Tăng giờ làm hay tăng lương: “Bài toán” 22 năm gây tranh cãi

(PLO) - Doanh nghiệp mong muốn pháp luật tăng thêm về giờ làm thêm, người lao động cũng có nhu cầu làm thêm để cải thiện đời sống. Tuy nhiên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) cho rằng cần đảm bảo yếu tố sức khỏe của người lao động. 
Có ý kiến cho rằng người lao động muốn làm thêm vì tiền lương quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống. (Hình minh họa)
Có ý kiến cho rằng người lao động muốn làm thêm vì tiền lương quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống. (Hình minh họa)

Hai luồng ý kiến trên tranh cãi từ năm 1994 đến nay vẫn chưa ngã ngũ, còn lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết hiện vẫn chưa chốt quan điểm cuối cùng với đề xuất trên.

Vì sao người lao động muốn làm thêm?

Tại Hội nghị đánh giá ba năm thực thi Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2012, diễn ra mới đây, do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, nội dung thu hút nhiều ý kiến tham gia thảo luận là đề xuất tăng giờ làm thêm. 

Đại diện một doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu: Ở một số nước phát triển như Nhật Bản, cho phép người lao động làm thêm 720 giờ/năm, Trung Quốc là 600 giờ/năm. Trong khi Việt Nam là nước đang phát triển nhưng chỉ cho phép 200-300 giờ/năm. Quy định như vậy là quá thấp.

Đình công: Ưu tiên đối thoại, hòa giải 

Xung quanh quy định về đình công gây nhiều tranh cãi, Thứ trưởng Bùi Minh Huân cho biết tinh thần của Bộ luật Lao động là ưu tiên đối thoại, hòa giải để giải quyết mâu thuẫn giữa người sử dụng lao động và người lao động. Ông Huân nói rằng cần xem đình công là giải pháp cuối cùng bởi đình công khiến cả doanh nghiệp lẫn người lao động thiệt hại, môi trường kinh doanh ảnh hưởng.

Cũng theo đại diện doanh nghiệp trên, những ngành đặc thù như da giày, dệt may, thủy sản là những ngành nghề sử dụng nhiều lao động, năng suất lao động còn thấp, có tính thời vụ. Do đó việc khống chế giờ làm thêm (không quá 30 giờ/tháng, 300 giờ/năm) như hiện nay gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp.

Trong khi đó bà Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng phòng Chính sách bảo hộ lao động (Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH) không đồng tình với đề xuất tăng giờ làm thêm: “Qua khảo sát, chúng tôi thấy hầu hết người lao động không muốn làm thêm, họ muốn được nghỉ ngơi để nhằm đảm bảo chất lượng lao động”.

Nghe ý kiến này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân đặt câu hỏi tại sao nhiều đại biểu cho rằng người lao động và người sử dụng lao động đều muốn làm thêm. Bà Hường giải thích người lao động muốn làm thêm vì tiền lương quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống: “Nếu doanh nghiệp trả lương đáp ứng được cuộc sống tối thiểu của người lao động thì họ không làm thêm. Nên vấn đề ở đây là chúng ta cần điều chỉnh tiền lương đối với người lao động cho phù hợp”.

Cùng quan điểm trên, ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách pháp luật (TLĐLĐVN) cho biết quan điểm Tổng Liên đoàn không đồng tình với đề nghị tăng thời gian làm thêm mà giữ nguyên quy định hiện hành. Ông này giải thích, việc bảo vệ sức khỏe người lao động hết sức quan trọng. Đây là quyền, trách nhiệm của công đoàn. Nó ảnh hưởng đến thế hệ lao động tương lai: “Sau 8 tiếng làm việc trong ngày, người lao động cần nghỉ ngơi mới hồi phục thì hôm sau mới đạt năng suất làm việc cao, đảm bảo sức khỏe, sinh con cái khỏe mạnh”, ông Điều nói.

Trả lời câu hỏi liệu có mâu thuẫn không khi Tổng Liên đoàn kiến nghị giữ nguyên giờ làm thêm, còn người lao động có nhu cầu làm thêm? Ông Điều trả lời việc làm thêm là quyền người lao động và họ có thể thương lượng với doanh nghiệp. Nhưng vấn đề làm thêm phải trong quy định pháp luật.

Trở lại với Thứ trưởng Huân, vị này cho biết quy định về thời gian làm thêm không phải chuyện mới mà đã tranh cãi từ năm 1994. Và trong các lần sửa đổi luật, quy định này tiếp tục được thảo luận song tới nay chưa thống nhất. Ông Huân cho hay: Doanh nghiệp đề xuất tăng giờ làm thêm, nhà đầu tư mong muốn. Mặt khác người lao động cũng có nhu cầu. Trong khi đó năng suất lao động ở nước ta còn thấp nên một số quy định quá cứng nhắc về giờ làm thêm làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. 

Tuy nhiên phải tính đến yếu tố sức khỏe, thể chất của người lao động. Vì vậy Bộ LĐ-TB&XH vẫn chưa chốt phương án cuối cùng về đề xuất tăng giờ làm thêm. “Nhưng có lẽ cần nới lỏng trong khuôn khổ nhất định”, ông Huân nói.

Sẽ khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH

Bên cạnh đề xuất tăng giờ làm thêm, việc người sử dụng lao động “lách luật” tránh đóng bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH) và sa thải hàng loạt nhân công cũng thu hút nhiều ý kiến bàn luận. Trưởng ban Chính sách pháp luật TLĐLĐVN cho rằng cần điều chỉnh những quy định liên quan đến hợp đồng lao động (HĐLĐ) để đảm bảo chặt chẽ hơn, tránh trường hợp người sử dụng lao động tìm lý do lách luật chấm dứt HĐLĐ với hàng loạt lao động. Nhất là khi người lao động ở độ tuổi cao và khó kiếm việc làm mới ở doanh nghiệp khác.

Nhiều ý kiến khác nêu thực trạng hiện nay nhiều đơn vị sử dụng lao động “né luật” bằng cách kí HĐLĐ dưới 3 tháng để trốn tránh trách nhiệm đóng BHYT và BHXH. Hoặc đặt ra quy định ngặt nghèo về tăng lương, thăng chức để “làm khó” người lao động. Đây là một điểm hở của BLLĐ.

Liên quan đến việc người sử dụng lao động nợ đọng BHXH, BHYT, nợ phí công đoàn, ông Đặng Quang Điều cho biết công đoàn Tổng Liên đoàn đang tích cực chuẩn bị các cơ sở vật chất, tập huấn nhân lực nhằm trang bị kiến thức, kĩ năng để khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, nợ lương. Cụ thể TLĐLĐVN đang xây dựng bộ quy định hướng dẫn các cấp công đoàn về trình tự, thủ tục khởi kiện người sử dụng lao động nợ BHXH, nợ phí công đoàn, nợ lương.

Ông Điều cho biết, từ đây tới cuối năm 2016 sẽ chọn một số tỉnh, thành thí điểm, sau đó sẽ nhân rộng. Ông này cũng thẳng thắn nhìn nhận công đoàn cấp cơ sở chưa đủ năng lực khởi kiện doanh nghiệp mà sẽ giao LĐLĐ cấp tỉnh đứng ra khởi kiện trước.

Về nguồn kinh phí khởi kiện, Tổng Liên đoàn kiến nghị ngành BHXH sẽ chi trả những nội dung liên quan đến BHXH, còn công đoàn chi trả nội dung kiện liên quan đến phí công đoàn, tiền lương. Riêng người lao động sẽ không mất bất cứ chi phí nào.

Quy định còn “vênh” giữa lý thuyết và thực tiễn

Tại hội nghị, đại diện Vụ Pháp chế Bộ LĐ-TB&XH đã tóm tắt một số điểm hạn chế trong Bộ luật Lao động hiện hành. Nhiều chế định còn chung chung như thế nào là “cưỡng bức lao động” và nhận diện nó vẫn còn rất nan giải. Tiếp theo là các quy định về lập hồ sơ quản lý lao động. Theo quy định này doanh nghiệp phải lập hồ sơ quản lý lao động, lập sổ lương và xuất trình khi cơ quan chức năng đến kiểm tra. Nhưng trên thực tế rất ít doanh nghiệp thực hiện, một phần do ngày nay ứng dụng công nghệ thông tin trở nên rộng rãi nên nhiều doanh nghiệp “ngại” quản lý thủ công.  

Hay như việc đối thoại giữa người sử dụng lao động và người lao động, dù có nhưng tại nhiều doanh nghiệp vẫn mang tính hình thức. Quy định đối thoại trực tiếp là cứng nhắc, thay vào đó có thể linh hoạt bằng trao đổi qua thư điện tử bởi kết quả khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy các doanh nghiệp trình bày 80% thời lượng các buổi đối thoại xoay quanh vấn đề tiền lương. Còn các thông tin khác như kế hoạch sản xuất thuộc về bí mật của doanh nghiệp, họ không thể chia sẻ công khai với người lao động.

Đọc thêm