Phát huy vai trò kiểm sát trong hoạt động thi hành án dân sự

(PLO) - Hoạt động kiểm sát giữ một vai trò rất quan trọng đối với công tác thi hành án dân sự (THADS), đặc biệt trong quản lý hoạt động nghiệp vụ thi hành án như giải quyết khiếu nại, tố cáo; cưỡng chế; giải quyết vụ án lớn, phức tạp, kéo dài, khó thi hành. Qua đó, giúp cho các cơ quan THADS khắc phục kịp thời những hạn chế và tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đối với hoạt động nghiệp vụ, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm tra công tác THADS, việc kiểm sát của Viện kiểm sát các cấp đã được thực hiện thường xuyên, liên tục. Trong năm 2016, VKSND các cấp đã thực hiện 959 cuộc kiểm sát hoạt động thi hành án. Trong quá trình kiểm sát luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa đoàn kiểm sát và chấp hành viên để đảm bảo việc kiểm sát đạt hiệu quả. 

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng công tác quản lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về tư pháp, một số tỉnh còn xây dựng Quy chế phối hợp của VKSND, TAND, Công an, Cục THADS trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp và thực hiện phối hợp cơ bản kịp thời, tích cực và hiệu quả. Những vụ việc phức tạp đều được đưa ra họp trao đổi liên ngành trước khi giải quyết, từ đó tạo được sự đồng thuận trong việc giải quyết, trả lời đơn của công dân làm cơ sở báo cáo các cấp có thẩm quyền. 

Việc phối hợp được tiến hành bằng các hình thức đa dạng, linh hoạt như: trao đổi trực tiếp, gửi công văn đề nghị phối hợp, thông báo bằng văn bản kết quả giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về tư pháp; phối hợp trong quá trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về tư pháp có liên quan hoặc thông qua đơn vị tham mưu chung để tổ chức họp liên ngành khi cần thiết.

Thông qua hoạt động kiểm sát, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã chỉ rõ những kết quả đã đạt được, những thiếu sót giúp cơ quan THADS có đánh giá khách quan, toàn diện về tình hình công tác tổ chức thi hành án của đơn vị để có biện pháp chỉ đạo, điều hành hiệu quả. Đồng thời, VKSND các cấp đã kịp thời có văn bản kiến nghị yêu cầu các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan THADS trong quá trình tổ chức thi hành án tại địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đối với các vụ việc phải cưỡng chế thi hành án, khi có đề nghị của cơ quan THADS, VKSND đều phân công kiểm sát viên phối hợp chặt chẽ với chấp hành viên trong việc xác minh, xây dựng kế hoạch, tổ chức cưỡng chế và kịp thời xử lý các tình huống vướng mắc phát sinh.

Trong công tác THADS, việc thi hành án trọng điểm, án lớn, án có tình tiết phức tạp, kéo dài, khó thi hành luôn là trọng tâm, trọng điểm và là điểm nóng được các ngành, các cấp và chính quyền, người dân quan tâm. Trong 26 địa phương có lượng án lớn, một số địa phương có nhiều vụ việc thuộc danh sách án trọng điểm như Tây Ninh (320 việc), Bình Dương (234 việc), Đồng Nai (112 việc), Hà Nội (83 việc)…

Thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành, cơ quan THADS đã làm tốt vai trò chủ trì để chỉ đạo, phối hợp với cơ quan Công an, TAND, VKSND cùng cấp trong việc tổ chức họp liên ngành để kịp thời có quan điểm, đường lối thống nhất giải quyết vụ việc, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn. Song, một số vụ việc vẫn còn tồn đọng kéo dài do vướng mắc về cơ chế xử lý, tính chất phức tạp hoặc do đối tượng chống đối quyết liệt dẫn đến chưa thể giải quyết dứt điểm.

Bên cạnh các kết quả tích cực đó, việc VKSND kiểm sát hoạt động THADS hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc kiểm sát quá trình tác nghiệp của chấp hành viên mà chưa quan tâm đúng mức đến việc chấp hành pháp luật của các đương sự cũng như các cơ quan liên quan trong hoạt động THADS. Ngoài ra, một số nội dung chưa được kiểm sát chặt chẽ, nhất là trong công tác chuyển giao bản án, quyết định. Do vậy, cần sớm khắc phục những tồn tại này để có thể tiếp tục nâng cao hiệu quả việc phối hợp liên ngành trong công tác THADS.

Đọc thêm