Sức sống trên đại công trường Thủy lợi Bản Mồng

(PLVN) - Trong không khí rộn ràng của những ngày Xuân, hàng ngàn công nhân Thủy lợi Bản Mồng vẫn miệt mài làm việc trên công trường để cùng nhau hướng tới mục tiêu mà đại dự án của ngành Nông nghiệp đang chạy đua với thời gian để cán đích: Chặn dòng đợt 2, thi công đập phụ vào cuối năm 2019, đáp ứng mục tiêu hoàn thành giai đoạn 1 của dự án vào đầu năm 2021. 
Công trình Thủy lợi Bản Mồng sẽ góp phần thay đổi cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân miền Tây Nghệ An
Công trình Thủy lợi Bản Mồng sẽ góp phần thay đổi cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân miền Tây Nghệ An

Dự án “thay da đổi thịt” 5 huyện miền núi

Ngăn con sông Hiếu, tạo ra một hồ nước lớn nhằm mục đích tưới tiêu và cung cấp nước cho người dân hạ lưu con sông này vốn là ý tưởng của người Pháp. Vận dụng điều này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã quyết định hiện thực hóa ý tưởng này nhằm phát huy lợi thế địa hình vừa để trị thủy, vừa kích thích phát triển kinh tế vùng miền núi phía Tây, Nghệ An. 

Sau nhiều khó khăn về nguồn vốn, đến đầu năm 2018, công trình Thủy lợi Bản Mồng chính thức được phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 4.500 tỷ đồng. Dự án được triển khai đã mang theo nhiều hy vọng đổi đời cho người dân địa phương.

Nói về ý nghĩa của dự án đối với sự phát triển kinh tế vùng, ông Trần Văn Tạo, Phó Ban quản lý Dự án (BQLDA) Bản Mồng cho biết: Ngoài cấp nước tưới cho gần 19 ngàn ha ven sông Hiếu, cho sông Cả vào mùa kiệt khoảng 23m³/s, dự án khi hoàn thành còn là nhà máy phát điện với công suất đạt khoảng 45 MW. Đây còn là nguồn cung nước dồi dào cho công nghiệp dân sinh, chăn nuôi, phát triển nuôi trồng thuỷ sản của vùng. Và đặc biệt khi dự án đưa vào khai thác còn góp phần cải tạo môi trường, đảm nhận vài trò cắt giảm lũ cho hạ du sông Hiếu. 

“Người dân 5 huyện miền núi Nghệ An là Quỳ Hợp, thị xã Thái Hòa,  Nghĩa Đàn, Tân Kỳ và một phần huyện Anh Sơn sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ dự án. Tới đây ngành trồng trọt, nuôi trồng thủy sản vùng ven sông Hiếu sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển do được tận dụng lợi thế từ hệ thống kênh mương dẫn nước hiện đại của dự án”, ông Tạo nói.

Không khác những dự án xây dựng cơ bản khác, dự án Thủy lợi Bản Mồng cũng gặp không ít khó khăn khi triển khai. Nhìn lại sau gần một năm, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4, Bộ NN&PTNT (Ban 4) đánh giá, giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn là một trong những khó khăn mà Ban 4 đã phải đối mặt. “Công tác GPMB vướng mắc khiến việc thi công công trình đầu mối bị chậm trễ. Để giải bài toán này chúng tôi đã quyết tâm làm ngầm qua kênh dẫn dòng để đưa phương tiện, máy móc cùng vật tư vào vụ thi công đào hố móng đập chính kịp thời”, ông Sơn chia sẻ. 

Sự thành công bước đầu của dự án trọng điểm về thủy lợi tuy tạo khí thế hừng hực cho những người công nhân trên đại công trường nhưng theo ông Sơn, để dự án “cán đích” đúng kế hoạch vẫn còn đó nhiều gian nan. “GPMB vẫn là “vấn đề” lớn đối với dự án. Hiện mới là giai đoạn 1 của dự án, để về đích đúng tiến độ chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự đồng thuận từ phía người dân”, ông Sơn kỳ vọng.  

Chạy đua với thời gian

Đến với Bản Mồng những ngày này mới hình dung được hết quy mô của công trình thủy lợi quan trọng vào loại bậc nhất khu vực Bắc Trung bộ. Đứng trên cao phóng tầm mắt xuống, hàng trăm công nhân đang làm việc ở dưới trông như đàn ong thợ khổng lồ miệt mài xây tổ. Những trụ kết cấu bê tông với chiều dày hàng chục mét đã được dịch chuyển từ thân đập lên trên cao. Hàng loạt cần cẩu siêu trọng với hàng chục xe vận chuyển bê tông tấp nập vào ra công trường tạo một quang cảnh lao động hết sức nhộn nhịp, khí thế… 

Theo Ban QLDA Bản Mồng, mặc dù ngày 10/4/2018 mới tổ chức chặn dòng sông Hiếu để thi công cụm công trình đầu mối, nhưng với sự quyết tâm của Chủ đầu tư cùng với các nhà thầu, tư vấn thiết kế nên trong năm 2018 đã làm đê quây vượt tiến độ hai tháng, chống được lũ chính vụ an toàn, thực hiện vượt tiến độ 20% so với kế hoạch. “Bên cạnh đó, hợp phần thủy điện đang được Chủ đầu tư cũng như các nhà thầu thi công phối hợp rất nhịp nhàng với hợp phần thủy lợi, đến nay tiến độ thi công của hợp phần thủy điện đáp ứng được với yêu cầu tiến độ chung của cả dự án”, ông Tạo thông tin. 

Theo ông Tạo, để làm được điều đó, từ tháng 3/2018 đến nay, công trường liên tục duy trì từ 600 - 1000 cán bộ, công nhân luân phiên làm việc. Cán bộ, kỹ sư của Ban 4 cũng phân thành các tổ, thường xuyên ba ca thay nhau bám sát công trường. Để thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra, ngoài phân công cán bộ bám công trường, Ban 4 còn cho lắp đặt các camera giám sát tiến độ thi công công trình. “Nhiều khi lãnh đạo chúng tôi hay các bộ phận quản lý không thể giám sát hết được 24/24h. Có camera sẽ giúp cán bộ quản lý kể cả có công việc đi xa cũng dùng điện thoại thông minh để nắm bắt tình hình thực hiện ngay công trình được”, ông Sơn chia sẻ.  

Được biết, năm 2019, sẽ là năm quyết định cho việc đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ chung. Theo đó, dự án sẽ thi công bê tông tất cả các các hạng mục công trình: Tràn xả lũ, cống xả sâu kết hợp xả cát, cống lấy nước, đập bê tông, lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công... Để làm sao đúng tháng 12/2019 sẽ tiến hành chặn dòng đợt 2 để thi công đập phụ, đáp ứng mục tiêu hoàn thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2020 đầu năm 2021. 

“Công trình trọng điểm của ngành Nông nghiệp”

Ông Hoàng Xuân Thịnh, quyền Giám đốc Ban 4 cho biết: Công trình Thủy lợi Bản Mồng là công trình trọng điểm, là công trình lớn nhất ở thời điểm hiện tại của Bộ NN&PTNT. Chính vì rất quan trọng nên Bộ quan tâm rất sát, rất nhiều chuyên gia hàng đầu về thủy lợi đã về dự án để đóng góp ý kiến, tư vấn cho dự án này. Kết quả là sau hơn 10 tháng thi công công trình bước đầu đã có những thành công vượt tiến độ. Công tác quản lý, triển khai công trường… thể hiện tính chuyên nghiệp và cẩn trọng. Lãnh đạo Bộ về kiểm tra, làm việc tại công trường cụm công trình đầu mối dự án Bản Mồng đã có những nhận xét rất tốt về dự án này. Lãnh đạo Bộ đánh giá đây là dự án mẫu trong việc quản lý, triển khai công trường để các dự án tương tự của Bộ học tập, làm theo.

Đọc thêm