Phá bỏ dần hôn nhân cận huyết ở bản Rào Tre -Hương Khê, Hà Tĩnh.

(PLVN) - Mới đây, chiến sĩ biên phòng Lê Xuân Công của Đồn Biên phòng Bản Giàng (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) đã kết hôn với chị Hồ Thị Mai, một người con dân tộc Chứt tại bản Rào Tre. Đây cũng là đám cưới đầu tiên của người dân tộc Chứt với những người ngoài bản, vì thế thu hút được sự chú ý của các chàng trai, cô gái dân tộc Chứt.
Một đám cưới của người Chứt. Ảnh Báo Hà Tĩnh.
Một đám cưới của người Chứt. Ảnh Báo Hà Tĩnh.

Người dân tộc Chứt trước đây quen sống ở hang núi, hốc cây, trong rừng sâu, du canh, du cư kiếm ăn bằng hái lượm, mặc bằng lá cây và vỏ cây.

Sau khi phát hiện tộc người này, lực lượng biên phòng đã cùng với chính quyền nhân dân, các tổ chức xã hội vận động họ về định canh, định cư.

Năm 1990, sau những nỗ lực của cả hệ thống chính quyền, những người dân tại hang núi được thuyết phục về định canh, định cư ở bản Rèo Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê.

Bên cạnh sự nỗ lực hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội của chính quyền địa phương thì các chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Giàng cũng đang giúp đỡ đồng bào tại đây giải quyết “vấn đề nóng” là tình trạng hôn nhân cận huyết thống.

Từ trước đến nay, những người con của dân tộc Chứt hôn nhân khép kín trong bản. Hầu hết họ ít giao tiếp với bên ngoài. Nên con anh lấy con em, họ hàng lấy nhau là chủ yếu. Do hôn nhân cận huyết thống dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trẻ em sinh ra từ 1 đến 3 tuổi chết chiếm khoảng 20%, trẻ em bị dị tật khá nhiều. Thanh, thiếu niên sức khỏe kém, hay mắc bệnh tật, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống và lao động sản xuất. Biểu hiện suy thoái nòi giống rất rõ.

Do vậy, Đồn Biên phòng Bản Giàng xem việc xóa dần hôn nhân cận huyết thuyết thống, bảo tồn dân tộc Chứt ở bản Rèo Tre là nhiệm vụ cấp bách. Đồn phối hợp với địa phương vận động dân hiểu tác hại của hôn nhân cận huyết thống.

Song song với vận động thì Đồn Biên phòng gương mẫu thực hiện trước, vận động chiến sĩ của Đồn anh Lê Xuân Công kết hôn với chị Hồ Thị Mai, một người con dân tộc Chứt tại bản Rào Tre. Đám cưới được Đồn đứng ra tổ chức chu đáo, mời các đoàn thể đến dự đông vui. Đồn giúp dựng nhà, ổn định cuộc sống.

Đây cũng là đám cưới đầu tiên của người dân tộc Chứt với những người ngoài bản, vì thế thu hút được sự chú ý của các chàng trai, cô gái dân tộc Chứt. Không những thế thanh niên các xã xung quanh, thanh niên trong huyện và huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) hiểu thêm về việc kết hôn với người ngoài.

Tiếp sau đó, là hai đám cưới của 2 đôi con trai người dân tộc Kinh kết hôn với các cô gái dân tộc Chứt. Đám cưới các đôi này Đồn Biên phòng đứng ra chăm lo xe đưa đón dâu, hỗ trợ mỗi đám 20 triệu đồng, tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng.

Ở huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cũng có một bộ phận người Chứt sinh sống, có nhiều nét tương đồng với văn hóa và phong tục tập quán dân tộc Chứt ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Tổ công tác của Đồn Biên phòng Bản Giàng đã dẫn các chàng trai, cô gái dân tộc Chứt ở bản Rào Tre vào giao lưu với các chàng trai cô gái dân tộc Chứt, Tuyên Hóa, Quảng Bình. Và kết quả là đã có hai đôi thành vợ thành chồng sau những lần gặp gỡ giao lưu, hò hẹn này. Đến khi tình yêu đơm hoa kết trái thì các chiến sĩ biên phòng lại tất bật đứng ra tổ chức kết duyên cho các đôi trai gái.

Có thể nói, việc hạn chế, chấm dứt hôn nhân cận huyết của đồng bào người Chứt ở bản Rào Tre huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) là một bài toán khó đối với chính quyền địa phương. Sau nhiều nỗ lực, những đám cưới với người ngoài đã được tổ chức, hủ tục lạc hậu dần được thay đổi bằng những nếp sống văn minh tại đây.

Đọc thêm