Tăng mức vay, tăng hy vọng cho học sinh và sinh viên nghèo

(PLVN) - Từ tuần tới, mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên (HSSV) sẽ tăng từ 1,5 triệu đồng/tháng/HSSV lên 2,5  triệu đồng/tháng/HSSV, góp phần san sẻ gánh nặng chi phí học tập cho nhiều gia đình HSSV nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Các hộ gia đình nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch của NHCSXH
Các hộ gia đình nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch của NHCSXH

Xây đắp tương lai

Gia đình bà Triệu Thị Nga (thôn Nà Quang, xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) là một hộ gia đình điển hình về sử dụng vốn vay chính sách xã hội đúng mục đích, đạt hiệu quả. 

Ở thôn miền núi khó khăn nhất của xã, gia đình bà Nga (có hai vợ chồng bà và 4 người con) vốn cũng là một hộ nghèo. Năm 2007, gia đình bà được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để  mua 1 con trâu. Năm 2009, sau khi con trâu sinh được 2 lứa, gia đình bà bán 1 con trả nợ nhưng vẫn có trâu làm “của để dành”.

Sau đó, bà còn được vay tiếp một khoản vay chương trình hộ nghèo khác để phát triển kinh tế gia đình bền vững hơn. Thu nhập ổn định, cái ăn cái mặc được giải quyết, gia đình phát sinh nhu cầu học hành. “Trong thời gian đó, con lớn của tôi thi đỗ vào đại học. Nhờ có chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn của NHCSXH, gia đình tôi đã được vay vốn để trang trải chi phí học tập cho con” – bà Triệu Thị Nga kể.

Năm 2010, gia đình bà đã làm hồ sơ vay chương trình HSSV 32,6 triệu đồng để trang trải chi phí học tập cho con học đại học. Đến năm 2014, gia đình tiếp tục vay vốn trang trải chi phí học tập cho con thứ 2 là 50 triệu đồng. Đến cuối năm 2018, gia đình tiếp tục làm hồ sơ vay tiền cho con gái út học đại học với số tiền đề nghị vay 70 triệu đồng. Nhờ đó các cháu an tâm học tập, hàng năm luôn đạt kết quả tốt.

Như vậy, trong tổng số tiền vay các chương trình mà gia đình bà Nga đã nhận được từ NHCSXH là 194 triệu đồng thì số tiền vay chương trình HSSV chiếm phần không nhỏ. “Nhờ có chương trình này, gia đình tôi có điều kiện đầu tư cho tương lai. Đây là con đường quan trọng để gia đình và các cháu cùng vươn lên” – bà Nga cho biết.

Tính đến ngày 31/10/2019, chương trình tín dụng HSSV có hoàn cảnh khó khăn có dư nợ đạt trên 10.978 tỷ đồng, chiếm 5,5% tổng dư nợ với hơn 401.000 khách hàng còn dư nợ. Đây là chương trình tín dụng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc cả về kinh tế, chính trị và xã hội, tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội, sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Tăng mức vay, tăng ý nghĩa thực tiễn của chính sách

Thời gian qua, nhiều ý kiến của hộ vay, hội đoàn thể, chính quyền các cấp đề nghị tăng mức cho vay chương trình HSSV để phù hợp với lộ trình tăng học phí và biến động của giá cả trên thị trường, do mức vay 1,5 triệu đồng/tháng đã trở nên khá ít ỏi trong tổng chi phí học tập của một học sinh.

Trao đổi với báo chí hồi đầu năm nay, bà Trần Lan Phương – Phó Tổng Giám đốc NHCSXH – cho hay, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình tín dụng đối với HSSV theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, NHCSXH đã nhiều lần báo cáo các bộ, ngành liên quan xem xét trình Thủ tướng điều chỉnh nâng mức vay cho phù hợp với giá cả, mức chi phí học học tập và biến động của thị trường. 

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1656/QĐ-TTg điều chỉnh mức cho vay quy định tại khoản 1 Điều 5 Quyết định 157/2007/QĐ-TTg. Theo đó, với mức cho vay tối đa là 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV (tăng thêm 1 triệu đồng/tháng/HSSV so với quy định cũ). Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2019, áp dụng đối với các khoản giải ngân mới kể từ khi quyết định này có hiệu lực thi hành.

Chia sẻ với Báo PLVN, nhiều phụ huynh bày tỏ niềm vui mừng trước quyết định tăng mức vay chương trình HSSV nói trên. “Điều đó cho thấy, Nhà nước rất quan tâm đến chương trình an sinh quan trọng này nên đã điều chỉnh mức vay rất thực tế, cho dù kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn” – một phụ huynh ở huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) nói.

Đọc thêm