Phố xe rùa

(PLO) -  “Khi các con tui tốt nghiệp đại học, tui vẫn quyết giữ lấy nghề. Nghề nào cũng có cái nhọc nhằn riêng, nghề làm xe rùa cũng vậy. Đã theo nghề, chừng nào nhắm mắt xuôi tay thì thôi, còn sức khỏe thì còn làm. Một ngày không được hàn xì, cầm búa đập là chân tay không yên”.
Xe rùa “xuất khẩu” đi nhiều nơi
Xe rùa “xuất khẩu” đi nhiều nơi

Cái nghề thợ cơ khí vốn vất vả thấm đẫm mồ hôi được gần 30 hộ dân ở “phố xe rùa” trân trọng ngày làm quần quật, đêm vẫn không ngơi tay. Không hẳn vì thu nhập. 

“Đặc sản” xe rùa

“Buôn có bạn, bán có phường”, phố xe rùa ở Nghệ An cũng là nơi tập trung của những cơ sở sản xuất kinh doanh xe rùa (một loại xe nhỏ được dùng trong xây dựng và sản xuất nông nghiệp – PV).

Con phố đặc biệt nằm trên đường Nguyễn Sinh Sắc (phường Cửa Nam, TP Vinh, tỉnh Nghệ An). Tại đây có khoảng 30 cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh xe rùa.

Mỗi ngày có nhiều người từ khắp nơi tìm đến để chọn những chiếc xe rùa chất lượng, giá cả phải chăng. Cũng tại đây, hàng ngày luôn có những người đưa phế liệu như thanh sắt, bánh xe máy đến bán. Việc mua bán rộn ràng tạo nên nhịp sống tấp nập cho khu phố nhỏ.

Trước khi trở thành phố xe rùa như hiện nay, cách đây chừng 30 năm, đây là địa bàn hoạt động của Xí nghiệp cơ khí 12/9 (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An). Sau khi xí nghiệp giải thể, nhiều người phải tìm một công việc mới để mưu sinh.

Nhưng vẫn có người quyết không bỏ nghề, tiếp tục theo nghiệp gò hàn, cầm búa sắt. Một số người sau đó tha hương đến vùng khác học nghề mới, trong đó có nghề làm xe rùa.

Trong số đó phải kể đến ông Nguyễn Thiện Vân. Ông Vân được xem là người đầu tiên đưa nghề sản xuất xe rùa về xóm cơ khí này. Bà Nguyễn Thị Hồng (85 tuổi, vợ ông Vân) kể về người chồng quá cố, những năm 70 của thế kỷ trước, chồng bà từng vào Quảng Nam, Đà Nẵng học nghề sản xuất xe rùa. 

Sau thời gian cần mẫn tìm tòi, ông quyết định mua thiết bị, nguyên liệu về quê lập nghiệp. Tuy nhiên, do phải mua mới hoàn toàn nguyên liệu giá thành cao, bán được với số lượng ít nên lời lãi chẳng được bao nhiêu. Nhờ sự nhạy bén và kiên trì, người đàn ông này đã tận dụng những nguyên liệu cũ của xe máy, sau đó phụ thêm những chi tiết khác để hoàn thiện nên chiếc xe rùa.

Hoạt động được một thời gian, nhiều hộ dân sống xung quanh vốn là công nhân của xí nghiệp trước đây cũng xin học nghề. Dần về sau, cái tên “phố xe rùa” nhiều người biết đến. Thậm chí với nhiều người, tên gọi đó dễ nhận biết hơn gọi khối 12, 13, 14 phường Cửa Nam theo bản đồ quản lý hành chính. 

Sau khi ông Vân qua đời, cả 6 người con đều theo nghiệp cha, trong đó có người con út Nguyễn Thiện Trung (40 tuổi). Anh Trung tâm sự: “Nghề sản xuất xe rùa của cha vẫn được sáu anh em chúng tôi và những hộ khác trong xóm này duy trì, phát triển.

Mấy năm trước nghề này thịnh lắm. Xe rùa của chúng tôi sản xuất ra được đưa tiêu thụ ở khắp nơi, từ các huyện trong tỉnh đến các tỉnh bạn như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... “.

Ông Dũng chia sẻ về nghề nổi tiếng của khu phố
Ông Dũng chia sẻ về nghề nổi tiếng của khu phố

Anh Trung cho biết, hiện nay sức tiêu thụ xe rùa có chững lại nhưng so với các nghề khác cũng ổn định. Bởi hầu như lúc nào cũng có công trình xây dựng cần loại xe này. Bản thân anh cũng muốn giữ nghề truyền thống của gia đình.

Anh cho hay, thời gian đầu, tiếng búa, tiếng tôn, sắt... những âm thanh ấy cứ văng vẳng khiến nhiều người xung quanh, người qua lại khó chịu. Dần dần họ quen dần, lại thấy âm thanh quen thuộc. Họ còn xem xe rùa là đặc trưng của khu phố này và tiếng búa, tiếng tôn… là một phần tất yếu.

Nghề nhọc nhằn

Những người có kinh nghiệm lâu năm với nghề này bật mí, xe rùa tại đây chủ yếu được sản xuất từ các nguyên liệu cũ, như lốp xe tay ga, vòng bi xe máy, phần thùng xe và vành xe được làm từ thùng phi cũ, càng xe được làm từ ống típ bằng kẽm, khung được làm từ sắt thép... Vì tận dụng nhiều nguyên liệu cũ nên giảm giá thành sản phẩm. 

Một người thợ lành nghề, nếu làm các công đoạn từ cắt, cán tôn, uốn khung, hàn…đến hoàn thiện sản phẩm mỗi ngày làm cật lực cũng chỉ sản xuất được 3 – 4 chiếc xe rùa. Giá bán hiện nay dao động từ 300-400 ngàn đồng/chiếc, tùy vào khối lượng, chất lượng nguyên liệu. Trừ chi phí, mỗi ngày người thợ kiếm được khoảng 300 nghìn đồng.

Đây là nghề làm quanh năm, nhưng bận rộn nhất vào mùa xây dựng như mùa hè, nắng ráo. “Trời mưa thì hoạt động mua bán cầm chừng hơn, nhưng chúng tôi vẫn sản xuất dự trữ. Đến mùa hè nắng ráo, ai nấy đều làm việc cật lực cho kịp các đơn hàng. Mệt mỏi nhưng vui mừng vì hàng bán chạy”, một người thợ vừa không ngừng tay gò hàn vừa nói.

Nổi bật trong việc kinh doanh tại phố xe rùa là cơ sở sản xuất của chị Nguyễn Thị Hà (54 tuổi). Dù là phụ nữ “chân yếu tay mềm” nhưng chị được đánh giá là bà chủ táo bạo, làm việc không mệt mỏi.

Từ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, mấy năm trở lại đây nhờ sự nhạy bén trong kinh doanh, cơ sở của chị Hà ngày càng mở rộng. Không chỉ thuê công nhân về làm, chị còn thu mua hàng của nhiều cơ sở trong khu phố để bán lại với giá chênh lệch. 

Trước đây, nếu gửi hàng cho khách ở xa phải thông qua các dịch vụ vận tải với chi phí cao, thì nay chị đã đầu tư mua xe tải để chủ động vận chuyển. Không những vậy, cơ sở này còn giữ những mối hàng quan trọng từ trong nam ngoài bắc, thậm chí là nước ngoài.

Cũng nhờ nghề này, vợ chồng chị đã nuôi các con vào đại học trưởng thành. Hai người con trai tốt nghiệp đại học đã quay về sản xuất, kinh doanh cùng gia đình.

Ở phố xe rùa, ngoài gia đình anh Trung, chị Hà, còn có ông Nguyễn Văn Bình (62 tuổi) cũng có thâm niên hơn 20 năm gắn bó với nghề. Căn nhà ông chứa toàn sắt, thép, tôn, lốp xe máy cũ... Màu lửa vàng rực từ đôi tay người thợ hàn, màu nắng soi sáng cả cái xưởng bộn bề nguyên, vật liệu, ánh lên cả những giọt mồ hôi của người thợ đang hì hục lắp ghép xe. 

Ông Bình cho biết, thực chất xe rùa là sự tiếp nối của các loại xe cút kít ngày xưa người dân Nghệ Tĩnh thường dùng. Điểm khác nhau là các loại xe cút kít xưa từ bánh, khung, thùng xe đều được làm bằng gỗ, tre, nứa, thì ngày nay xe rùa được làm chắc chắn hơn bằng sắt, thép, tuổi thọ của xe cũng cao hơn. 

Theo ông Bình, hầu hết các hộ sản xuất cơ khí ở đây đều phải thu mua các loại phụ tùng cũ từ vành, lốp xe máy, cho đến các vòng bi, khung sắt, và thùng phuy đựng dầu, đựng nhựa đường cũ từ nơi khác về. Công việc này không hề nhẹ nhàng, nhưng vì “đầu ra” tương đối ổn định, nên hầu hết các hộ sản xuất ở đây cũng có việc làm thường xuyên. 

Ông trải lòng: “Khi các con tui tốt nghiệp đại học, tui vẫn quyết giữ lấy nghề. Nghề nào cũng có cái nhọc nhằn riêng, nghề làm xe rùa cũng vậy. Đã theo nghề, chừng nào nhắm mắt xuôi tay thì thôi, chừ còn sức khỏe thì còn làm. Một ngày không được hàn xì, cầm búa đập là chân tay không yên”.

Bà Hồng 85 tuổi vẫn gắn bó với nghề
 Bà Hồng 85 tuổi vẫn gắn bó với nghề 

Trao đổi về khu phố đặc biệt này, ông Hồ Tiến Dũng, trưởng khối 14, phường Cửa Nam cho hay

nghề sản xuất xe rùa có từ nhiều năm nay.

Những hộ kinh doanh tập trung trên một con phố nên công việc sản xuất, mua bán tương đối thuận lợi. Cũng nhờ nghề này mà nhiều gia đình trở nên khá giả, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.

Hiện nay, để bắt kịp nhu cầu cuộc sống, những cơ sở trên còn sản xuất một số mặt hàng khác như xe cải tiến, xe lôi…nhưng xe rùa vẫn là chủ đạo.

Các cơ sở sản xuất tại phố xe rùa còn là nơi rèn luyện tay nghề cho những lao động trẻ, hay học viên cơ khí mới ra trường.

Tại xưởng cơ khí của ông Bình, dù quy mô không phải lớn nhất ở khu vực này, nhưng với nhu cầu đặt hàng khá đều đặn, các thiết bị sẵn có như máy cắt, máy cưa sắt, năm nào cũng có một vài thợ đến học nghề, giúp việc cho ông. 

Đọc thêm