Ninh Bình: 10/13 cụm công nghiệp chưa được thẩm duyệt về PCCC

(PLVN) - Thống kê từ Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ Công an Ninh Bình, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có đến 10/13 cụm công nghiệp đưa vào hoạt động nhưng chưa được thẩm duyệt PCCC, chưa thi công hoàn thiện các hạ tầng cấp nước, trang thiết bị về PCCC đầy đủ theo quy định… 
KCN Khánh Phú chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý về PCCC.
KCN Khánh Phú chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý về PCCC.

Ngành công nghiệp được xác định là một trong hai ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Ninh Bình. Vì vậy, trong những năm qua, việc mở rộng quy mô các Cụm công nghiệp (CCN) đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của các nhà đầu tư hạ tầng cũng như nhà đầu tư thứ cấp tại các CCN vẫn còn nhiều hạn chế. 

Hiện tại, Ninh Bình đã có 5 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng số 68 cơ sở. Tuy nhiên mới có Khu công nghiệp (KCN) Phúc Sơn là được thẩm duyệt về PCCC và đầu tư hạ tầng được 90% hạng mục về PCCC theo thiết kế. 3/13 cụm công nghiệp là Gia Vân, Gia Phú (huyện Gia Viễn), Khánh Thượng (huyện Yên Mô) được thẩm duyệt về PCCC. 10 cụm công nghiệp còn lại hầu hết chưa thi công hoàn thiện hạng mục cấp nước chữa cháy, chưa thành lập đội PCCC chuyên ngành cũng như chưa đầu tư trang thiết bị về PCCC đầy đủ theo quy định, chưa lập hồ sơ theo dõi hoạt động PCCC.

Trung tá Phạm Văn Thành - Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Ninh Bình - cho biết, có rất nhiều cơ sở, chủ doanh nghiệp thiếu quan tâm, chú trọng công tác PCCC. Chỉ đến khi Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ đến kiểm tra vẫn phát hiện lỗi vi phạm mặc dù đã nhiều lần nhắc nhở. Trong những trường hợp này, chúng tôi sẽ cho thời hạn cụ thể để các đơn vị này khắc phục, thực hiện các kiến nghị. 

Nếu quá thời hạn, vẫn chưa thực hiện hoặc để vi phạm kéo dài thì sẽ xử phạt vi phạm hành chính, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động. Đây là một trong những biện pháp mạnh được đưa ra để chấn chỉnh công tác PCCC, hạn chế đến mức thấp nhất những nguy cơ trực tiếp có thể gây ra cháy nổ. Qua công tác kiểm tra, rà soát, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh cũng đã lập 39 biên bản, xử phạt vi phạm hành chính hơn 200 triệu đồng đối với các cơ sở sản xuất trong Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Theo Đại tá Đặng Văn Linh - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, công an tỉnh Ninh Bình, sau khi xử phạt thì các chủ doanh nghiệp đã nhận ra lỗi vi phạm về PCCC, tổ chức khắc phục những thiết sót mà cơ quan PCCC đã chỉ ra. 

Qua xử phạt cũng như tuyên truyền, các chủ doanh nghiệp cũng thấy được việc đảm bảo an toàn PCCC chính là bảo vệ tài sản cho chính họ. Quan trọng nhất là chủ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp và người lao động cần tự giác thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ.

Nhằm đẩy mạnh công tác phòng ngừa, không để xảy ra cháy nổ, đảm bảo an toàn tại các khu, cụm công nghiệp, thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh đã phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với công tác PCCC trong các KCN, rà soát, lập danh sách và phân loại các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp để quản lý.

Công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình sẽ không đạt hiệu quả cao nếu chỉ dựa vào lực lượng cảnh sát PCCC chuyên nghiệp, mà rất cần sự vào cuộc, phối hợp tích cực của các cấp, các ngành, ý thức trách nhiệm của các chủ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp.

Đối với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng, gây mất an toàn về PCCC cần kiên quyết tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động. Các vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản do thiếu tinh thần trách nhiệm và những trường hợp khác có dấu hiệu tội phạm, phải kịp thời khởi tố điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Đọc thêm