” của mình. Giải ngũ, tôi bước theo con đường kinh doanh, thứ nhất là vừa mưu sinh, vừa tạo công ăn việc làm cho con em trong gia đình, cho anh em đồng chí. Đồng thời, cũng là thỏa nguyện máu thích mạo hiểm. 

Từ thuở mới lập nghiệp, tôi cũng đã luôn đau đáu làm sao để hỗ trợ anh em đồng đội. Mình đã được đào tạo tư duy và nhiều kĩ năng liên quan trong công tác hậu cần, nên ra đời còn bay nhảy được, chứ anh em nhiều khi gác súng về sẽ gặp nhiều khó khăn, không biết xoay sở cuộc sống thế nào. Thế nên, tôi luôn tích cực trong các công tác hỗ trợ cựu chiến binh suốt những năm qua là như thế.

Cũng với máu phiêu lưu và tinh thần chiến đấu chưa bao giờ ngơi nghỉ trong người lính, tôi đã tham gia làm báo. Ban đầu là một tạp chí, sau đó thì tham gia công tác truyền hình của Báo Pháp luật Việt Nam. Thay vì cầm súng, tôi cùng đồng đội vác máy đi khắp nơi, quay những tư liệu chân thực và sinh động về đời sống. Cũng là cách để giúp dân, để góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong xã hội, góp phần xây dựng đất nước”.

Những người lính năng động của thời bình

Người ta nói, công tác tuyên truyền phố biến pháp luật ở cơ sở không thể thiếu một lực lượng rất quan trọng, đó là đội ngũ những người cựu chiến binh ở địa phương. Trong những năm qua, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật ở các địa phương từ Nam chí Bắc đã ghi dấu ấn của hàng ngàn người cựu chiến binh như thế. Thời chiến, họ anh dũng, không ngại hy sinh. Thời bình, họ lại chịu thương chịu khó, góp phần đem kiến thức pháp luật lan tỏa rộng khắp đến các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức. 

Tiêu biểu như Hội cựu chiến binh Thừa Thiên - Huế. Tổng kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2019 của Hội Cựu chiến binh tỉnh Thừa Thừa - Huế (ngày 14/01/2020) đã ghi nhận những kết quả tích cực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Hội, góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho hội viên và người dân.

Năm 2019, Hội đặc biệt chú trọng tổ chức hưởng ứng “Ngày pháp luật” trong toàn thể hội viên với nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 1.080 lượt người. Thực hiện tư vấn, trợ giúp pháp lý cho 38 cựu chiến binh hoàn thiện hồ sơ hưởng chế độ, chính sách liên quan; 214 Cựu chiến binh tham gia hòa giải 67 vụ việc mâu thuẫn trong nhân dân; 135 Cựu chiến binh tham gia cảm hóa giáo dục 35 vụ với 98 đối tượng lầm lỗi tại cộng đồng; tham gia giám sát quy chế dân chủ cơ sở với 176 lượt. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong bảo vệ trật tự trị an ở địa bàn cấp xã; tổ chức 55 buổi nói chuyện, giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên thanh niên các trường học; gương mẫu, tích cực trong tham gia các phong trào ở cơ sở, đặc biệt là phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020”, Đề án Ngày Chủ nhật xanh “Hãy hành động để Thừa Thiên - Huế thêm Xanh – Sạch – Sáng”…

Hay như hội Cựu chiến binh Quảng Bình, trong 6 tháng đầu năm 2020, đã phối hợp với cơ quan chức năng lồng ghép tuyên truyền PBGDPL được 244 buổi cho 32.720 lượt cựu chiến binh tham gia; tuyên truyền, vận động cựu chiến binh quyên góp ủng hộ vật tư, trang thiết bị y tế cho lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 với giá trị gần 1,5 tỷ đồng.

Có rất nhiều chiến sĩ, gác vũ khí trở về đời sống, nhưng vẫn vẹn nguyên ý chí, nghị lực phi thường. Có những thương binh nặng đã vươn lên chiến thắng thương tật, khó khăn, ổn định sức khỏe, ổn định đời sống để chăm lo xây dựng gia đình, chăm lo xây dựng cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu những tấm gương sáng trong cộng đồng.

Như người thương binh nặng Nguyễn Văn Lộc, ở phường Tân An, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận. Suy giảm khả năng lao động 91%, nhưng vẫn cho mình là may mắn vì còn sống sót, vẫn trăn trở cho những đồng đội đã ngã xuống. Trong nhiều năm qua, ông đã cùng đồng đội cung cấp thông tin, tìm kiếm để các đơn vị quân đội quy tập hàng trăm hài cốt liệt sĩ đưa về nơi an nghỉ. 

Hay như thương binh nặng Lê Hoàng Quến, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, suy giảm khả năng lao động 94%. bị mất thị giác, nhưng không ngại khó khăn, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người mù. Ông Quến đã vận động hơn 1.300 phần quà trị giá hơn 500 triệu đồng, 25 căn nhà cho người mù với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng, 20 chiếc xe lăn, hỗ trợ mổ mắt cho người mù.

Trong thời chiến, người lính được dân thương, dân mến, dân che chở. Thời bình, cứ nhắc đến “cựu chiến binh” là dân vẫn một lòng thương mến ấy. Cựu chiến binh trong mắt dân, luôn là những người hết sức năng nổ trong hoạt động xã hội. Là những người tích cực hàng đầu trong các công tác ở địa phương. Là những người khi vào thương trường thì mạnh mẽ quyết liệt, đối với đồng đội thì trọn vẹn nghĩa tình. Và, ở thời bình, họ vẫn giữ tấm lòng trong sáng, nhiệt thành cách mạng, đấu tranh cho chính nghĩa, lẽ phải, giúp dân, yêu nước. Họ, dù ở thời nào, vẫn trọn vẹn, xứng đáng với danh hiệu “người lính cụ Hồ”.

Đọc thêm