Quảng Bình: Khai hội Di tích lịch sử Quốc Gia chùa Hoằng Phúc

(PLVN) - Ngày 23/2 (tức 19 tháng Giêng), UBND huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình) đã tổ chức Lễ hội Di tích lịch sử Quốc gia chùa Hoằng Phúc lần thứ IV năm 2019. Lễ hội đã thu hút hàng nghìn người dân, du khách thập phương và phật tử tham gia.
Đại diện lãnh đạo tỉnh và chính quyền địa phương tiến hành nghi thức tắm Phật
Đại diện lãnh đạo tỉnh và chính quyền địa phương tiến hành nghi thức tắm Phật

Lễ hội diễn ra trong hai ngày 23 và 24/2 (tức 19 và 20 tháng Giêng) với nhiều hoạt động văn hoá tâm linh đặc sắc như:  Lễ rước nước – tắm Phật; lễ phóng sinh; lễ quy y; hội thi kéo co, đẩy gậy nam – nữ, hội bài chòi, thi đấu cờ tướng, cho chữ thư pháp… Đặc biệt, theo ghi nhận của PV, lễ Rước nước – tắm Phật diễn ra vào sáng ngày 23/2, thu hút rất đông người dân, du khách, phật tử tham gia.

Ông Lê Văn Bảo, Bí thư - Chủ tịch HĐND huyện Lệ Thuỷ đánh trống khai hội chùa Hoằng Phúc năm 2019

Ông Lê Văn Bảo, Bí thư - Chủ tịch HĐND huyện Lệ Thuỷ đánh trống khai hội chùa Hoằng Phúc năm 2019

Theo đó, bắt đầu lễ Rước nước – tắm Phật, các nam thanh niên khoẻ mạnh trong trang phục lễ hội sẽ ngược dòng sông Kiến Giang lên phía thượng nguồn (tương truyền nơi đây có xoáy nước linh thiêng không thể nào đo được độ sâu và thông ra tận biển Đông), dùng  gáo dừa múc nước đổ đầy hai chum để mang về. Sau phần làm lễ rước nước thiêng, tại chùa Hoằng Phúc, nước thiêng ở hai chum lần lượt được người dân, du khách và phật tử dùng gáo dừa tắm cho Phật.


Qua bốn lần tổ chức, lễ hội Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc được xem là Lễ hội tâm linh lớn, thu hút được sự quan tâm của người dân trên toàn địa bàn tỉnh Quảng Bình nói riêng, cũng như du khách thập phương nói chung đến tham dự với sự thành tâm trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh.

Hai chum nước thiêng tiếp tục được rước về chùa Hoằng Phúc cách bến đò khoảng hơn 200m

Hai chum nước thiêng tiếp tục được rước về chùa Hoằng Phúc cách bến đò khoảng hơn 200m

Chùa Hoằng Phúc toạ lạc tại thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Đây là ngôi chùa cổ được hình thành từ cách đây hơn 715 năm về trước, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hoá tâm linh của cộng đồng cư dân Đại Việt từ miền Bắc di trú vào vùng đất mới.

Vào năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông nhân chuyến vân du hoá đạo tại các địa phương trên đất Chiêm Thành đã cư ngụ và thuyết giảng Phật Pháp tại đây. Sau sự tàn phá của những năm chiến tranh, để lưu giữ di sản văn hoá tâm linh, tháng 11/2014, UBND huyện Lệ Thuỷ đã tổ chức khởi công, tôn tạo khu di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc trên tổng diện tích 10.000m2.


Đông đảo Phật tử, người dân và du khách xếp hàng chờ đến lượt tắm nước thiêng lên Phật
Đông đảo Phật tử, người dân và du khách xếp hàng chờ đến lượt tắm nước thiêng lên Phật

Đông đảo Phật tử, người dân và du khách xếp hàng chờ đến lượt tắm nước thiêng lên Phật

Ngày 09/12/2015, chùa Hoằng Phúc được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trao Quyết định số 4248/QĐ-BVHTTDL công nhận là di tích lịch sử Quốc gia. Kể từ đó đến nay, chùa Hoằng Phúc đã trở thành nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của đông đảo Phật tử và du khách trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Đọc thêm