Tạo sức bật mới, quyết tâm xây dựng huyện Quảng Trạch phát triển nhanh và bền vững

(PLVN) - Nhìn lại những kết quả quan trọng của huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) sau một nhiệm kỳ nỗ lực vượt qua nhiều gian khó, càng thấm thía sức mạnh của khối đại đoàn kết, sức mạnh của ý Đảng - lòng dân.
Đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên các hộ dân xây nhà mới tại khu tái định cư Trung tâm Điện lực Quảng Trạch
Đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên các hộ dân xây nhà mới tại khu tái định cư Trung tâm Điện lực Quảng Trạch

Nhiệm kỳ qua, có những thuận lợi cơ bản, cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, sau sự cố môi trường biển, dịch bệnh kéo dài, rồi bão lụt, hạn hán gây hậu quả nặng nề, trong khi đó huyện mới thu hẹp do điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập thị xã Ba Đồn đủ bề thiếu thốn; hạ tầng KT-XH, năng lực nền kinh tế hạn chế; điều kiện làm việc thiếu hụt cả thiết bị lẫn nhân lực, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.

Song, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã nỗ lực quyết tâm cao, hành động quyết liệt, trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Do đó, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng- an ninh được giữ vững và đã đạt được những kết quả nổi bật và toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Theo Ông Nguyễn Xuân Đạt, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn huyện đã phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân kể cả những lúc khó khăn nhất.

Đó chính là động lực để huyện Quảng Trạch từng bước vượt qua thử thách. Nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai thành công trong nhiệm kỳ, trước hết là quan tâm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về tư tưởng, chính trị và tổ chức; đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, xây dựng chính quyền, MTTQ, các đoàn thể trong sạch, vững mạnh; nêu cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu”.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và các đơn vị liên quan ấn nút thi công công trình cảng nhập than và đê chắn sóng dự án cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Quảng Trạch
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và các đơn vị liên quan ấn nút thi công công trình cảng nhập than và đê chắn sóng dự án cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Quảng Trạch 

Điểm nổi bật là nền kinh tế của huyện Quảng Trạch giai đoạn 2015 - 2020 duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tổng giá trị sản xuất gấp 1,7 lần so với năm 2015, bình quân tăng 11,52%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng; Nông - lâm - thủy sản còn 19,99% (Nghị quyết 19% - 21%), Công nghiệp - xây dựng tăng 48,33% (Nghị quyết 44% - 45%), Thương mại - dịch vụ: 31,67% (Nghị quyết 35% - 36%).

Thu nhập bình quân đầu người đạt 37,5 triệu đồng/năm. Thu ngân sách nhà nước liên tục tăng, trong 5 năm ước thực hiện được 663 tỷ đồng; Năm 2020 dự ước đạt 177 tỷ đồng (Nghị quyết 100 tỷ đồng). Tổng sản lượng lương thực đạt 39,5 nghìn tấn (Nghị quyết 39,2 nghìn tấn). Số xã đạt tiêu chí Nông thôn mới 9 xã (Nghị quyết 9 xã). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm đạt 4.431 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển chiếm tỷ lệ 21,9%.

Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng, tạo động lực cho các ngành kinh tế khác. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng bình quân hằng năm tăng 12,24%, chiếm tỷ trọng 48,33% tổng giá trị sản xuất. Một số dự án, nhà máy tại Khu Kinh tế Hòn La được duy trì hoạt động hiệu quả, dự án Trung tâm Điện lực Quảng Trạch được tái khởi động.

Các cở sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống, nghề mới có tiềm năng được quan tâm đầu tư phát triển, đạt hiệu quả cao. Chương trình OCOP đã có 02 sản phẩm được xếp hạng cấp tỉnh (từ 3 sao trở lên), gồm: Dầu lạc nguyên chất Trường Thủy và Bánh mè xát Tân An.

Trong 5 năm qua, hạ tầng giao thông tiếp tục được đầu tư khá đồng bộ, gần 300 công trình giao thông lớn nhỏ được xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng gắn với quy hoạch nông thôn mới. Hệ thống công trình thủy lợi phục vụ tốt nhu cầu sản xuất nông nghiệp và phòng chống lụt bão. Các công trình dân dụng được quan tâm đầu tư, đặc biệt là các công trình trụ sở làm việc, trường học, trạm y tế... 

Đặc biệt là các công trình hạ tầng tạo động lực cho phát triển kinh tế biển như; Khu kinh tế Hòn La, quy hoạch vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình được quan tâm đầu tư, bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực, điển hình như: Tuyến đường nối Khu công nghiệp Hòn La với Khu Công nghiệp xi măng tập trung Tiến - Châu - Văn Hóa, tuyến đường ven biển nối từ đường vào Khu lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa đến phía Bắc Cầu Roòn và hệ thống đường Khu công nghiệp Hòn La; khởi công Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1, cảng cá Roòn và một số công trình khác, ... đây được xem là giải pháp quan trọng để tạo sự bứt phá trên bình diện phát triển kinh tế cũng như đời sống xã hội.

Khu kinh tế Hòn La sở hữu những lợi thế của một KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực
Khu kinh tế Hòn La sở hữu những lợi thế của một KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực 

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại Trung tâm huyện lỵ dần được hoàn thiện, có 17 công trình do huyện quản lý với tổng mức đầu tư trên 600 tỷ đồng được hoàn thành đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả, như: Trụ sở làm việc các cơ quan cấp huyện, các trục đường giao thông nối nối Trung tâm huyện với Quốc lộ 1A, thị xã Ba Đồn, hệ thống lưới điện, đường truyền Internet cơ bản đã được kết nối đảm bảo cho hoạt động sản xuất và phục vụ dân sinh. 

Các thành phần kinh tế được quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả. Hoạt động các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh chuyển biến tốt. Toàn huyện có 36 hợp tác xã với vốn kinh doanh trên 130 tỷ đồng; trong đó có 25 hợp tác xã thành lập mới hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp; đã đăng ký thành lập mới hộ kinh doanh hơn 1.880 hộ, với tổng số vốn kinh doanh trên 911 tỷ đồng.

Doanh nghiệp tư nhân có sự phát triển về số lượng và quy mô kinh doanh, toàn huyện có 207 doanh nghiệp, tăng 115 doanh nghiệp và 1.144,7 tỷ đồng vốn điều lệ so với năm 2015. Sự phát triển của các thành phần kinh tế là động lực quan trọng để kinh tế huyện chuyển biến tích cực, tạo thêm nhiều việc làm mới cho lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung gắn với vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh. Toàn huyện có 39 trang trại, tăng 15 trang trại; một số mô hình chăn nuôi tập trung ở xã Quảng Tiến, nuôi đà điểu ở xã Quảng Hưng, chim yến ở xã Quảng Xuân; chăn nuôi gia cầm ở các xã Quảng Hưng, Quảng Phú, Quảng Châu đã phát huy hiệu quả. Giá trị chăn nuôi tăng bình quân 5,12%/năm, chiếm tỷ trọng 54,7% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Thực hiện đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng, lợi thế ở các vùng miền. Sản xuất nông - lâm ngư nghiệp đã trở thành ngành sản xuất hàng hóa quan trọng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Một góc làng du lịch Cảnh Dương
Một góc làng du lịch Cảnh Dương 

Bên cạnh đó, các giá trị văn hoá truyền thống được gìn giữ, phát huy, các thiết chế văn hoá được đầu tư; tập trung giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội; phát triển hài hòa giữa đô thị với nông thôn, giữa đồng bằng với miền núi và miền biển, từ đó giảm chênh lệch mức sống và thu nhập giữa các vùng, miền trên địa bàn.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo được chăm lo về mọi mặt, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Các cơ sở y tế được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, năng lực chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ được nâng cao, đáp ứng tốt yêu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nếp sống văn minh đã đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thiết thực; các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phát triển mạnh. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 38,5%, hằng năm giải quyết việc làm cho hơn 24.641 lao động.

Tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm 2,07%, hộ cận nghèo giảm 2,67%; hiện nay, hộ nghèo còn 4,21%, hộ cận nghèo còn 6,5%. Các chính sách đối với người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tiếp bước chặng đường kiên trì vượt khó, trong nhiệm kỳ 2020-2025 huyện Quảng Trạch tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế nhanh và bền vững; nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội. Bằng sức trẻ huyện mới, sự kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống của vùng đất có bề dày truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Quảng Trạch quyết tâm bứt phá thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2020-2025 với thế và lực mới.

Đọc thêm