Sách Tết “hồi sinh”: Hoài nhớ Tết xưa, trân quý Tết nay

(PLVN) - Sau 60 năm vắng bóng, những cuốn sách Tết chất chứa đầy hoài niệm đã trở lại, như món quà nhỏ cho ngày xuân thêm đậm đà. Dòng sách tưởng như bị mai một đã “hồi sinh” trong đời sống tinh thần của người Việt khi mùa xuân về với một diện mạo mới trẻ trung, sinh động hơn. Mỗi cuốn sách, những câu chữ lắng đọng và đầy tình cảm là lời thủ thỉ với bao nhung nhớ về Tết xưa.
Một số sách Tết trong thời gian gần đây.
Một số sách Tết trong thời gian gần đây.

Hơn 100 năm sách Tết

Cuốn “Sách xem Tết” trình làng vào năm Mậu Thìn 1928 của Tân Dân Thư Quán đã mở ra khái niệm sách Tết. Cuốn sách Tết đầu tiên ấy chỉ 78 trang không minh họa, gồm hai mảng nội dung chủ yếu là văn hài đàm và thơ vui, tập hợp các cây bút nổi tiếng thời bấy giờ.

Nối tiếp Tân Dân, Nam Ký Thư Quán xuất bản “Sách chơi Xuân” năm 1929 được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Các nhà sách từ Bắc chí Nam, thậm chí cả ở Lào cũng đua nhau làm ấn phẩm Tết. Nào là “Tết Nam Kỳ”, “Tết nắng Xuân”, “Một trời Xuân”, Thơ văn “Mùa Xuân”, “Tết Đời Nay”, “Sách Xuân”… 

“Mừng Tết mới - Xuân Kỷ Hợi 1959” của NXB Kim Đồng giới thiệu tác phẩm của rất nhiều tác giả và họa sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ như Tạ Lựu, Nguyễn Bích, Thy Thy Tống Ngọc, Thế Vỵ... Những tiểu phẩm rất đặc trưng của một giai đoạn lịch sử, về thời kỳ xây dựng hợp tác xã, về phong trào ngày Tết đi thu gom sắt vụn, đúc lưỡi cày làm quà Tết tặng các bác nông dân, về niềm vui sáng mồng một các bạn nhỏ miền Bắc mở cửa reo mừng đón các bạn miền Nam xông nhà, bởi đó là thời kỳ miền Nam và miền Bắc đang tạm bị chia cắt do chiến tranh. 

Với nội dung chủ yếu có hai mảng văn hài đàm và thơ vui, chấp bút bởi nhiều tên tuổi nổi tiếng làng văn, sách Tết thời đó mang lại cho độc giả những tiếng cười sảng khoái, những câu chuyện lời thơ giải trí nhẹ nhàng, dí dỏm vào ngày đầu năm. Do vậy, sách Tết ngày càng được ưa chuộng. Nhà nhà từ Bắc chí Nam đua nhau làm sách; hít hà mùi giấy mực, vui cái thú văn chương tao nhã ngày xuân đã trở thành cái lệ đầu năm với nhiều người. 

Thời đó, sách có thể không phải để đọc ngay, mà là một thứ cho đủ lệ bộ tựa như mâm ngũ quả ngày Tết. Ra giêng ngày rộng tháng dài, lúc ấy mới giở cuốn sách Tết còn thơm mùi mực, nhẩn nha nhấm nháp không khí của ngày Xuân. Những chiêm nghiệm, đôi khi là hồi ức về tục lệ xưa, không khí đón Tết xưa - làm sống lại tuổi thơ của bao người. 

Thế nhưng sau năm 1960, không còn ấn bản nào mang tên sách Tết, để lại trong lòng người đọc một khoảng trống tinh thần - bâng khuâng, tiếc nhớ. Những tập sách mỏng khiêm nhường ấy, cũng như gốc mai, cành đào, bánh chưng, củ kiệu, quen thuộc dung dị là thế, nhưng bỗng vắng bẵng đi khiến cho cái Tết chưa tròn, như người ta vẫn nôm na “có cái gì thiêu thiếu”.

“Sống lại” những giai phẩm Tết

Để mong muốn sách Tết trở lại để ngày xuân thêm đậm đà, năm 2019 Công ty Đông A “nổ phát súng” đầu tiên với cuốn “Sách Tết Kỷ Hợi”.  Cuốn sách ghi lại những cảm xúc, suy tư, dấu ấn mang hơi thở của ngày hôm nay, đồng thời cũng khôi phục và lưu giữ các phong tục, hương vị Tết xưa của người Việt. Sách Tết Kỷ Hợi 2019 được nhiều bạn đọc tìm đến mua với niềm háo hức, hân hoan lạ thường.

“Thừa thắng xông lên”, năm 2020, Công ty Đông A và NXB Văn học lại tiếp tục ra sách “Tết Canh Tý 2020” hợp tuyển văn thơ nhạc họa chủ đề mùa xuân và ngày Tết, với sự góp mặt của các tác giả, họa sĩ tên tuổi như: Cao Huy Thuần, Hồ Anh Thái, Phan Thị Vàng Anh, Lê Trí Dũng, Đỗ Hoàng Tường… cùng sự tham gia của một số cây bút mới từ nhiều vùng, miền đất nước.  Sách mở đầu với phần “Chờ đón giao thừa”, “Nhìn người về quê” của Hoàng Việt Hằng; “Sương xuân” và “Hoa đàm” của Kim Ân; “Giao thừa” của Cao Huy Thuần... 

Ở đó, người đọc bắt gặp những dáng người tất tả về quê ăn Tết trong cái lạnh se se của miền Bắc; sống lại những truyền thống xa xưa với sắc đào chấm phá trong sương, với những cô gái làng đào quần lụa xòa kín gót, áo nâu thắt eo, tung tẩy đôi sảo tre ra bãi sông kĩu kịt vớt váng phù sa, với những khách văn chương đất Bắc và với những cảnh quê nghèo thưở nào xa xôi lắm.

Nhịp sách nối dài với phần thơ và văn, là những cơn giông mùa Xuân tưới tắm tâm hồn trong những xúc cảm. Ngày xuân ấy có kẻ bỏ phồn hoa, bỏ phố thị lên miền Tây Bắc để sáng ra nghe con họa mi trong trẻo hót giữa rừng, trưa uống rượu…

Còn cuốn sách “Tết đoàn viên” của Công ty CP Văn hóa Truyền thông Sống lại tái hiện những cái Tết ở nhiều vùng miền trên đất nước dưới góc nhìn của những nhà văn, nhà báo và cả các nghệ sĩ như nhà báo Phạm Công Luận, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Trương Quý, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, MC Thảo Vân, ca sĩ Thanh Duy, nhóm nhạc Lộn Xộn Band…

“Tết đoàn viên” vốn như lời tâm tình thủ thỉ, với những hoài niệm thao thiết, đượm phong vị tết xưa nay trên mọi miền. Yếu tố quan trọng nhất và cũng là bí mật lớn nhất của Tết là sự đoàn tụ. Mỗi tác giả trong cuốn sách này, bằng một cách riêng nói về những vẻ đẹp khác biệt của Tết. Mỗi bài viết mang đến một phong vị của từng vẻ đẹp của từng vùng, từng thời… làm nên vẻ đẹp của Tết. 

Những vẻ đẹp ấy hiển hiện trong trời đất, trong cây cỏ hoa lá, trong những ngôi nhà, căn bếp, trong mỗi gương mặt người, trong mỗi giọng nói, trong hương nến trên những ban thờ, trong hương vị của những món ăn truyền thống… Nhưng dòng chảy lớn nhất và thiêng liêng nhất qua những vẻ đẹp ấy là sự đoàn tụ.  

“Nhâm nhi Tết”, một cuốn sách của NXB Kim Đồng là cuốn sách mà nhiều bạn trẻ tìm đọc vào dịp Tết Canh Tý. Không chỉ có thơ và truyện ngắn dành cho thiếu nhi, cuốn sách này còn có nhiều tản văn, gợi lại không khí của Tết xưa, với những phong vị rất riêng, vẫn còn vẹn nguyên trong lòng các tác giả.

Đó có thể là cái Tết thời bao cấp đầy khó khăn, thiếu thốn nhưng ấm áp tình cảm xóm giềng. “Nhâm nhi Tết” “xôm trò” với những mẩu truyện tranh dí dỏm hay vài công thức nấu ăn độc đáo. Bên cạnh đó, cuốn sách còn gợi lại cho bạn đọc nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang dần bị mai một…

Có thể nói, mỗi cuốn sách mang những nội dung riêng, những câu chữ lắng đọng và đầy tình cảm là lời thủ thỉ với bao nhung nhớ về Tết xưa. Các cuốn sách Tết đều tái hiện bức tranh Tết đủ đầy phong vị của các vùng miền, của Tết nay và Tết xưa thông qua những bài viết của các tác giả. Để thông qua đó, nhắc nhớ người đọc về những giá trị của Tết cổ truyền trong văn hóa người Việt, về sự đoàn viên, ấm áp bên người thân, gia đình vào dịp đặc biệt này.

Việc phục dựng lại “tập quán” sách Tết của các nhà xuất bản cũng không nằm ngoài ý nghĩa lưu giữ lại những nét đẹp vốn có của Tết Việt cho thế hệ mai sau. Và cứ như thế, trong giỏ quà Tết, ngoài những bánh, những rượu thì xuất hiện thêm một món quà tinh thần là quyển Sách Tết nho nhỏ.

Trên bàn trà, ngoài mứt Tết, hạt dưa, còn có sự góp mặt khiêm nhường của sách Tết. Bên cạnh thú du xuân, người ta còn có thêm cái thú tao nhã: đọc - ngẫm sách Tết. Người già đọc để hoài nhớ Tết xưa, người trẻ đọc để trân quý Tết nay. 

Lắng nghe hương Tết đang về

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: 

"Cho đến tận bây giờ, trong thời đại công nghệ 4.0 này, dân làng tôi vẫn chuẩn bị hai con đường vào những ngày cuối năm để đón những người đi xa trở về với gia đình mình, với quê hương bản quán của mình. Một con đường cho người sống và một con đường cho người đã khuất.

Và vào buổi chiều của ngày cuối năm, lúc nào tôi cũng cảm nhận một cách kỳ lạ mình đang sống trong hơi thở ấm áp của những người trong gia đình đang sống và tất cả những người thân yêu trong gia đình đã khuất tự ngàn xưa. Không có lễ hội nào trong một năm như Tết lại có khả năng kỳ diệu cho sự đoàn tụ gia đình, cho sự gắn kết những quan hệ xa lạ, cho sự hòa giải những bất hòa, cho sự tha thứ những lầm lạc…

Bởi trong những giờ phút thiêng liêng ấy, con người muốn rũ bỏ quá khứ phiền muộn, khổ đau và thất vọng để hướng về một tương lai tốt đẹp trong năm mới. Có biết bao con người tha phương có thể quên cả tiếng mẹ đẻ hay mang trong mình một nỗi đau đớn nào đó nơi cố hương nhưng mỗi khi Tết đến là họ lại muốn trở về cố hương cho dù chỉ trở về bằng con đường trong những giấc mơ đầy thương nhớ và thổn thức của mình”.

Nhà văn Trung Sỹ: 

“Mưa phùn gió bấc buốt thấu xương tiết Đại hàn, tiết khí cuối cùng của năm cũ và đi qua, đã thấy le lói đốm đỏ, đốm hồng nhánh đào hoa tỉa cành bán rong trên phố. Thứ đào tỉa bán theo bó này chỉ dành để cắm trên lọ nhỏ ban thờ. Đây là những nụ cười báo xuân sớm nhất, nở bừng trong gió rét. Thời gian với bọn trẻ con mong Tết trôi chậm dềnh dàng nhưng đến nhanh xồng xộc đối với những người lớn lắm lo toan.

“Bát gạo tháng Giêng, đồng tiền tháng Chạp”, các cụ đã bảo như thế! Đồng tiền tháng Chạp nó đi khỏi túi nhà nghèo nhanh vùn vụt. Biết bao việc phải tiêu, còn mấy món nợ chưa trả. Ai cũng muốn khép lại một năm làm ăn sao cho chu đáo với bạn hàng, cho gia đình vui vẻ dù thu nhập đang tùng tiệm. Nghe tiếng pháo lẻ đì đẹt lác đác, nhiều kẻ làm công tha hương, kiếm ăn độ nhật trên hè phố bỗng giật mình, thảng thốt thở dài…”.

Nhà văn Ma Văn Kháng: 

“Nhớ một cái Tết xa. Đó là những năm tám mươi của thế kỷ trước. Sau cuộc chiến tranh dài ba mươi năm, lại đang ở thời kỳ bao cấp, đời sống của dân ta lúc này thật sự là đã ở vào tình cảnh vô cùng khốn khó. Cái ăn vốn là nỗi ẩn ức hàng ngày không buông tha ai, giờ cái Tết lại ập đến. Trong khi tiếc thay “Tháng tám đói qua, tháng ba đói kiệt”.

“Tết đến sau lưng, con trẻ thì mừng, ông bà thì lo”, mấy câu thành ngữ, tục ngữ có tự những ngày xửa ngày xưa, giờ vẫn là thực cảnh ngày ngày. Thành ra, cơ quan tôi tuy là một đơn vị hoạt động trong ngành văn hóa tinh thần, nhưng Tết đến thì từ vị thủ trưởng đến anh thư ký công đoàn, ai ai cũng đều phải xắn tay áo lên chăm lo việc cải thiện đời sống cho anh em.

Vấn đề đặt ra là ngoài số lương thực thực phẩm theo chế độ tem phiếu nhà nước cấp (mỗi người nửa cân thịt lợn, nửa ký gạo nếp, mấy lạng đậu xanh, gói mì chính, sấp bánh đa nem…) thì nhu cầu tối thiểu “no ba ngày Tết” cho anh em.

Cụ thể là, cần có thêm một lượng thịt gà hoặc thịt lợn, nhất là thịt lợn. Thịt lợn làm nhân bánh chưng, để gói giò. để làm nem, để nấu đông, để nấu bát mọc đặt lên bàn thờ tiên. Nhu cầu là thế, nhưng lúc này người khôn của khó, kiếm đâu ra bây giờ”.

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách: 

 “Đêm ba mươi là lúc Tết nhất của tết. Càng gần giờ giao thừa thì mọi người càng trở nên nghiêm túc hơn, “hiền” hơn. Bố mẹ tôi tự nhiên có vẻ nghiêm trang, nhưng nhã nhặn hơn ngày thường. Bàn thờ giao thừa và bàn thờ gia tiên đã sẵn sàng. Bố tôi vẫn giữ được đôi tranh Thần Đồ, Uất Lũy cũ đem ra treo hai bên cửa ra vào dưới nhà, từ tối ba mươi Tết mỗi năm…”.

“Rồi giao thừa đến. Hương khói nghi ngút. Mẹ tôi trở nên nghiêm trang, thành kính tối đa trong mỗi cử chỉ. Phấn son, nhưng mẹ vẫn mặc áo dài năm cũ khi cúng giao thừa. Nhưng kiêng cữ như tránh quét nhà, to tiếng, nói dối… bắt đầu được tuân thủ”… “Lúc mọi nhà cúng giao thừa và gia tiên xong, ở những năm được đốt pháo, pháo bắt đầu rền…”. 

Nhà thơ Lê Minh Quốc:

“Với người Sài Gòn xưa, vào đêm giao thừa, ngoài Lăng Ông, bà Chiểu thì các chùa như Chùa Ông, Chùa Bà… là nơi đông đúc người dân tìm đến cầu may, khấn vái những điều tốt lành cho gia đạo, cầu bình yên cho sơn hà xã tắc. Trong năm dù có giận hờn, oán ghét nhưng ngày đầu năm gặp nhau thì họ lạ nhoẻn miệng cười, làm lành với nhau.

Điều này cho thấy người Sài Gòn không để bụng, giận lâu. Ở chợ, các tiểu thương thường tếu táo bảo, chơi Tết là chơi “hết mùng cho tới mền”, tức là từ mùng Một đến mùng Mười là hết Tết nhưng đến rằm tháng Giêng lại là cuộc hành hương tìm đến chùa chiền cầu mua may, bán đắt.

Nói thì nói thế chứ thật ra ở Sài Gòn, hầu như sau mùng Một Tết là quán xá lại khai trương nhằm đáp ứng nhu cầu ăn uống “nhanh, gọn, lẹ” của cư dân nơi đây. Đây cũng là một đặc trưng của tính cách người Sài Gòn…

Nhà báo Minh Tự: 

“Ăn Tết ở Huế khá khác so với các vùng miền khác. Thời xưa, trong cung đình suốt cả tháng Chạp vua quan phải lo cho xong các nghi lễ chuẩn bị cho việc ăn Tết thì ngoài kinh thành, thần dân cũng tất bật mọi lễ lượt để đón ông bà và cả Phật tổ, thánh linh về cùng ăn Tết. Vua ban sóc xong đó là lúc con cháu làm ăn mọi nơi cùng kéo nhau về làng chạp mộ Tổ tiên, ông bà, cha mẹ để chuẩn bị đón xuân nên mới gọi là tháng Chạp.

Những ngày đó về làng Huế sẽ cảm nhận một không khí náo nức chuẩn bị đón chào một lễ nghi trọng đại. Các phường thợ cũng rục rịch cúng tổ nghệ, sớm nhất là thợ may cúng tổ ngày mười hai tháng Chạp, tiếp đó là thợ mộc ngày mười chín, thợ nền ngày hai tư… Đầu đêm hai ba là cúng ông Táo để tiến vị thần Bếp lên ăn Tết ở thiên đình.

Ngày trước, lễ cúng Tất niên chỉ diễn ra vào ngày ba mươi Tết sau khi cây nêu dựng lên, để chính thức mời tổ tiên, ông bà về ăn Tết với con cháu. Còn sau này kể từ ngày đưa ông Táo cho đến ngày cuối cùng là liên tục cúng tất niên của các xóm, các làng, các nhà, quán xá, chợ bùa, cửa hàng, công ty, xí nghiệp…

Những ngày này, chỉ cần đi một đoạn chợ Đông Ba sẽ gặp vô số bàn thờ nghi ngút khói hương đặt bên hè phố. Đó là mâm cúng tất niên của các cửa hàng điện tử, phòng vẽ, hàng thêu, tiệm sửa ti vi, tủ lạnh… Nhà nông ở làng thì cúng ruộng, cúng vườn, cúng chuồng trâu, chuồng heo, chuồng gà…

T.Dương (thực hiện)

Đọc thêm