Phú Thọ: Kiểm soát thị trường, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng

(PLVN) - Tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Để hạn chế tình hình trên, Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm đấu tranh ngăn chặn hiệu quả tình trạng này góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Phú Thọ: Kiểm soát thị trường, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng

Thời gian qua lực lượng quản lý thị trường của Cục QLTT tỉnh Phú Thọ luôn bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng Cục QLTT, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo 389/PT đã kịp thời  tham mưu, xây dựng các chương trình kế hoạch để triển khai trong toàn lực lượng kịp thời, đúng thời điểm, đúng nội dung quy định.

Quá trình kiểm tra, kiểm soát lực lượng của Cục luôn nhận được sự phối hợp của các cơ quan chức năng, đặc biệt là các thành viên trong Ban chỉ đạo 389 của tỉnh. Trong đó, chú trọng đối tác phối hợp giữa các cơ quan, ngành thành viên như: Công an, Tài chính, Thuế, Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ và các cơ quan truyền thông.

Quản lý thị trường Phú Thọ tăng cường kiểm tra hàng hóa, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng
Quản lý thị trường Phú Thọ tăng cường kiểm tra hàng hóa, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng 

Tỉnh Phú Thọ nằm trên địa bàn trung du miền núi lại có các tuyến đường giao thông thuận lợi kết nối khu công nghiệp với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Nhất là trên địa bàn Thành phố Việt Trì tập trung đông dân cư và chủ yếu là công chức, công nhân lao động các khu Công nghiệp  và học sinh sinh viên của các trường Cao đẳng, Đại học.Chính vì thế nên nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân là rất lớn.

Ở đây hàng hóa được bày bán đa dạng, phong phú trong đó chủ yếu là các mặt hàng nhu yếu phẩm như: Quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ điện tử, rượu, bia, thuốc lá, lương thực, thực phẩm… Do vậy, để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Trong thời gian vừa qua lực lượng quản lý thị trường Cục QLTT tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác đấu tranh chống gian lận thương mại, chống sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; kiểm soát việc bán hàng theo quy định về niêm yết giá, giám sát chặt chẽ và đề xuất biện pháp can thiệp kịp thời khi phát hiện thấy các đối tượng sản xuất, kinh doanh có biểu hiện vi phạm pháp luật.

Ông Vi Ngọc Khang – Đội trưởng đội số 8 – Cục QLTT tỉnh Phú Thọ cho biết: “Lực lượng QLTT tỉnh đã thường xuyên tuyên truyền phổ biến đến người dân về việc phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Từ đó, người tiêu dùng nên quan tâm đến những thông tin trên sản phẩm hàng hóa để phát hiện và phân biệt hàng giả. Đồng thời, khi nghi ngờ mua phải hàng giả người dân nên phối hợp với các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi của mình.”

Từ thực tế cho thấy, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, các ngành thành viên, lực lượng chức năng và các địa phương trong tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại, phát hiện và xử lý kịp thời nhiều hành vi vi phạm pháp luật, do đó tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua giữ được sự ổn định, các loại hàng hóa, dịch vụ đều đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng hàng hóa không có hóa đơn chứng từ hợp lệ, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn được vận chuyển và bày bán ở một số địa phương nhất là vùng sâu, vùng xcủa tỉnh. Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng tại địa bàn, một số nơi còn mang tính cục bộ. Các đối tượng hoạt động phạm tội thường hoạt động theo đường dây, ổ nhóm với sự tham gia của nhiều đối tượng trong đó có những đối tượng là người ngoại tỉnh nên việc xác minh, truy tìm đối tượng gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, hệ thống văn bản, chính sách pháp luật về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa đồng bộ, đôi khi còn chồng chéo. Trình độ nhận thức pháp luật của một bộ phận thương nhân và người tiêu dùng còn hạn chế trong phân biệt giữa hàng giả, hàng kém chất lượng. Công tác kiểm tra, xử lý hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ còn hạn chế...

Ngoài sự nỗ lực của ngành chức năng thì các địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, đoàn thể, người dân tham gia đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; khuyến cáo người tiêu dùng “tẩy chay” hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, nói không với các loại hàng thực phẩm nghi không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng nếu phát hiện dấu hiệu gian lận, vi phạm…

Đọc thêm