Phòng ngừa tham nhũng hiệu quả: Không thể bỏ qua khu vực tư

(PLO) - Với chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, Đảng và Nhà nước đã ghi nhận, đảm bảo sự phát triển bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, trong đó có khu vực tư nhân. Khu vực tư (KVT) ở Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, cả về quy mô và chất lượng, tuy nhiên bên trong sự phát triển tích cực đó cũng tiềm ẩn những dấu hiệu tiêu cực và một trong số đó là tham nhũng (TN).
Hội thảo về phòng chống tham nhũng trong khu vực tư do Ban Nội chính Trung ương tổ chức.
Hội thảo về phòng chống tham nhũng trong khu vực tư do Ban Nội chính Trung ương tổ chức.

Tham nhũng không phân biệt công - tư

Hiện nay, khái niệm về TN tuy chưa được thống nhất nhưng cộng đồng quốc tế đều thống nhất về bản chất TN đó là sự lợi dụng quyền lực để thu lại lợi ích (vật chất hoặc phi vật chất) bất chính. Theo đó, hành vi TN phải bao gồm hai yếu tố đặc trưng gồm quyền lực được hướng tới hoặc được lợi dụng và lợi ích được hướng tới. Do đó, chủ thể của hành vi TN không phải là yếu tố đáng quan tâm mà đặc trưng cần phải chú ý đến là yếu tố lợi dụng quyền lực và vấn đề lợi ích. Vì vậy, không nhất thiết người nắm giữ quyền lực mới có thể có hành vi TN mà kể cả hành vi của những người có liên quan đến việc lợi dụng quyền lực cũng có thể bị coi là TN.

Theo quan niệm truyền thống, TN chỉ xuất hiện trong khu vực công (KVC) bởi quyền lực trong xã hội do Nhà nước nắm trọn. Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển thì sự can thiệp của Nhà nước ngày càng có xu hướng thu hẹp, KVT ngày càng đóng vai trò quan trọng nhất là trong lĩnh vực kinh tế với sự phát triển của những công ty, tập đoàn lớn. Việc thiết lập bộ máy để quản lý sẽ đồng nghĩa với việc trao “quyền lực” cho những cá nhân đứng đầu để điều hành, quản lý hoạt động hay sử dụng tiền, tài sản của doanh nghiệp, tập đoàn. Nguyên lý quyền lực luôn có xu hướng lạm quyền cũng sẽ xuất hiện mà không phân biệt KVC hay tư.

Mặt khác, hiện tượng móc nối, liên kết giữa KVC với KVT để thực hiện hành vi TN ngày một phổ biến. Trong quá trình phát triển, ngày càng nhiều doanh nghiệp, tổ chức thuộc KVT trở thành đối tác cung cấp dịch vụ cho các cơ quan, tổ chức nhà nước và Nhà nước như dịch vụ hành chính công, giao thông, xây dựng, giáo dục, y tế… hay việc cung cấp vật tư, hàng hóa, phương tiện kỹ thuật cho hoạt động của bộ máy nhà nước thông qua các hợp đồng kinh tế. Do vậy, TN hiện nay là tệ nạn, căn bệnh chung của toàn xã hội, không phân biệt KVC hay KVT.

Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về PCTN

TN trong KVT làm “méo mó” môi trường kinh doanh, làm suy yếu sức cạnh tranh và tạo ra những bất bình đẳng, làm giảm lòng tin đối với doanh nghiệp KVT; đe dọa sự tín nhiệm, trung thực và trung thành – những yếu tố quan trọng để duy trì và phát triển các quan hệ xã hội và kinh tế. Điều này đặt ra yêu cầu cần sớm đưa ra các biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả các hành vi TN trong KVT, góp phần tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, phục vụ phát triển bền vững.

Hành vi TN trong KVT được quy định trong văn bản pháp lý quốc tế phổ biến nhất là Công ước Liên Hợp quốc về Chống tham nhũng mới chỉ dừng lại ở hành vi hối lộ trong KVT (bao gồm cả đưa và nhận hối lộ) và hành vi biển thủ tài sản trong KVT. Còn dựa theo tiêu chí mối quan hệ của các chủ thể thực hiện hành vi TN, bao gồm: Nhóm hành vi TN nảy sinh trong mối quan hệ giữa KVT với KVC; nhóm hành vi TN nảy sinh trong mối quan hệ giữa các doanh nghiệp, tổ chức thuộc KVT và nhóm hành vi TN nảy sinh trong mối quan hệ giữa nội bộ doanh nghiệp, tổ chức thuộc KVT.

Ở nước ta hiện nay, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) trong KVT luôn được Nhà nước chú trọng và tăng cường. Ngày 29/11/2005, Quốc hội đã thông qua Luật PCTN qua đó tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho công tác PCTN của Nhà nước. Bên cạnh việc quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước nhằm PCTN, Luật đã có một số quy định mang tính dự liệu khi quy định về vai trò và trách nhiệm của xã hội trong PCTN. Các biện pháp phòng ngừa hành vi TN trong KVT cũng xuất hiện ở một số văn bản luật khác như: Luật Doanh nghiệp, Luật Kế toán, Luật Cạnh tranh, Pháp luật về tín dụng, ngân hàng…

Chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ năm 2009, Công ước Liên Hợp quốc về Chống tham nhũng (UNCAC) là văn bản pháp luật quốc tế cao nhất mà Việt Nam tham gia, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn tham nhũng được đánh giá là nghiêm trọng hiện nay. 

Ngoài Nhà nước, PCTN trong KVT của chính nội bộ KVT cũng đã được đẩy mạnh bằng việc xây dựng quy chế, thiết chế kiểm soát và quản trị nội bộ; xây dựng, phổ biến nguyên tắc kinh doanh minh bạch và tuân thủ một cách chặt chẽ. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng xây dựng văn hóa kinh doanh và uy tín doanh nghiệp, đồng thời không có các yếu tố để xây dựng nền tảng quản trị tốt. Do đó, việc áp dụng các biện pháp xử lý hành vi TN trong nội bộ doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.

Theo đánh giá của Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính T.Ư Võ Văn Dũng, năm 2016, công tác PCTN của nước ta đã đạt được những kết quả có ý nghĩa khi đã quyết liệt xử lý TN, nhất là trong các vụ án trọng điểm. Tuy nhiên, công tác xây dựng thể chế PCTN vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra, chưa đáp ứng đòi hỏi của các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Do đó, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật PCTN cần điều chỉnh đồng bộ cả KVC và KVT vì TN trong hai lĩnh vực này có quan hệ với nhau. KVT vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân của TN, muốn chống tham nhũng hiệu quả phải tiến hành phòng, chống trong cả KVC và KVT.

Đọc thêm