Nỗi ám ảnh giờ giấc trong cuộc sống người Nhật

(PLVN) - Nhật Bản mới đây chấn động vụ Bộ trưởng An ninh Mạng và đảm trách Thế vận hội Olympics Tokyo 2020, Yoshitaka Sakurada, đi họp muộn ba phút. Các nghị sĩ phe đối lập cho rằng việc ông Sakurada đến muộn thể hiện sự tắc trách và họ đã phản đối bằng cách tẩy chay cuộc họp của ủy ban ngân sách quốc hội trong 5 giờ. 
Nhân viên công ty đường sắt JR-Railway căn giờ tàu khởi hành.
Nhân viên công ty đường sắt JR-Railway căn giờ tàu khởi hành.

Trước sức ép chỉ trích của dư luận, ông Sakurada phải công khai xin lỗi.

Nghiêm túc đến từng giây

Không chỉ quan chức cấp cao mà các chủ doanh nghiệp, lãnh đạo tổ chức hay bất cứ người đứng đầu một bộ phận nào liên quan đến công việc ở Nhật Bản đều vô cùng coi trọng việc có mặt đúng giờ. 

Năm 2018, một chuyến tàu do công ty đường sắt JR-West vận hành rời bến sớm 25 giây khiến công chúng kịch liệt phản đối. Các cơ quan báo chí trong nước liên tục đưa tin về sự cố này theo hướng chỉ trích JR-West đã phạm lỗi lớn. 

"Sự bất tiện ghê gớm mà chúng tôi gây ra cho các khách hàng thực sự không thể bao biện", đại diện công ty đường sắt công khai xin lỗi. 

Người Nhật, ngay từ thuở nhỏ, đã được dạy dỗ phải nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật giờ giấc. "Bố mẹ luôn nhắc nhở tôi rằng điều quan trọng là không được đi muộn, hãy luôn nghĩ đến những người bị gây phiền toái nếu tôi đến trễ hơn dự kiến, và tôi nghĩ điều đó đã ăn sâu vào máu", Issei Izawa, sinh viên 19 tuổi, giải thích.

Kanako Hosomura, một bà nội trợ 35 tuổi sống ở tỉnh Saitama, tâm sự rất ghét bản thân mỗi khi chẳng may đi muộn, dù chỉ muộn một phút. "Tôi thích đến trước giờ hẹn hơn bởi vì thà tôi ngồi đợi người ta còn hơn bắt họ đợi mình", Hosomura bày tỏ và cho biết thêm cô sẽ không kết bạn với những người thường xuyên đến muộn, gây phiền toái cho người khác. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng thích ứng được với đặc điểm văn hóa này. Nhiều người cảm thấy quan niệm của người Nhật về chuyện đúng giờ có phần cực đoan. "Bạn gái tôi làm việc ở trung tâm tiếp nhận thông tin qua điện thoại của công ty đường sắt JR. Tuần trước, cô ấy quay trở lại làm việc sau một kỳ nghỉ và sếp trực tiếp đã cảnh cáo: “Cô đến muộn 10 giây!”, một người đàn ông giấu tên tiết lộ. "Quá cực đoan", anh này cảm thán. 

Nỗi ám ảnh về việc đúng giờ của người Nhật khiến người nước ngoài tò mò và thích thú, thậm chí đây được coi là một trong những điều kỳ quặc thú vị nhất ở đất nước mặt trời mọc.

“Thời gian là tiền bạc”

Văn hóa đúng giờ ở Nhật Bản chỉ bắt đầu từ đầu thế kỷ 19. Trước thời kỳ công nghiệp hóa, người Nhật khá thoải mái với chuyện giờ giấc. Năm 1868, Thiên hoàng Minh Trị tiến hành cuộc Minh Trị Duy Tân, mở ra kỷ nguyên hiện đại hóa đất nước.

Willem Huyssen van Kattendijke, một thủy thủ người Hà Lan, đến Nhật Bản vào những năm 1850, miêu tả trong nhật ký rằng người dân địa phương không bao giờ đến đúng giờ. "Sự ung dung của người Nhật thực sự gây ngạc nhiên", ông này cho biết các chuyến tàu thường đến muộn tầm 20 phút. 

Trong giai đoạn cải cách Minh Trị từ năm 1868 đến 1912, Nhật Bản áp dụng hàng loạt cải cách chính trị, kinh tế và xã hội, dẫn đến thói quen đúng giờ trở thành một trong những đặc điểm văn hóa nổi bật, theo nghiên cứu của tập san chuyên ngành Xã hội, Công nghệ và Khoa học Đông Á do đại học Duke xuất bản năm 2008. Văn hóa đúng giờ được coi là một quy tắc cốt lõi giúp thúc đẩy Nhật Bản lột xác từ một đất nước nông nghiệp thành một xã hội hiện đại công nghiệp. 

Trường học, nhà máy và hệ thống tàu hỏa đi đầu cổ xúy văn hóa đúng giờ. Các nhà máy áp dụng thuyết Taylor, hệ thống quản lý giúp nâng cao hiệu quả và năng suất lao động dựa trên dây chuyền lắp ráp, vốn phụ thuộc vào sự phối hợp chính xác và nhịp nhàng giữa các bộ phận.

Thời kỳ này, đồng hồ đeo tay trở nên thông dụng, khái niệm 24 giờ mỗi ngày phổ biến với người dân bình thường. Theo nhà nghiên cứu về thời gian Ichiro Oda, đây là giai đoạn người Nhật nhận ra "thời gian là tiền bạc". 

Đến những năm 1920, đúng giờ trở thành khẩu hiệu quốc gia. Những tấm poster hướng dẫn phụ nữ chỉnh kiểu tóc trong 5 phút và chỉ mất 55 phút để làm tóc cho những sự kiện đặc biệt quan trọng. Làm sao để hoàn thành công việc trong thời gian ngắn nhất và luôn đúng giờ trở thành một phần quan trọng của quá trình hiện đại hóa và công nghiệp ở Nhật. 

Kể từ đó, người Nhật gắn thói quen đúng giờ với hiệu suất công việc ở các công ty và tổ chức, theo Makoto Watanabe, phó giáo sư về truyền thông tại đại học Hokkaido Bunkyo. "Nếu công nhân đi làm muộn, công ty và các tổ chức sẽ hứng chịu thiệt hại", chuyên gia này nói. "Cá nhân mà nói, nếu tôi không đến đúng giờ, tôi không thể hoàn thành hết tất cả các đầu việc tôi cần làm trong ngày hôm đó". 

Theo nữ giáo sư Mieko Nakabayashi nghiên cứu xã hội học tại đại học Waseda, người lao động luôn cảm thấy áp lực phải thể hiện bản thân là người kỷ luật và đúng giờ giấc. "Nếu anh không thể làm được như vậy, anh sẽ sớm mang tiếng xấu trong công ty", bà Nakabayashi, từng là nghị sĩ của đảng Dân chủ, nhận xét. 

Đọc thêm