Ở đâu có yêu thương, ở đó có gia đình hạnh phúc

(PLO) -Khi cuộc sống, con người thay đổi, gia đình cũng biến chuyển theo. Bên cạnh những mô hình gia đình truyền thống đã xuất hiện những gia đình bố, mẹ đơn thân, gia đình song tính, đồng tính… Họ có hạnh phúc không? Câu hỏi này tưởng dễ nhưng rất khó trả lời. Bởi hạnh phúc là do mỗi người cảm thấy chứ không thể theo một khuôn mẫu, chuẩn mực nào.
Ở đâu có yêu thương, ở đó có gia đình hạnh phúc

Hạnh phúc không khuôn mẫu

Sau một thời gian đi du học tại Thụy Điển, anh Cường Vũ trở về Việt Nam và thường đến thăm các trại trẻ mồ côi. Cũng từ đó ý định nhận con nuôi nhen nhóm trong đầu anh, để rồi trở thành một quyết tâm thực hiện.

Trả lời phỏng vấn của trang BBC, anh Cường Vũ cho biết, năm 2012 anh gặp bé Nhi và mất đến 7 tháng mới làm xong thủ tục nhận con, khi đó cô bé mới 5 tuổi rưỡi, mang trong mình virus HIV. Và anh trở thành người cha đơn thân khi mới 27 tuổi.

Ngay sau đó, anh đã trở thành “bà mẹ toàn thời gian” như anh tự nhận, anh ở bên và chăm sóc con gái bé nhỏ từng ngày, từng giờ với tình yêu vô bờ bến. Khi đón con về, theo lời kể của anh, thì anh đã “chuẩn bị sẵn hết rồi, mua một căn hộ chung cư để 2 bố con sống, sơn phòng con bé màu hồng nữa, bạn bè ở khắp nơi gửi nhiều quà và quần áo cho cháu. Sợ con bé sẽ cảm thấy xa lạ khi về nhà mới, còn định ngủ ở cửa phòng cháu để đề phòng có gì xảy ra”.

Trò chuyện với phóng viên BBC, anh Cường Vũ cho biết anh đối xử với bé Nhin giống một người mẹ nhiều hơn vì “Tôi nghĩ để làm bố bạn phải có uy lực với con cái hơn, ví dụ như "Cấm con bày bừa đồ đạc trong phòng bố", nhưng tôi chả làm thế được, tôi muốn con bé được tự do làm tất cả những gì nó muốn, như vậy tôi sẽ hiểu cháu hơn”.

Dù bé Nhi mang trong mình virus HIV, nhưng anh Cường Vũ có một đội ngũ y bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng giúp đỡ và dành cho Nhi tất cả những gì tốt nhất và bây giờ không ai nghĩ Nhi có bệnh. Sáng sáng, thắt lại chiếc nơ váy, tết đôi bím tóc xinh xinh và nhận từ con nụ hôn thơm mùi sữa anh Cường Vũ hiểu không bao giờ anh phải ân hận vì quyết định làm bố đơn thân của mình.

Singlemum.vn là trang web của cộng đồng mẹ đơn thân ở Việt Nam. Tại diễn đàn này, có rất nhiều câu chuyện, những nụ cười và giọt nước mắt cả đau khổ, cả hạnh phúc được những bà mẹ đơn thân chia sẻ. V.V.P.Q là một người mẹ đơn thân 23 tuổi – cô đã viết những dòng sẻ chia thật hạnh phúc:

“Con gái! Mẹ thật sự thấy hạnh phúc khi có con trong đời. Bây giờ, mẹ nhìn con say giấc mẹ lại nhớ những ngày tháng con còn trong bụng mẹ. Con biết không? Ngày mẹ biết mình có con, mẹ đã rất bất ngờ. Cảm giác lúc ấy mẹ không biết diễn tả ra sao, vừa vui mừng nhưng cũng vô cùng lo sợ. Mẹ mừng vì mẹ sắp được làm mẹ.

Mẹ sợ vì mẹ không biết mẹ có bảo vệ được con không, nếu ông bà ngoại biết mẹ có con mà chưa chồng, sợ rằng khi sinh con ra mẹ chưa thể cho con những điều tốt đẹp nhất... Đến giờ con gần 4 tháng rồi. Con cười nhiều hơn, ngủ cũng ngoan hơn.

Ở nhà ai cũng coi con như báu vật. Nhất là ông ngoại, mẹ biết ông còn buồn còn giận mẹ nhiều nhưng nhìn ông chơi đùa với con mẹ cảm nhận được ông thật sự rất yêu con. Mẹ cũng yêu con. Con là hạnh phúc mà lâu nay mẹ vẫn hay kiếm tìm.

Từ giây phút con có mặt trong cuộc đời của mẹ, mẹ đã tự hứa với lòng - lời hứa đầu tiên trong cuộc đời mẹ (ngay cả khi yêu ai mẹ cũng chưa dám hứa hẹn điều gì). Mẹ hứa dù mẹ có phải vất vả đến đâu cũng không để con thiếu thốn tình yêu thương của mẹ. Dù mẹ có phải ăn không ngon, mặc không đẹp cũng không để con cảm thấy mình chịu thiệt thòi...”. 

Cốt lõi của hạnh phúc là yêu thương

Khi cuộc sống, con người thay đổi, gia đình cũng biến chuyển theo. Bên cạnh những mô hình gia đình truyền thống đã xuất hiện những gia đình bố, mẹ đơn thân, gia đình song tính, đồng tính… Họ có hạnh phúc không?

Để trả lời câu hỏi này, năm ngoái Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức cuộc tọa đàm “Các giá trị cốt lõi và thách thức của các loại hình gia đình đương đại Việt Nam”. 

Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), gia đình Việt Nam đang gặp rất nhiều vấn đề cả nội tại bên trong và hình thái bên ngoài. Trong khi xã hội nói chung vẫn giữ tư duy về hình mẫu gia đình truyền thống thì trong mỗi gia đình, mỗi cá nhân lại có những thay đổi, những nhu cầu khác nhau về khái niệm hạnh phúc.

Những thay đổi trong quan điểm về loại hình và giá trị gia đình thể hiện qua một tỷ lệ không nhỏ ủng hộ gia đình có vợ hoặc chồng là người nước ngoài (49%) và gia đình đồng tính (19%). Tỷ lệ khá cao những người được hỏi có quan điểm trung lập với loại hình gia đình đơn thân do ly hôn (35,3%) đơn thân không do kết hôn (33,7%), sống chung không kết hôn (26,4%) hoặc gia đình không có con (32,1%) cũng cho thấy độ cởi mở nhất định với những loại hình gia đình này.

Cũng theo nghiên cứu của iSEE, ngay cả khái niệm về một gia đình khuôn mẫu theo đúng “chuẩn” cũng đang có nhiều quan điểm trái chiều. Có những gia đình theo mô hình đúng chuẩn nhưng cha mẹ không yêu thương nhau, bạo hành gia đình, ngoại tình, phó mặc giáo dục con cái cho nhà trường... 

Những điều này cho thấy rõ ràng rằng gia đình Việt đương đại đang phải trả lời câu hỏi thế nào là hạnh phúc gia đình; một gia đình như thế nào là hạnh phúc? Câu hỏi này tưởng dễ nhưng rất khó trả lời. Bởi hạnh phúc là do mỗi người cảm thấy chứ không thể theo một khuôn mẫu, chuẩn mực nào.

Nói về xu hướng này, ông Hoa Hữu Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTT&DL cho rằng: “Trong xu hướng biến đối của gia đình nói chung và sự đa dạng của các loại hình gia đình nói riêng, giữa những tác động nhiều chiều của quá trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế, chúng tôi cho rằng tình yêu thương và sự sẻ chia vẫn là những giá trị cốt lõi và bất biến của gia đình Việt Nam, không phân biệt loại hình gia đình nào”.

Như vậy, có thể nói, bỏ đi tất cả các khuôn mẫu, vỏ bọc của gia đình, thì giá trị bất biến của gia đình vẫn là sự yêu thương. Ở đâu có yêu thương, ở đó có gia đình!n

Đọc thêm