Những người lính nơi ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam

(PLVN) - Nơi ấy, suốt những năm dài khói lửa, chịu đựng hàng ngàn tấn bom đạn của giặc thù, ngọn hải đăng cổ xưa và lớn nhất Việt Nam vẫn được gìn giữ nguyên bản suốt 125 năm với tên gọi thân thương “mắt thần”, “mắt ngọc”… ngạo nghễ dẫn đường, khẳng định chủ quyền  giữa điệp trùng sóng vỗ...
Đèn biển Long Châu- nơi tiền tiêu cửa ngõ Đông Bắc
Đèn biển Long Châu- nơi tiền tiêu cửa ngõ Đông Bắc

“Đặc sản”: Rắn, gió, sét…

Có lẽ bởi tất cả những điều trên mà khi được đồng chí Đồn trưởng Biên phòng Cát Bà, Trung tá Hoàng Thanh Hải báo có tàu ra đảo Long Châu là chúng tôi không ngần ngại xách balô xuyên mưa gió rét buốt những ngày đông lạnh giá để ra khơi. Và sau gần hai giờ rét buốt nơi cửa ngõ Đông Bắc, cuối cùng ngọn đèn biển vời vợi mang trong nó bao nhiêu thăng trầm và kì tích cũng đã ở trước mắt.  Khi tàu chạy từ từ vào trong vụng, trên bờ 5-6 cán bộ của Trạm hải đăng và Đài quan sát Biên phòng Long Châu (thuộc Đồn Biên phòng Cát Bà)  đã đứng đợi chúng tôi, niềm vui hiện trên khuôn mặt từng người. 

Đặt chân lên đảo, chúng tôi mới biết, nơi này còn rất nhiều “không”: không điện, không nước, ngút ngàn núi đá và trùng khơi, dẫu Long Châu chỉ cách Cát Bà khoảng 9 hải lý. Đây là một quần đảo gồm trên 30 đảo nhỏ nằm rải rác, đảo đèn lớn nhất với khoảng 2km2. Ngoài con đường được lát bê tông dẫn vào “nhà đài” và “nhà đèn” được hoàn thành năm 2009, những bao tải hoa nhỏ được đoàn thanh niên tình nguyện mang đất ra trồng từ mùa hè khiến chúng tôi ngỡ như đang ở một khu sinh thái với núi đá bao quanh vụng biển xanh ngắt. 

Khi trên đảo đông nhất cũng chỉ có 10 người đàn ông vừa canh cho ngọn hải đăng Long Châu sáng đèn, đỏ lửa vừa tuần tra, kiểm soát biên phòng đảm bảo an ninh từ tuyến tiền tiêu của Tổ quốc. Do đó, mỗi khi “nhà có khách” là “nhà đèn” và “nhà đài” lại chạy qua nhau để bếp núc rộn ràng như anh em trong một nhà. Thượng úy Cao Văn Quyết, Đài trưởng Trạm quan sát Trạm Long Châu  cho biết: Cả quần đảo đều được cấu tạo từ 100% đá tai mèo trơ xám. Bởi thuần núi đá nên ở đây khắc nghiệt nhất là không có nước ngọt, cây cối cũng khó sống. Họa hoằn lắm có một vài cây cỏ cựa mình len đá trồi lên. Những cây cỏ ấy sau khi gồng mình, vận hết nội lực chắt chiu sinh khí của đá mà sống đều trở thành những cây thuốc quý. Và điều trớ trêu, dẫu sống giữa mênh mông nước, nhưng nước ngọt luôn là sự khát khao, là tài sản vô giá của các chiến sĩ đảo đèn. Chỉ có vào mùa mưa, lượng nước mới tạm đủ. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo phải tìm mọi cách để trữ nước. Đến mùa khô, hàng ngày mỗi người lính trên đảo phải thay nhau cuốc bộ hàng giờ đồng hồ vượt dốc xuống bến tàu mua nước của bà con dân chài. Nước quý như vậy nên mọi người phải tái sử dụng đến nhiều lần trước khi mang tưới rau xanh. 

Những người lính mang quân hàm xanh trên đảo
Những người lính mang quân hàm xanh trên đảo

Và chưa hết, ở Long Châu còn có hai “đặc sản” là sét và rắn rết. Sét ở Long Châu phải xếp vào hàng khó có “đối thủ”. Trong cơn mưa, bầu trời Long Châu liên tục bị xé nát bằng những tia chớp và tiếng sét liên hồi. Mỗi khi sấm sét, dẫu có bịt chặt tai lại vẫn không khỏi inh tai, nhức óc vì những chuỗi sét kinh hoàng. Còn về rắn, ở Long Châu có nhiều loại rắn độc, trong đó có rắn lục, rắn nâu và rắn xanh. Thế nên, buổi tối, dù là thổ địa nơi này, các anh ra ngoài lúc nào cũng phải cầm theo đèn pin, dù vội vã đến đâu cũng phải soi đèn trước khi bước đi. Và mùa xuân,  mưa phùn, thay đổi thời tiết, ấy là mùa rắn sinh sôi nảy nở. Rắn vắt vẻo trên cây bàng (thứ cây lâu năm  duy nhất sinh tồn được trên đảo), rắn treo trên cửa sổ, rắn ngủ trong chăn, rắn chui trong giày, bất kể nơi nào cũng có rắn… Sống ở trên đảo, anh em truyền kinh nghiệm cho nhau về loài rắn, đặc biệt vào mùa chúng lột xác, đẻ trứng. Do vậy ai đi đường, nhất là vào ban đêm, phải căng mắt ra quan sát, kẻo dẫm phải chúng là không có cơ hội “sửa sai”.

Anh em trên đảo kể, đã có 1 cán bộ trạm hải đăng và 1 cán bộ biên phòng công tác trên đảo Long Châu bị rắn cắn, nhưng may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhờ chuyển vào bệnh viện cấp cứu kịp thời. Anh Đặng Duy Chức, Trạm phó Hải đăng Long Châu, trong một lần mở kho lấy dầu đổ vào máy phát điện đã bị con rắn lục nằm trên nắp thùng phuy cắn dính nọc độc toàn thân, người đờ đẫn, tím tái, may sao anh em ở trạm hút độc, dùng tạm lá thuốc nam đắp và vận chuyển vào Bệnh viện đa khoa Cát Bà, anh Chức thoát khỏi lưỡi hái tử thần… Còn chuyện các anh chẳng may bị rết cắn cũng khá thường xuyên. Rết cắn thì vết nhức đinh óc cả ngày không dứt…

Và mấy chị em chúng tôi trước khi đi ngủ, cũng không ít “hoang mang” khi được các anh nhắc: “ Nhớ đóng chặt cửa kẻo rắn vào”…

Những “thần đèn” làm 3 tháng, nghỉ 1 tháng

Dẫn chúng tôi đến từng ngóc ngách của ngọn hải đăng Long Châu, anh Trần Vũ Đức, Phó Trạm trưởng Trạm Hải đăng  tự hào giới thiệu, ngay từ lúc được người Pháp xây dựng vào năm 1894 đến nay, 125 năm đã trôi qua, nhà đèn uy nghi vẫn được giữ nguyên bản. Và cũng chưa một đêm nào những ngọn đèn này ngừng chiếu dù cuộc sống sinh tồn khắc nghiệt, trải qua mấy cuộc chiến tranh, cả nghìn tấn bom rơi đạn nổ, bởi bất cứ người lính đèn nào khi ra đảo nhận nhiệm vụ đều hiểu rằng hải đăng Long Châu là vô cùng quan trọng với cảng biển Bắc Bộ. Hiện ngọn hải đăng Long Châu đã  gia nhập Hiệp hội Hải  đăng quốc tế. Trong đêm đen, cách xa 27 hải lý, những tần số đèn phát ra, là những thủy thủ trong nước và quốc tế, những ngư dân trên biển biết mình đang cách Long Châu bao nhiêu hải lý…

 

Anh Đức cho biết, những người gác đèn như anh đều thuộc biên chế của Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc (Hải Phòng). Với những người lính đèn mới đến nhận nhiệm vụ tại đảo đá Long Châu, nỗi kinh hoàng nhất là rắn. Thế nhưng, những người lính đèn nhận nhiệm vụ dần dần sẽ học cách thích nghi, bởi với rắn, chỉ cần biết cách “chung sống”, cẩn thận, không “đụng” tới chúng sẽ không sao. Trong khi đó, các anh đã từng chứng kiến, những chú chó trên đảo khi nhìn thấy rắn là sủa inh ỏi, theo phản xạ, rắn phì lại là không chú chó nào trụ nổi trên đảo… Không những thế, vào mùa  hè, khi gió nam thổi dữ dội, những cư dân trên đảo làm gì đều phải tranh thủ làm từ sáng sớm để đóng chặt cửa trong nhà. Bởi đi ra ngoài, gió lùa vào núi đá đinh tai nhức óc như búa bổ…

Thế nhưng, không một ai bỏ cuộc trở về. Anh Đức cho hay, ngay như anh, đã trong nghề 20 năm, nhưng hồi mới được phân công ra đây, cũng được thông báo, nếu không thích có thể làm đơn xin chuyển về đảo khác thuận lợi hoặc về đất liền… Ở đảo, “thần đèn” lâu năm nhất là anh Hùng (Trạm trưởng), đang nghỉ luân phiên (cứ ba tháng 100% thời gian trên đảo, những “thần đèn” lại có 1 tháng được về với gia đình). 

Trong thời gian chiến tranh, hải đăng Long Châu cùng hải đăng Hòn Dáu đóng vai trò tối quan trọng khi dẫn tuyến cho hàng loạt chuyến tàu 0 số vận tải vũ khí và hàng hóa vào tiền tuyến miền Nam. Với vai trò huyết mạch như vậy, giặc Mỹ đã điên cuồng bắn phá và trút xuống hai địa điểm trên hàng nghìn tấn bom đạn.  Trở lại câu chuyện của những người lính trên đảo, về những ngày Tết, các anh thường phân công nhau năm trực, năm về nhà ăn Tết với gia đình. Ngày thường, các anh sống đã đơn giản, bởi chợ búa khó khăn, thì những ngày Tết ở đây cũng đơn giản lắm. Chỉ mấy  cân giò và mấy cân thịt gà là anh em có Tết. Sau giao thừa, các anh gọi điện về nhà cho bố mẹ, vợ con mà nước mắt cứ rơi trong lời chúc Tết đầu năm mới...

Chia tay những người lính kiên cường bên ngọn hải đăng kì vĩ, đẹp đẽ và khắc nghiệt, chúng tôi nhớ mãi về những nụ cười hiền, những người lính, những chàng trai để lại vợ con nơi quê nhà, người Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh, Cát Bà… Với gia cảnh chẳng mấy khấm khá, họ gắn bó với đảo đá khắc nghiệt, với ngọn hải đăng, bởi ở đó với họ là niềm tự hào, là máu và hoa, cùng  tình yêu thầm lặng và cháy bỏng với từng tấc đất, mỏm đá nơi phên dậu Tổ quốc… Chúng tôi bịn rịn xuống tàu trước khi thủy triều lên. Có cô phóng viên trẻ đã không kìm được nước mắt. Và họ, đã luôn kiên cường như thế, chào tạm biệt chúng tôi, miệng cười mà mắt đỏ hoe và nói với cô gái: “Bọn anh ở đây không buồn đâu”…

Có một nơi như thế, đẹp vô cùng, đẹp như một bức tranh choáng ngợp, nhưng những người lính ở đó, bằng sự giản dị, chân chất, trong những hy sinh thầm lặng giữa cuộc sống ồn ào hôm nay, họ đã sống tràn đầy lý tưởng và cao đẹp… 

Đọc thêm