Ở nơi năng, gió cũng ra... tiền

(PLVN) - Những vùng đất khô cằn, chỉ có nắng và gió bỗng vụt sáng trở thành những “mảnh đất vàng” khi các dự án năng lượng tái tạo  lần lượt xuất hiện… 
Ở nơi năng, gió cũng ra... tiền

Điều kỳ diệu ở mảnh đất khô cằn

Nhiều năm trước, vùng đất Ninh Thuận, Bình Thuận vốn chỉ là những đồi đất hoang hóa mà sự sống trên đó là những đám xương rồng mọc dại hay lác đác vài đàn cừu phơi nắng và chịu gió quanh năm… Con người ở nơi đây ngao ngán nhìn đất cằn trơ trọi dưới cái nắng chói chang và những cơn gió ràn rạt mỗi ngày mà chưa nghĩ ra một sinh kế khả dĩ hơn hiện tại… 

“Chúng tôi đến Ninh Thuận với đầy ý chí, khát khao biến nắng gió nơi này thành vàng, bạc. Chúng tôi thực sự muốn đưa vùng đất cằn cỗi này thành vùng đất “màu mỡ”, và chưa một lần nghĩ đến chuyện bán buôn dự án. Vì thế, Trungnam đã dốc hết sức lực, sự quyết tâm và lòng quả cảm để triển khai cật lực những dự án của mình”, Ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốc Trungnam Group.

Thế nhưng gần đây, chỉ sau những quyết sách đúng hướng, điều kỳ diệu đã xuất hiện ở đây. Vùng đất này bỗng vụt sáng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, để trở thành “mảnh đất vàng”, đầy hấp lực trong mắt nhiều nhà đầu tư tên tuổi không chỉ của Việt Nam mà cả trên thế giới. Ninh Thuận, Bình Thuận giờ là điểm điểm đến, là nơi hội tụ nhiều nhất những tên tuổi có “máu mặt” trong “làng”  năng lượng tái tạo (NLTT). 

Một kỳ tích mới đã được viết nên là những cánh đồng năng lượng mặt trời, những trụ cây “chong chóng” khổng lồ trải dài trên hàng ngàn ha đất – ngày, đêm đón nắng, đón gió bên bờ biển Đông. Xa xa là một hạ tầng lưới điện khá đồng bộ với những trạm biến áp 500 kV và đường dây tải điện 220 - 500 kV chạy dài trên đất Ninh Thuận, Bình Thuận. 

Trò chuyện với PLVN, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trungnam Group - một trong những nhà đầu tư NLTT hàng đầu Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đến Ninh Thuận với đầy ý chí, khát khao biến nắng gió nơi này thành vàng, bạc. Chúng tôi thực sự muốn đưa vùng đất cằn cỗi này thành vùng đất “màu mỡ”, và chưa một lần nghĩ đến chuyện bán buôn dự án. Vì thế, Trungnam đã dốc hết sức lực, sự quyết tâm và lòng quả cảm để triển khai cật lực những dự án của mình”. 

Tính đến nay, hơn 1,4 tỷ USD đã được Trung Nam “đổ” vào Ninh Thuận, qua đó góp phần phát triển kinh tế xã hội và tạo ra rất nhiều việc làm cho lao động địa phương, giúp tỉnh tăng thu ngân sách. 

Ông chủ Trungnam Group khẳng định, bên cạnh lợi nhuận trong kinh doanh, thì sự thân thiện, cởi mở của người dân Ninh Thuận và tinh thần thiện chí của chính quyền là nền tảng quan trọng để Trung nam quyết định gắn bó sâu sắc với mảnh đất này. Cụ thể tinh thần đó, Trungnam Group đặt quyết tâm, năm 2021 sẽ phát thêm 900 MW điện gió và đến năm 2027, sẽ đưa vào vận hành gần 10.000 MW điện NLTT, giúp hoàn thành “phép màu” biến nắng, gió trở thành tiền bạc ở mảnh đất Nam Trung bộ này

 

Nơi những người trẻ “đi để trở về”…

Nhớ lại những ngày đầu tới vùng đất Bình Thuận hồi năm 2017, ông Lê Thanh Nghị, một trong những chuyên gia phát triển dự án điện mặt trời đầu tiên ở Bình Thuận chia sẻ, thời điểm đó, đất đai ở đây bạc màu, “khô khát” và thường xuyên chịu ảnh hưởng xấu của thời tiết như lốc xoáy, cát bay, mưa bão… Điều đó khiến người dân không thể khai thác, sử dụng đất trong bất cứ mục đích nào để mang lại hiệu quả kinh tế. 

Ông Nghị lăn lội xuống từng xã, đi vào từng xóm để trò chuyện với những người dân để bắt đầu những việc đầu tiên cho phát triển dự án. Ngày ấy, đất không bán được hoặc bán với giá rất rẻ, nhưng khi chuẩn bị đầu tư dự án điện mặt trời, đất đai trở nên có giá; một số người dân được trả nhiều tiền hơn khiến cuộc sống của họ trở nên sôi động, kinh tế đổi thay, con trẻ có điều kiện học hành... 

Tuy nhiên, cũng tại nơi đây, không ít hộ gia đình nghèo khó cố sức cho con cái ăn học nhưng khi về lại quê hương thì không có đất “dụng võ”. Những người trẻ mới ra trường phải đi khắp nơi như Đà Lạt, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh… để lập nghiệp. Chính những câu chuyện có được từ những lần xuống với bà con đã khiến ông Nghị cùng với cộng sự của mình quyết tâm xây dựng chính sách sử dụng 80% lao động địa phương tham gia vận hành nhà máy, để họ có sinh kế. 

Rất nhiều gia đình đã được sum họp, khấm khá hơn khi những nhà máy điện mặt trời mọc lên trên quê hương Bình Thuận. Nhưng điều quan trọng ngoài kinh tế mà những Dự án NLTT đem lại chính là một con đường rộng mở đón những nguồn nhân lực trẻ của địa phương quay lại đóng góp cho quê hương. 

Cùng với điện mặt trời, ở Bình Thuận cũng nổi tiếng bởi những những cây “chong chóng” thép khổng lồ, hằng ngày vẫn quay để gió sinh ra tiền, làm giàu cho doanh nghiệp và góp thu cho nguồn ngân sách tỉnh. Được biết, đến thời điểm này, đã có gần 4 tỷ USD vốn đầu tư vào nguồn điện NLTT ở Bình Thuận, nhưng con số thì vẫn chưa dừng lại ở đó. Tiềm năng ở đây vẫn còn rất lớn, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục “đánh tiếng” để có thể sớm được đặt chân vào mảnh đất này. Mới nhất là một nhà đầu tư từ Anh quốc, một dự án điện gió lên tới 12 tỷ USD đang mấp mé ngoài khơi Bình Thuận 

Trao đổi với báo chí về tiềm năng của vùng nhiệt đới gió mùa đặc trưng này, ông Lưu Xuân Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, là địa phương quanh năm khô nóng, gió nhiều nên tiềm năng phát triển NLTT ước có thể lên tới 10.000 MW… Do đó, lĩnh vực này là ưu tiên hàng đầu trong định hướng phát triển kinh tế của địa phương; nó vừa tối ưu về hiệu quả kinh tế, vừa bền vững về môi trường - xã hội.

Theo Chủ tịch Vĩnh, dù khắc nghiệt nhưng đây cũng đồng thời là cơ hội đối với những người trẻ, phải làm sao phấn đấu học tập, nghiên cứu khoa học, rèn luyện tích lũy kiến thức để cùng quê hương biến nắng, gió thành “cơm, gạo”, ấm no và hạnh phúc... 

Đọc thêm