Ono Masatsugu – nhà văn "viết không đau về nỗi đau"

(PLO) - Sáng 31/10, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật, 27 Quang Trung, Hà Nội diễn ra buổi trò chuyện với nhà văn Nhật Bản Ono Masatsugu xoay quanh các tác phẩm của ông cùng chủ đề "Viết không đau về nỗi đau"
Ono Masatsugu – nhà văn "viết không đau về nỗi đau"

Bên cạnh sự xuất hiện của nhà văn Ono Masatsugu còn có Tiến sĩ Văn học Trần Ngọc Hiếu, biên tập viên Đặng Thanh Giang cùng người yêu văn học tới tham dự buổi gặp mặt và trò chuyện.

Không chỉ trong "Lời nguyện cầu chín năm trước", mà cả trong các tác phẩm khác của mình, trong đó có "Trôi trên vịnh" và "Tiếng hát người cá" đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam, Ono Masatsugu đều quan tâm và đề cập đến những thân phận thường không có gì đáng chú ý cùng những nỗi đau rất cá nhân nhưng lại rất người của họ. Mỗi câu chuyện là một bức tranh buồn buồn, nhưng êm ả và nên thơ, như thể nỗi đau là một phần của cuộc sống.

Nhà văn Ono (thứ 3 từ trái sang) chia sẻ với độc giả tại buổi tọa đàm (Ảnh: Trần Thị Tuyết)
Nhà văn Ono (thứ 3 từ trái sang) chia sẻ với độc giả tại buổi tọa đàm (Ảnh: Trần Thị Tuyết)

"Lời nguyện cầu chín năm trước" nói về một làng chài ven biển trên đảo Kyushu, chỉ cách Tokyo chưa đầy hai tiếng máy bay, nhưng mảnh đất dường như muốn cự tuyệt mọi thứ từ thế giới bên ngoài. Cuộc sống nơi đây diễn ra đơn điệu với những mảnh đời tù túng, không lối thoát. Một bà mẹ trẻ đơn thân với đứa con lai “ngoại quốc” mắc chứng tự kỷ. Một gã nát rượu bị vợ bỏ. Một giám đốc nhu nhược, sắp lên chức ông ngoại nhưng vẫn sợ bị bố và các anh trai mắng. Một bà lão tám mươi, ly dị chồng từ hồi trẻ, sắp gần đất xa trời nhưng vẫn không thôi bị ám ảnh bởi bà mẹ chồng vốn là một pháp sư. Với bút pháp vô cùng khơi gợi, Ono Masatsugu đã vẽ nên thật sinh động một Nhật Bản thôn quê và xưa cũ, nơi lưu giữ những đặc tính con người Nhật vừa cực đoan lại vừa đơn giản, cởi mở.

Trò chuyện với độc giả tai buổi trò chuyện, tác giả Ono nói rằng: “Trước khi tôi viết cuốn sách này thì người anh trai của tôi đã bị bệnh não và sau đó anh tôi qua đời. Tôi đã phải chịu đựng một nỗi đau mất mát vô cùng lớn. Nhưng tôi cũng nhận ra rằng nếu trải lòng mình qua các tác phẩm thì có thể giải tỏa và xa rời những nỗi đau, và khoảng hơn một năm sau tác phẩm này ra đời”. 

Hình ảnh cuốn sách "Lời nguyện cầu chín năm trước" của tác giả Ono (Ảnh: Trần Thị Tuyết)
Hình ảnh cuốn sách "Lời nguyện cầu chín năm trước" của tác giả Ono (Ảnh: Trần Thị Tuyết)

Tại chương trình, Tiến sĩ  Văn học Trần Ngọc Hiếu chia sẻ cảm nhận của mình sau khi đọc tác phẩm Lời nguyện cầu chín năm trước: “Ấn tượng đầu tiên khi tôi đọc tác phẩm này chính là đất nước Nhật Bản qua giọng văn của anh Ono là một thế giới rất gần gũi với Việt Nam. Nhưng điều hứng thú nhất với tôi ở đây là đây là tác phẩm tạo cho chúng ta nhiều điều bất ngờ. Không phải ngẫu nhiên nhà xuất bản không ghi tên thể loại của tác phẩm, một mặt có thể hình dung đây là tập truyện ngắn, các bạn có thể đọc rời từng truyện, mặt khác, nếu đọc thật kỹ thì thấy rằng tất cả những câu chuyện này đều liên kết với nhau, có những mạch ngầm được xâu chuỗi lại. Tôi muốn gọi đây là một liên truyện, phá vỡ ranh giới giữa truyện ngắn và tiểu thuyết. Kết cấu rất thú vị xoay xung quanh một nhân vật mà ở bất cứ truyện ngắn nào nhân vật này cũng là một nhân vật phụ, xâu chuỗi toàn bộ các câu chuyện. Một phương diện nữa tôi thấy rất hay ở tác phẩm này đó là nghệ thuật miêu tả tâm lý”.

Kết thúc buổi trò chuyện với độc giả, nhà văn Ono bày tỏ sự cảm kích khi các tác phẩm của ông được độc giả Việt Nam đón nhận. 

Đọc thêm